Xuất hiện trải đều trên rất nhiều báo với đủ thể loại, từ thơ văn, tin tức đến phóng sự, tác giả Khuê Việt Trường, người Nha Trang , Khánh Hòa, cho biết anh đến với Cuộc thi Văn thơ Phật giáo hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội do Báo Giác Ngộ tổ chức một cách bất ngờ, thú vị. Cách nói chuyện bình dân, thẳng thắn của một người làm báo kinh nghiệm, Khuê Việt Trường tâm sự: "Muốn viết tốt phải đi nhiều, phải có sự trải nghiệm thực tế", chính vì vậy ai Khuê Việt Trường cũng chơi, cũng nói chuyện để hiểu và tích tụ cho ngòi bút phong phú. Anh đoạt giải II với truyện ngắn "Tiếng chuông chiều ba mươi" (G.N 556).
Tác giả Khuê Việt Trường (bên phải) trò chuyện với PV GN Ảnh: Bảo Toàn
PV: "Tiếng chuông chiều ba mươi" được viết trong hoàn cảnh nào, thưa anh?
Tác giả Khuê Việt Trường: Đó là câu chuyện tôi lấy trên nền có thật trong một chuyến đi công tác ngang qua làng đồng Phước Thiều (Quảng Nam). Tôi đã bỏ bữa trưa với anh em trong cơ quan để thăm và lắng nghe ước mơ của một nghệ nhân lớn tuổi là đúc một đại hồng chung. Câu chuyện của ông đã trở thành cái tứ cho câu chuyện "Tiếng chuông chiều ba mươi" và đã may mắn đoạt giải nhì của cuộc thi.
- Những tác phẩm của anh về đề tài Phật giáo có nhiều không?
- Theo tôi, tác phẩm văn học hướng thiện là tác phẩm về đề tài Phật giáo bởi Phật giáo luôn hướng con người đến cái thiện. Tôi quan niệm Phật tâm chính là tâm hướng đến con người, người theo Phật không chỉ đơn thuần là lên chùa tụng kinh mà chắc chắn thường có hành động làm cho con người bớt khổ, thêm niềm vui. Do vậy, có thể nói tác phẩm về đề tài Phật giáo của tôi nhiều lắm, bởi nó luôn hướng con người tới niềm vui (cười).
- Khuê Việt Trường có phải là Phật tử?
- Từ nhỏ, tôi đã theo bà nội lên chùa và đã từng viết một vở kịch đoạt giải nhất thời còn là sinh viên ở Đà Lạt, vở kịch ấy nói về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Trong đời sống, tôi nghĩ mình sống theo tinh thần Phật giáo là mình đừng làm đau người khác và sẵn sàng tha thứ khi người khác làm đau mình. Tính cách ấy không biết có phải là một Phật tử không?
- Đã 58 tuổi mà thấy anh "trên từng cây số" trên các mục tin tức, cả thơ văn dành cho tuổi mới lớn. Thời gian và sức đâu mà viết nhiều thế?
- Trong nghề viết, đừng nghĩ anh viết để trở thành ông này nọ. Hãy bằng đam mê mà viết để thỏa mãn nhu cầu trải lòng của mình. Tôi biết, mỗi người là một câu chuyện về thân phận, thế thì sao mình không tìm hiểu để viết? Mà viết về con người thì vô số, mỗi thời mỗi khác, viết miết cũng không hết. Và để viết được thì đương nhiên mình cần đi nhiều, tiếp xúc nhiều…
ĐÌNH LONG thực hiện
Sư cô Thích nữ Thông Ý, giải Khuyến khích văn xuôi với tác phẩm "Tư tưởng Thiền trong thi ca nghệ thuật, mỹ thuật Phật giáo Việt Nam": "Giải thưởng là niềm vui bất ngờ với tôi" Tác phẩm đoạt giải của cô Thông Ý là một tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng thiền trong thi ca, mỹ thuật Phật giáo. Tác phẩm ấy đã được cô Thông Ý thực hiện từ khi còn là sinh viên năm 2 Học viện Phật giáo Việt Nam. "Tác phẩm ấy ngỡ là chỉ dành để cho chính mình tham khảo, không ngờ lại gặp cuộc thi của Giác Ngộ và tôi quyết định gửi thi thử, không ngờ đoạt giải", Sư cô Thông Ý cho biết. Sở thích được viết thơ văn, đặc biệt là văn về Phật giáo đã có từ lâu nhưng chưa có cơ hội thi thố như thế này nên niềm vui ấy càng lớn hơn khi hay tin mình đoạt được giải khuyến khích của cuộc thi do Báo Giác Ngộ tổ chức. Cô bảo, tương lai sẽ dành nhiều bài viết cho Giác Ngộ và những tờ báo Phật giáo khác… Tác giả Ngô Khắc Tài, giải khuyến khích với truyện ngắn "Bồ tát thị hiện, câu chuyện không kết thúc": "Nếu không biết chia sẻ thì chẳng bao giờ biết đủ" Với người viết văn, để cho ra đời một tác phẩm như mong muốn thì tốn khá nhiều thời gian. Và thành công của tác phẩm không chỉ bởi nội dung mà còn nằm ở nơi ngôn từ, câu chữ. Điều đó được đúc kết qua kinh nghiệm và thời gian rèn luyện của mỗi người cầm bút. Những ngày đầu viết văn, tôi có ý tưởng rất nhiều, nhưng kết quả không thành công như ý. Bởi lúc ấy tôi chưa liên kết được tình tiết vì thế nội dung không hài hòa. Lấy đó làm bài học, tôi đã sửa lần lần. Và rồi ngòi bút ngày một trau chuốt hơn, văn tròn ý hơn. Với người viết văn thì không bao giờ có con đường trải sẵn hoa hồng. Nhưng nếu ta miệt mài cố gắng cho hành trình sáng tạo thì đến lúc nào đó chúng ta sẽ nhận được hương thơm từ hoa hồng ban tặng. Tác phẩm "Bồ tát thị hiện, câu chuyện không kết thúc" lấy ý tưởng từ thực tế: cuộc đời không có gì là kết thúc. Truyền thống văn hóa dân tộc trải qua 1.000 năm không kết thúc thì nét đẹp, tinh hoa cuộc đời chẳng bao giờ kết thúc. Gắn với cuộc đời vẫn còn nhiều đau khổ, vì vậy mà như lời chia sẻ, gửi gắm yêu thương, tôi viết tác phẩm ẩn chứa hình tượng Bồ tát. Hình ảnh người gắn liền với khổ đau của chúng sanh và trong dân gian thì không ai khác chính là người mẹ hiền thiêng liêng luôn sẵn tâm cứu khổ, cứu nạn. Đó chính là nét đẹp tâm hồn ẩn sâu trong thế giới tâm linh của người dân Việt Nam. Với tác phẩm này, tôi tâm đắc với thông điệp "Mọi người hãy yêu thương nhau nhiều hơn. Cuộc đời nếu không biết chia sẻ thì chẳng bao giờ biết đủ. Và đến bao giờ mình mới nhận ra rằng: "Chia sẻ chính là nét đẹp thanh cao của mọi người và đó chính là hạnh phúc". Tác giả Nguyễn Hoa Lư, giải III với tác phẩm "Thiên thần có đôi cánh trắng": "Niềm đam mê sẽ đốt cháy mọi khoảng cách" Tôi là giáo viên dạy môn toán, nhưng lại có niềm đam mê văn chương và rất thích viết văn. Từ nhỏ tôi rất thích môn toán, không quan tâm đến môn văn nhiều. Lúc trưởng thành, tôi đọc sách nhiều hơn, tôi tìm đến văn chương như tìm về với cội nguồn dân tộc. Và chính những lần tìm về trước hết để thỏa mãn sự tìm tòi hiểu biết đó đã gieo vào tôi cảm hứng sáng tác-viết văn, và dần dần đã trở thành niềm đam mê. Như chúng ta đã biết, lịch sử dân tộc ta luôn gắn liền với Phật giáo. Chúng ta có những vị vua đồng thời là thiền sư, được tôn xưng là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Với hầu hết người Việt, đạo Phật là điều gì đó rất thiêng liêng mà gần gũi và thân thiết, như tiếng chuông chùa đi vào lòng người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đề tài Phật giáo trong sáng tác của tôi cũng như vậy, là cuộc sống, tư tưởng Phật giáo luôn bàng bạc trong đời sống của chúng ta. Sư cô Thích nữ Minh Thiện, giải III với tác phẩm "Rừng Ấm Thượng": "Cuộc sống tu hành khơi nguồn sáng tác" Ngay từ học phổ thông, tôi đã thích viết văn. Đến khi xuất gia bước vào cuộc sống tu hành thì niềm đam mê ấy vẫn bên tôi. Để thỏa mãn niềm đam mê, tôi bắt đầu đặt bút viết. Ấm Thượng trong truyện ngắn được giải là một địa danh mà tôi đã từng đi qua và từng có nhiều kỷ niệm nơi đó. Với tôi, rừng cũng là xã hội. Cái bao la, bạt ngàn của rừng sâu ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Vì thế, tôi nhân cách rừng như con người để gần với mọi người hơn. Trong truyện ngắn này, tôi gửi gắm vào điều giản dị thôi, đó là nếu có nghị lực và ý chí thì có thể tồn tại mọi nơi. Nghị lực và ý chí trong Rừng Ấm Thượng, với tôi, cũng chính là phẩm chất của con người, của dân tộc Việt Nam.