Người thầy là hình mẫu. Tôi đã từng tâm niệm như thế nên thời học sinh tôi thần tượng tất cả những người thầy. Chính vì thần tượng nên có đôi khi tôi đã buồn vì bỗng một ngày nhìn thấy việc một người thầy không kiềm chế được đã mắng học trò "ngơ ngơ như bò đội nón". Tôi hiểu là thầy không kiềm chế được vì thầy cũng là người (phàm là người ai cũng có lúc sai, do sân giận, không làm chủ được bản thân) nên dù buồn nhưng tôi đã không đánh giá hoặc thiếu tôn trọng thầy. Người xưa dạy "Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư" (một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng là thầy) nên sự biết ơn ấy đủ lớn để tôi không làm một điều gì đó quá đáng với thầy như đi kể xấu, chê bai… Tuy nhiên, nếu người thầy mà có hành vi chửi mắng bằng những lời lẽ nặng nề, áp đặt học trò, phủ đầu học trò bằng lý lẽ của mình (dù đúng hay sai) thì chắc chắn là không đúng, phản sư phạm. Người thầy không đơn thuần là người trao truyền kiến thức mà còn một nhiệm vụ cao cả hơn là dạy về nhân cách, dạy làm người cho học trò. Đừng để một chút giận, nếu không có sự kiểm soát sẽ phá vỡ mối tương quan thiêng liêng giữa Thầy và trò Đôi khi một cái roi quất vào da thịt không đau bằng những câu nói độc ác, thể hiện sự sân giận. Giảng dạy mà học trò không hiểu, người thầy dễ nổi nóng, và giải tỏa cơn giận bằng câu chửi cho hả lòng hả dạ. Có thể ban đầu ít nhưng nếu sử dụng phương pháp "giận là xổ" thì sẽ dễ thành thói quen và ngày càng "thăng hoa", đánh mất tư cách của một người làm công tác sư phạm. Do vậy, sau vụ việc học trò tung ghi âm đoạn giáo viên chửi học sinh lên mạng lần này (và nhiều lần trước đã có) thì giáo viên cũng nên cẩn thận trong lời nói, hành động của mình khi đứng trước học trò, nơi bục giảng để không hớ hênh. Mình không có lỗi gì trong việc dạy người thì sợ gì ghi âm? Ghi âm thực chất là một phương tiện hỗ trợ học tập, nên mục đích sử dụng mới là quan trọng. Mình đừng để quá lố thì học trò ghi âm cái gì ngoài bài giảng về đạo đức và kiến thức? Một người học trò tung ghi âm việc cô chửi trò lên mạng với tâm ý "trả đũa", chắc chắn tâm ý ấy là không tốt. Bởi nó thể hiện sự độc ác với người thầy của mình, đi ngược lại đạo lý trọng thầy của dân tộc. Trọng thầy không có nghĩa là mình cúi đầu, cam chịu mà là góp ý đúng nơi đúng chỗ. Học trò dù sao cũng chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm trước mọi hành vi của mình, còn dựa vào gia đình, phụ huynh là người đại diện. Do vậy, mọi chuyện xảy ra ở trường, lớp thiết nghĩ học trò nên thông qua phụ huynh, nhờ phụ huynh can thiệp. Tác động xấu trong dư luận về mặt luân lý đạo đức sẽ từ những chuyện nhỏ như thế lan ra, "góp gió thành bão". Ai dám chắc sẽ không lặp lại những sự vụ như thế nếu chúng ta không gợi được ý thức nơi các học sinh về các giá trị như lễ độ, nhớ ơn… để các em có khả năng phân biệt đúng, sai, tránh được những hành vi xuất phát từ tâm ý trả đũa, thỏa mãn cơn bực tức. Sân hận như ngọn lửa. Một ngọn lửa nhỏ nếu không kiểm soát, có thể thiêu cháy cả khu rừng rộng lớn. Chút sân hận, nếu không biết cách kiểm soát và điều chế, sẽ để lại những hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến nhân cách, làm tan vỡ những mối quan hệ tốt đẹp, như tình thầy trò. - Chúng ta có quyền góp ý thầy cô về những điều chưa được trong giảng dạy và ứng xử với học trò nhưng không có quyền đem hình ảnh thầy cô "rao bán" trên mạng. Thầy cô chúng ta có ơn với mình nên mình không thể vì một phút nóng giận của thầy cô rồi làm cho thầy cô mất mặt. Có hiếm gì cách ôn hòa hơn trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong mối quan hệ thầy trò mà không nhất thiết phải làm cho ra đầu ra đũa trước bàn dân thiên hạ thế! (THIỆN NGUYỄN) - Trong vấn đề "tố" thầy mà báo chí vừa xôn xao bàn luận, tôi thấy cả người thầy và học trò đều sai. Phải chăng, cơ chế thị trường trong nền kinh tế đã "lây" sang giáo dục với biểu hiện là người thầy thiếu tâm với học trò, hiện tượng ép đi học thêm để được "châm chước" hơn ở lớp rồi đến việc mắng học trò bằng lời lẽ thái quá… Còn học trò thì ngày càng ma mãnh hơn, "sòng phẳng" với thầy mình và thậm chí với ba mẹ, đó là điều đáng buồn. Và phải chăng, cuộc sống có quá nhiều áp lực đã làm cho con người trở nên mệt mỏi, sống theo bản năng hơn là tỉ mỉ trong ứng đối với các mối quan hệ bằng tình thương, lắng nghe để hiểu và cảm thông? Đó là một câu hỏi lớn mà tôi nghĩ các nhà xã hội học, giáo dục, tâm lý cần ngồi lại để có phương pháp "trồng người" tốt hơn. Riêng Phật giáo cũng cần "tải đạo vào đời" để cả người thầy và học trò đều thấm nhuần giá trị nhân văn của Phật giáo, tránh những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục ngày một nhiều như hiện nay… (CHÚC NGỘ)