Chư tôn đức chứng minh buổi lễ |
Chứng minh buổi lễ có Thượng tọa Thích Trung Sơn, Phó ban Kinh tế - Tài chính T.Ư; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; chư Tăng Ni trụ trì các tự viện trong và ngoài tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh; lãnh đạo chính quyền H.Lộc Hà, địa phương sở tại và đông đảo Phật tử đồng tham dự.
Phát biểu khai mạc, Đại đức Thích Quảng Duyên, Trưởng ban Trị sự GHPGVN H.Lộc Hà đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của chùa Long Hội. Theo đó, chùa Long Hội trước đây gọi là chùa Biền, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII. Đến thế kỷ XVI, dân làng dời chùa về phía Tây khoảng 1.000m và từ đó chùa có tên gọi là chùa Long Hội. Ngày 27-6-2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1796/QĐ-UBND về việc công nhận chùa Long Hội là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Đại đức Thích Tịnh Lâm, tân trụ trì chùa Long Hội lắng nghe đạo từ của chư tôn đức |
Tại buổi lễ, Đại đức Thích Chúc Cường, Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh đã thông qua quyết định của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh về việc bổ nhiệm Đại đức Thích Tịnh Lâm làm trụ trì chùa Long Hội.
Sau khi nhận quyết định bổ nhiệm, Đại đức Thích Tịnh Lâm đã dâng lời phát nguyện sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân, làm tròn trách nhiệm của một vị trụ trì dưới dự lãnh đạo của Giáo hội; sống và làm việc theo pháp luật của Nhà nước, đúng với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ ban đạo từ |
Ban đạo từ, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ đã có lời sách tấn, bày tỏ sự kỳ vọng sau khi nhận quyết định bổ nhiệm chính thức, Đại đức tân trụ trì sẽ nỗ lực tu học và hướng dẫn Phật tử tại đây tu tập theo Chánh pháp; tích cực tham gia các Phật sự và những hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.
Cuối buổi lễ, chư tôn đức đã niêm hương bạch Phật, tụng kinh, trì chú, sái tịnh quanh khu vực khuôn đúc chuông. Được biết, quả chuông được đúc có trọng lượng 1 tấn, bằng chất liệu đồng đỏ, quai chuông là 2 đầu rồng, xung quanh mặt chuông có họa tiết chạm khắc, trang trí hoa văn theo lối chuông cổ truyền thống.