Tham dự và chứng minh có TT. Thích Thanh Chính - Phó ban Thường trực BTS THPG Hà Nội; chư tôn đức Phó ban Trị sự THPT Hà Nội: TT. Thích Thanh Nhã; TT. Thích Thanh Phúc, ĐĐ. Thích Minh Tuấn cùng chư tôn đức Ban Trị sự, Ban Đại diện các quận, huyện trong thành phố.
Về phía chính quyền có các ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; Vũ Ngọc Triều - đại diện Cục An ninh xã hội - Bộ Công an; Bùi Tuấn Ngọc - Phó ban Tôn giáo TP. Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành thành phố và chính quyền sở tại địa phương.
Chư tôn đức cùng quý vị đại biểu niệm Phật cầu gia hộ
Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2010 và Chương trình hoạt động Phật sự năm 2011 của Thành hội Phật giáo Hà Nội.
Về công tác tổ chức: Thường trực Ban Trị sự Thành hội ấn định họp giao ban vào ngày mùng 4 ÂL hàng tháng để kiểm điểm đánh giá công tác Phật sự. Mỗi năm tổ chức hai kỳ họp giao ban giữa Thường trực Ban Trị sự Thành hội với Ban Đại diện Phật giáo các quận, huyện, thị nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Ban Trị sự Thành hội.
Xúc tiến các thủ tục trình Ủy ban Nhân dân thành phố và các sở ban ngành hữu quan để xin cấp đất xây dựng Trung tâm Phật giáo thủ đô tại huyện Chương Mỹ. Hoàn thiện thủ tục hồ sơ xin phép trùng tu tôn tạo chùa Bà Đá với tổng kinh phí dự kiến 50 tỷ đồng.
Về công tác Tăng sự:
- Nghiệp vụ hành chính: Tiến hành thủ tục xin khắc khuôn dấu tròn theo quy định của Trung ương Giáo hội cho các cơ sở tự viện trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn Ban Đại diện Phật giáo các quận huyện thị tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và tổng kết công tác Phật sự năm 2010 - triển khai công tác Phật sự năm 2011 của các đơn vị.
- Bổ nhiệm, kiêm nhiệm trụ trì: Bổ nhiệm trụ trì 46 vị, kiêm nhiệm trụ trì 11 vị, thuyên chuyển sinh hoạt 10 vị, tiếp nhận người xuất gia 78 vị.
- An cư kết hạ: Ban Trị sự Thành hội đã tổ chức 15 cơ sở an cư kết hạ tập trung cho Tăng Ni thành phố. Trong đó có 6 cơ sở tiền an cư cho Tăng Ni các quận huyện phía Đông và 9 cơ sở hậu an cư cho Tăng Ni các quận huyện thị phía Tây. Có 41 vị Ni các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ tham gia an cư cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Tăng Ni tại Tùng lâm Quán Sứ và 115 Tăng Ni sinh tham gia an cư ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Tổng số Tăng Ni toàn thành phố tham gia an cư năm 2010 là 1.247 vị
- Tổ chức giới đàn: Tổng số có 135 giới tử đủ tiêu chuẩn thụ giới. Trong đó có 14 giới tử cầu giới Tỷ khiêu; 55 giới tử cầu giới Tỷ khiêu ni; 3 giới tử cầu giới Thức xoa ma na; 14 giới tử cầu giới Sa di và 49 cầu giới Sa di ni.
Về công tác văn phòng: Hoàn thành việc tiếp nhận, phát hành các công văn, giấy tờ đi, đến phục vụ công tác hành chính của Thành hội, giải quyết những hồ sơ hợp lệ về thụ giới, tiếp nhận người xuất gia, kiêm nhiệm - bổ nhiệm trụ trì, thuyên chuyển sinh hoạt Phật giáo của Tăng Ni các cơ sở tự viện.
Về công tác giáo dục Tăng Ni:
Có 166 Tăng Ni sinh tốt nghiệp trung cấp Phật học tại Hà Nội khoá V (2006-2010), 108 Tăng Ni sinh trúng tuyển khoá VI Học viện, 196 Tăng Ni sinh trúng tuyển trường Trung cấp Phật học khoá VI (2010-2014), số Tăng Ni sinh khoá VI về đào tạo tập trung tại cơ sở Mỗ Lao. Nhà trường đã tổ chức Lễ tổng kết phát bằng tốt nghiệp khoá V (2006-2010), khai giảng khoá VI (2010-2014) của nhà trường vào ngày 22-4-2010.
Số lượng Tăng Ni sinh như trên được phân thành hai lớp để đào tạo, đến nay chương trình đào tạo năm thứ nhất khóa VI của nhà trường đã cơ bản hoàn thành.
Thượng toạ Thích Thanh Nhã khai mạc Hội nghị
Ngoài thời gian học tập chính khoá, Tăng Ni sinh còn thực hiện các thời khoá tu tập, lễ tụng theo quy củ Thiền gia và tham gia các hoạt động ngoại khoá do nhà trường phát động như viết báo tường nhân dịp Lễ Phật đản.
Tham gia phục vụ Đại lễ Phật đản năm 2010 do Thành hội tổ chức tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội và Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Hoàng thành Thăng Long.
Về công tác hoằng pháp:
Tổ chức khai giảng các lớp giáo lý cho Phật tử phía Đông và phía Tây thành phố, tổ chức đoàn đại biểu tham dự khóa Bồi dưỡng và Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại tỉnh Kiên Giang, tổ chức Lễ cầu nguyện và tư vấn mùa thi năm 2010 cho học sinh, sinh viên con em Phật tử chuẩn bị tốt nghiệp lớp 9, lớp 12.
Đặc biệt nhân dịp Phật đản năm 2010 và Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban Hoằng pháp Thành hội phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hoá Thành hội tổ chức Hội diễn văn nghệ Phật giáo quần chúng vào ngày 19-5-2010 tại Nhà Văn hoá Sinh viên Hà Nội.
Tổ chức đêm văn nghệ mừng Phật đản - đêm Liên hoan văn nghệ Phật giáo hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 27-5-2010 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội với gần 30 tiết mục đặc sắc được chọn lọc từ Hội diễn Văn nghệ Phật giáo quần chúng thủ đô lần thứ nhất.
Đồng thời, Ban Hoằng pháp còn tổ chức Hội trại Thiện Sinh III năm 2010 cho hơn 700 thanh thiếu niên Phật tử thủ đô và các vùng lân cận tại Đồi 79 mùa xuân - huyện Mê Linh.
Đã tổ chức thành công 2 khoá tu “Một ngày an lạc” cho thanh thiếu niên Phật tử thủ đô tại Khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn.
Hiện nay một số các tự viện đã tổ chức thuyết giảng hàng tuần, tháng. Tổng số 25 giảng đường được thuyết pháp cho Phật tử đến nghe . Mỗi giảng đường có hàng trăm Phật tử trở lên.
Ban Hoằng pháp Thành hội đã thiết lập trang tin điện tử tại địa chỉ: http://www.hoangphaphanoi.com/ nhằm cập nhật thông tin hoạt động Phật sự thường xuyên, chia sẻ nghiên cứu Phật pháp tới các tầng lớp Phật tử gần xa.
Về công tác nghi lễ:
Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện đã hướng dẫn nhân dân, Phật tử sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo lành mạnh, đúng Chính pháp. Tổ chức tốt các lễ hội Phật giáo truyền thống trang nghiêm, long trọng, tạo được nét đẹp tâm linh đậm chất đạo Phật trong lòng du khách và Phật tử tham dự.
Quý tôn đức Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện cũng kết hợp giảng dạy giáo lý, truyền trao Tam quy, Ngũ giới, Bồ tát giới cho các Phật tử.
Có thể nói Đại lễ Phật đản năm nay được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Hà Nội với 42 xe hoa tham gia cúng dàng Phật đản; Ban Đại diện Phật giáo các quận huyện thị và nhiều cơ sở tự viện trên địa bàn thành phố tổ chức Phật đản rất trang nghiêm, đặc sắc như chùa: Cự Đà , Bằng A, Quán Âm, Diên Phúc v.v...
Tổ chức thành công các nghi lễ tại Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Lễ rước long vị các vị vua triều Lý và các bậc danh tăng Việt Nam; Lễ rước Ngọc Xá lợi Phật; Lễ cầu an, cầu siêu v.v... gây được tiếng vang và ảnh hưởng tốt trong lòng quần chúng, Phật tử trong và ngoài nước.
Tổ chức trang nghiêm, trọng thể Lễ kỷ niệm 702 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn vào ngày 5-12-2010 tại Trụ sở Thành hội.
Về công tác văn hoá:
Tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá Phật giáo cấp quốc gia và thành phố. Năm 2010 đã có hàng chục cơ sở tự viện trong toàn thành phố được trùng tu, sửa chữa lớn với trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể như chùa Bằng A quận Hoàng Mai; chùa Long Đẩu huyện Quốc Oai; chùa Hòe Nhai quận Ba Đình; chùa Kim Liên quận Đống Đa; chùa Yên Phú huyện Thanh Trì; chùa Phúc Lâm huyện Phú Xuyên; chùa Khoan Tế, chùa Đô, chùa Bình Nguyên huyện Gia Lâm; chùa Diên Phúc, chùa Phúc Lâm, chùa Linh Quang huyện Đông Anh; chùa Phú Thụ, chùa Cẩm Bảo huyện Thạch Thất; chùa Bành Khê, chùa Thuấn Ngoại huyện Phúc Thọ; chùa Quang Lộc, chùa Yên Nhân huyện Mê Linh; chùa Thích Ca, chùa Quyết Tiến huyện Hoài Đức v.v...
Phối hợp với Ban Nghi lễ tổ chức trang trí lễ đài Phật đản 2010 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội. Phối hợp với với Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử Thành hội tổ chức Hội diễn Văn nghệ Phật giáo quần chúng thủ đô lần thứ nhất vào ngày 19-5-2010 tại Nhà Văn hoá Sinh viên Hà Nội; tổ chức đêm văn nghệ mừng Phật đản ngày 27-5-2010 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội. Đồng thời, ra mắt đĩa CD ca nhạc Phật giáo như Đạo ca thiền v.v...
Nhân dịp Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban Văn hóa Thành hội đã phối họp với các ban ngành viện của Trung ương Giáo hội và Thành hội tổ chức thành công Triển lãm cổ vật Phật giáo qua các thời kỳ, Triển lãm mỹ thuật Phật giáo, Triển lãm nhiếp ảnh Phật giáo và các chương trình biểu diễn văn nghệ tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, chương trình hòa nhạc Diệu Pháp Âm tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhằm thiết thực hướng về kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi.
Đặc biệt là Lễ hội hoa đăng và giao lưu nghệ thuật “Dấu ấn Thăng Long” tại Hoàng thành Thăng Long.
Công tác thư viện, xuất bản kinh sách:
Hàng năm hai thư viện tại Bà Đá và Mỗ Lao được bổ sung hàng trăm đầu sách mới, phục vụ tốt công tác nghiên cứu, tìm hiểu Phật pháp của đông đảo Tăng Ni, Phật tử thủ đô. Nhân mùa an cư đã ấn tống 2.000 bản sách chữ Hán bộ Lương Hoàng Sám để phục vụ Tăng Ni trong địa bàn thành phố.
Về công tác Phật giáo quốc tế:
Tổ chức đón tiếp, giao lưu trọng thể với các phái đoàn Phật giáo quốc tế sang thăm Hà Nội. Đồng thời, nhân dịp này cũng đề cử một số chư Thượng toạ, Đại đức sang hướng dẫn các Phật tử ở một số nước như Ba Lan, Cộng hoà Czech v.v... tu học.
Về công tác hướng dẫn Phật tử:
Năm 2010, Ban Hướng dẫn Phật tử Thành hội đã tổ chức hướng dẫn một số thanh thiếu niên quy y Tam bảo, tham gia học tập giáo lý, sinh hoạt văn nghệ Phật giáo và từ thiện xã hội ở một số địa phương, đây là mô hình mới cần được quan tâm để làm điển hình nhân rộng trong toàn thành phố.
Phối hợp với Ban Hoằng pháp tổ chức Hội trại Thiện Sinh III năm 2010 cho thanh thiếu niên Phật tử thủ đô. Tại các cơ sở tự viện, quý tôn đức Tăng Ni trụ trì thường xuyên tổ chức các buổi giảng dạy giáo lý, trao truyền Tam quy, Ngũ giới, tổ chức các đạo tràng chuyên tu như niệm Phật, toạ thiền, Bát quan trai giới, Thập thiện v.v... có hàng trăm Phật tử tham dự.
Đến nay trên toàn địa bàn thành phố đã có hàng chục cơ sở tự viện tổ chức giảng pháp, đạo tràng chuyên tu cho các Phật tử.
Về công tác kinh tế tài chính:
Hoàn tất các thủ tục lập dự toán, trình với UBND thành phố xin hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động năm 2011của Văn phòng Ban Trị sự Thành hội. Ra thông báo cho các đơn vị quận, huyện, thị và Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện về việc vận động cúng dàng kinh phí tổ chức Đại lễ Phật đản 2010. Tổng số kinh phí cúng dàng từ các đơn vị quận huyện thị là: 294.000.000đ (hai trăm chín mươi tư triệu đồng).
Về công tác từ thiện xã hội:
Xây nhà tình nghĩa, tặng xe lăn cho người tàn tật, ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, tham gia cứu trợ đồng bào lũ lụt v.v... với số tiền hơn 14 tỷ đồng.
Đại biểu dự Hội nghị
Ban Trị sự Thành hội vẫn duy trì tốt Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi, tật nguyền, trẻ bị nhiễm HIV tại chùa Bồ Đề - quận Long Biên; Trung tâm Hỗ trợ những người bị nhiễm HIV/AIDS tại chùa Pháp Vân - quận Hoàng Mai, chùa Thanh Am - quận Long Biên; Phòng khám chữa bệnh miễn phí tại chùa Trăm Gian, Lớp học tình thương tại chùa Đông Cựu Đồi - huyện Chương Mỹ.
Về công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Cùng với nhân dân địa phương xây dựng làng văn hoá, khu phố văn minh, chùa cảnh gương mẫu, tinh tiến; tích cực trong cuộc vận động thực hiện quy chế mới trong việc cưới, việc tang, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tạo ra nếp sống văn hoá lành mạnh tại các cơ sở tự viện.
Nhân dịp này, ông Bùi Hữu Dược thay mặt lãnh đạo chính quyền phát biểu ghi nhận những thành tựu đã đạt được của BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội trong năm vừa qua.
Vai trò Phật giáo Hà Nội rất quan trọng, trong năm vừa qua đã có nhiều sự kiện lớn như kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các hoạt động của Phật giáo đã góp phần ổn định xã hội và ổn định tâm linh đất Việt, thể hiện tinh thần nhập thế “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”. Phát huy những thành tựu của 2010 đến năm 2011 với sự kiện quan trọng kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN, Giáo hội sẽ đánh giá thiết thực những thành tựu và hạn chế của Phật giáo trong bối cảnh đa tôn giáo của đất nước.