Hai ca sĩ “Ốc tiêu” lạc quan giữa đời thường

GN - Ẩn sau vóc người “tí hon” của hai chị em Thanh Hằng (sinh năm 1978) và Thanh Hà (sinh năm 1988) lại là sự lạc quan, kiên cường không hề “tí hon” chút nào.

Vào Sài Gòn và được đứng trên sân khấu lớn để biểu diễn cũng gần 11 năm, thế nhưng niềm đam mê ca hát của hai chị em Thanh Hằng và Thanh Hà vẫn mãnh liệt như ngày nào. Ban đầu, khi gặp được cơ duyên và quyết định Nam tiến, chuyển đến một thành phố xa lạ, xa gia đình, xa quê hương, Thanh Hằng và Thanh Hà gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, hai chị em luôn sánh bước cùng nhau nỗ lực xây dựng sự nghiệp ca hát, không bao giờ chùn lòng. Với sự động viên, ủng hộ của mọi người xung quanh, hai chị em từ chỗ đam mê, đã dần gắn bó với nghề ca hát.

THANHHANG-THANHHA.3.jpg


Hai chị em Thanh Hằng và Thanh Hà luôn lạc quan, kiên cường

Trải qua bao nhiêu khó khăn, hai chị em đã phần nào tạo dựng cho mình được một vị trí nhất định trong lòng người yêu văn nghệ, đã có dịp biểu diễn ở cả trong và ngoài nước, và nhận được sự ủng hộ, yêu thích rất lớn từ phía khán giả.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong nghề ca hát, Thanh Hằng cho biết: “Nhớ đến lần đầu tiên biểu diễn trên sân khấu Ngọc Trong Tim dành cho người khuyết tật tại Mỹ và được kiều bào hải ngoại yêu mến, hai chị em Thanh Hằng, Thanh Hà rất hạnh phúc. Trên sân khấu này, những người khuyết tật có tài năng đặc biệt, có hoàn cảnh đặc biệt sẽ biểu diễn chính và các nghệ sĩ lớn sẽ hát hỗ trợ. Sân khấu này đã nâng cánh ước mơ cho những người không may mắn trong cuộc sống, cho họ được hát, được sống với đam mê của chính mình”.

Duyên Phật pháp

Là ca sĩ, sống hết mình vì đam mê nên khi được mời tới bất cứ một chương trình nào, Thanh Hằng và Thanh Hà cũng nhiệt tình nhận lời. Hai chị em vẫn thường biểu diễn cho các chương trình thiện nguyện gây quỹ, đặc biệt là tại các chùa, cũng chính từ đó mà họ đã bén duyên với Phật giáo.

Theo chia sẻ của Thanh Hằng và Thanh Hà, ca khúc “Thầy tôi” (do SC.TN Chúc Hiếu sáng tác) đã đưa hai chị em đến với dòng nhạc Phật giáo, đó cũng là ca khúc đưa cái tên Thanh Hằng, Thanh Hà đến gần hơn với khán giả và các chùa. Thanh Hà kể: “Trong một lần tình cờ gặp gỡ trong chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam, hai chị em được một vị thầy nhờ hát ca khúc này vì rất ít người biểu diễn. Cũng từ đó, hai chị em được quý Phật tử đón nhận và rất yêu mến”.

Thanh Hằng tâm sự: “Khi đi hát, mình không nghĩ sẽ cạnh tranh với ai cả, hai chị em thích bài nào là hát bài đó thôi. Trong một lần đi hát ở chùa và nói chuyện cùng đạo diễn, anh ấy bảo, nếu hai em hát nhạc thị trường thì không thể cạnh tranh và khó phát triển, hai em nên hát nhạc Phật giáo, bởi vì nhạc Phật giáo rất có ý nghĩa. Từ đó Thanh Hằng, Thanh Hà bắt đầu tìm hiểu, nghe và hát những bài như ‘Lạy Phật Quan Âm’, ‘Xin thành tâm sám hối’. Càng hát càng thấy ý nghĩa và càng thích, càng đam mê”. Sau đó hai chị em Thanh Hằng, Thanh Hà phát hành một album nhạc Phật giáo và nhận được sự đón nhận rất nhiều từ khán giả.

Tùy vào mỗi bài hát mà khi biểu diễn, Thanh Hằng, Thanh Hà có cảm xúc khác nhau. Nhưng cứ mỗi khi hát nhạc Phật giáo thì tâm hồn của hai chị em đều cảm thấy an nhiên, nhẹ nhàng, nên càng thích và lựa chọn biểu diễn thường xuyên hơn. “Nhiều người nói sao hai chị em không hát nhạc thị trường hay những bài sôi động để có nhiều show, nhiều người nghe. Mình nói chất giọng hai chị em hợp với những bài nhạc quê hương cũng như những bài nhạc Phật giáo. Nhiều lúc bọn mình đi hát vì niềm đam mê. Có nhiều chương trình mời hai chị em hát mà yêu cầu bài hai chị em không thích cũng như không hợp với giọng, thì tụi mình cũng từ chối không nhận hát chương trình đó”, Thanh Hằng và Thanh Hà chia sẻ.

Thích hát nhạc Phật giáo, đem lời ca tiếng hát cống hiến cho đời, Thanh Hằng và Thanh Hà cũng dần trở thành Phật tử thuần thành, siêng năng với việc tu học. Mỗi ngày, dù ở bất cứ nơi đâu, hai chị em đều dành thời gian để đọc chú Đại bi với ước nguyện để mọi người được khỏe mạnh, an nhiên. “Cách đây mấy năm, lúc mẹ Thanh Hằng, Thanh Hà bị bệnh, gia đình gặp nhiều chuyện buồn bã khó khăn, lúc đó hai chị em có nghe các thầy, các sư cô nói là đọc kinh chú Đại bi có thể tiêu trừ được nghiệp, bệnh tật, phiền não, đau khổ. Vì vậy, Thanh Hằng xin phát nguyện trì tụng kinh chú Đại bi kinh mỗi ngày”, Thanh Hằng cho biết.

Bất kể đi đến đâu biểu diễn, hai chị em cũng dành từ 20 đến 30 phút để ngồi đọc kinh. Ngồi trên xe, trên máy bay hay bất cứ nơi đâu, lúc nào hai chị em cảm thấy bất an là lại mở kinh ra đọc. Nhờ vào việc niệm chú Đại bi mỗi ngày như vậy, gia đình và bản thân Thanh Hằng, Thanh Hà cảm thấy gặp được nhiều điều vui vẻ, an lành hơn trong cuộc sống. Hai chị em luôn cảm nhận được Phật pháp rất nhiệm mầu, ngày càng tinh tấn tu học, sửa mình, làm theo lời Phật dạy.

THANHHANG-THANHHA.2.JPG


Thanh Hằng, Thanh Hà trong một chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện - Ảnh: NVCC

Hai tâm hồn lạc quan giữa đời thường

Khi được hỏi rằng liệu vóc dáng nhỏ nhắn, khác biệt với mọi người xung quanh có bao giờ làm Thanh Hằng, Thanh Hà buồn không? Thanh Hà tâm sự: “Từng có buồn nhưng chỉ thoáng qua. Vì cuộc sống là của mình, mình chỉ được sống một lần nên mình sống vui vẻ hay buồn bã là do cách mình nghĩ. Thay vì chọn buồn, tại sao mình không chọn vui và làm những việc có ích”.

Nói với chúng tôi, Thanh Hằng trải lòng thiệt thà: “Nhiều người nói hai chị em xinh đẹp, hát hay, tài giỏi nhưng chỉ thiếu một chút chiều cao nữa là hoàn hảo rồi. Nhưng mình nghĩ mình được như thế này đã là hạnh phúc, may mắn hơn rất nhiều người rồi, bởi vì ngoài kia còn rất nhiều người bất hạnh hơn, khiếm khuyết hơn mình. Cuộc đời hai chị em không sợ gì cả, chỉ sợ thiếu ý chí thôi”.

Và bằng lời nói lẫn hành động trong thực tế, hai chị em Thanh Hằng và Thanh Hà đã thể hiện rằng, dù được sinh ra với vóc dáng nhỏ bé, nhưng họ vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc. Hai chị em cũng có những lúc buồn, khó khăn hay những giọt nước mắt nhưng là người của công chúng, Thanh Hằng, Thanh Hà luôn mong muốn và cố gắng truyền tải những gì đẹp đẽ nhất đến cho mọi người.

Khi được hỏi về ước mơ của hai chị em trong tương lai, họ chỉ bày tỏ mong muốn lớn nhất, đó là mình có thể được đem lời ca, tiếng hát phục vụ cho khán giả lâu dài. Thêm vào đó là ước mơ mở rộng cơ sở kinh doanh thẩm mỹ của mình, vì đây là “chiếc cần câu cơm” của cả gia đình trong nhiều năm nay, khi cả hai chị em chuyển sang hát nhạc Phật giáo và bước sang con đường tu học.

Nhìn hai chị em có vóc dáng nhỏ nhắn bước đi trên đường, không ai có thể biết được họ đã trải qua bao nhiêu khó khăn, nhưng có một điều khá rõ ràng mà có lẽ ai cũng dễ nhận thấy được, đó là sự kiên cường, nghị lực ở ý chí và trên đôi chân của họ. Và từ họ, có lẽ chúng ta có thể chiêm nghiệm được nhiều điều cho mình: vì cuộc sống là của chúng ta nên thay vì chọn buồn, tại sao chúng ta lại không chọn vui như họ để cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.