Những ngày kề Tết, công việc không tên như vây lấy tụi nhỏ chúng tôi vì lúc nào cũng bận bịu, thường bị bà mắng không chịu đi cùng bà hái lá về gói bánh trong ba ngày sắp Tết. Nhưng dù bận bịu đến đâu, chưa bao giờ tôi bỏ qua những đêm dài bên bếp lửa réo rắt với nồi bánh chưng, bánh tét của bà ở một góc chùa quê thân thương gắn liền với ký ức về quê hương trong chúng tôi.
Chùa quê những ngày cận Tết cũng trở nên rộn ràng lạ, cái rộn ràng đó chẳng làm phai đi nét thanh nghiêm vốn có. Những ngày đó, tôi thường theo bà đi ra tít sau vườn hái những lá chuối xanh cao khỏi đầu. Hai bà cháu đem về hong sơ rồi lau từng chiếc lá một với đôi tay thật nhẹ nhàng, nâng niu. Còn những chiếc lá dong đồng xanh mượt thì được dì tôi gởi về biếu từ miền đất Hà thành xa xôi. Khi góc chùa quê ngoại tôi bắt đầu rộn ràng tiếng trẻ con, thì cũng là lúc bà tôi giục phải mau mau mang lá đến chùa, ở đó má tôi đã vút sẵn một thúng đầy nếp mới và một mâm nhân vàng tươi những hạt đậu xanh vàng lòng. Bà tôi nói, hai thứ lá này là lá quý mà đất trời ban tặng để làm nên những chiếc bánh chưng, bánh tét trông thì bình dị lắm nhưng chẳng thể nào thiếu được trong những ngày Tết. Trong chiếc bánh đó đã gói trọn nét đẹp của quê, của đất, của trời, của tâm linh và cả tâm hồn của người làm ra nó.
Hồi ấy nghe thì cứ nghe nhưng tôi chẳng hiểu gì.
Những ngày tháng quẩn quanh phố thị, chộn rộn với mưu sinh, những cái Tết cứ qua đi mà chẳng để lại gì sau những ngày tất bật. Cuộc sống gắn liền với thị thành, những chiếc bánh gói bằng lá dong xanh và những chiếc lá chuối mượt mà chốn quê mùa cứ dần dần bị trôi đi… Tết, tôi tranh thủ thời gian ra cửa hàng mua về cặp bánh chưng, bánh tét chay cho đủ một mâm cúng Phật, cúng ông bà tổ tiên…
Lễ hội bánh tét Tp HCM
Chiều nay, ngày 28 Tết, dì tôi gọi điện từ một huyện vùng ven, giục giã "cháu nghỉ làm rồi à, ghé chùa giúp cô với nhé!", giọng nói ấy làm tôi nhớ đến bà. Dì đã rời miền Bắc, đến nhập chúng tại một ngôi chùa vùng ven TP.HCM và đã trở thành một Sư cô. Ngôi chùa vùng ven đã lập tức hút hồn tôi và làm tôi như chợt tỉnh. Dì đang chít khăn nâu theo kiểu của bà và một bộ đồ màu nâu đang ngồi giữa hiên nhà, xung quanh dì hàng trăm chiếc bánh tét dài với màu lá còn xanh mượt.
Gìn giữ nếp nhà -ảnh H.Diệu
Dì nói chẳng biết run rủi thế nào mà dì "lọt" vào ngôi chùa này, ngôi chùa "đệ nhất" bánh tét. Sư bà ở đây có đôi bàn tay của người xếp lá và gói bánh phải nói là hiếm có. Sư bà biết gói bánh từ khi 10 tuổi. Hồi còn trẻ và khi đã là người xuất gia, Sư bà đã có 20 năm gói bánh tét đi bán trong suốt những ngày tháng Chạp. Chiếc bánh tét là hồn quê của riêng Sư bà, của nếp nhà chốn quê mà Sư bà không bao giờ muốn rời. Cứ độ 25 Tết, Phật tử lại gọi cho Sư bà nhờ gói bánh. Sư bà thấy thương cho bọn trẻ và nhận lời với điều kiện phải đến chùa để… ngó và cùng làm. Rồi vừa gói, Sư bà vừa giảng giải từng công đoạn một, nếp phải chọn loại dẻo và nguyên chất không lộn tẻ, gói thì phải chặt vừa tay nếu không bánh sẽ mau hỏng, nhân phải hấp ra sao… Riêng chiếc lá xanh thôi, Sư bà đã giảng giải cho chúng tôi như thể trước mặt Sư bà là khu vườn đầy những chiếc lá chuối dài đang vươn tay… Nhưng, cái sự học làm bánh tét của dì tôi thì còn nhiêu khê lắm bởi lẽ Sư bà chỉ nói "mới tàm tạm thôi con, ráng mà học để giữ lấy hồn của dân tộc mình".
Ngày còn nhỏ, dì tôi cũng ham chơi, chỉ biết đi hái lá dong đồng về cho bà. Ít ra dì cũng hơn tôi, biết được chiếc lá dong đồng to và xanh như thế nào thì gói bánh chưng mới đẹp. Vốn liếng đó đã bị Sư bà phát hiện và Sư bà bắt dì phải đi học gói bánh chưng vuông. Gốc người xứ Bắc của dì giờ chỉ biết được lá dong thôi, dì buồn. Dì nói, nhiều gia đình hiện đại bây giờ chẳng còn thiết gói những chiếc bánh quê mùa ấy nữa. Chỉ ở những ngôi chùa là lưu được nét đẹp của hồn quê và văn hóa Việt qua những năm tháng nhiệt tình, tận tụy với những đôi tay khéo léo. Chiếc bánh Tết ở chùa còn quyện cả hương thơm của trầm, của kinh nguyện, cả hai hồi chuông tối và sáng của 14 giờ - một hành trình hoàn thiện của chiếc bánh.
Mấy mùa Tết ròng đi đến những ngôi chùa miền Bắc như Vĩnh Nghiêm, Khuông Việt, Giác Tâm… để học "lưu giữ nét đẹp quê mùa" từ đôi tay khéo léo của quý thầy, dì mới vỡ lẽ, đã lâu rồi người ta hình như đã quên bẵng đi những chiếc bánh xanh xinh xinh mà thiếu nó trong ba ngày Tết thì chẳng còn phong vị gì. Chiếc bánh chưng, bánh tét được làm từ đôi tay của chính mình chẳng còn quan trọng nữa, thay vào mâm cỗ trên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Phật là những chiếc bánh được nâng lên thành "công nghệ". Chiếc bánh công nghệ vẫn đẹp, vẫn xanh nhưng thiếu hẳn hơi ấm từ bàn tay của bà, của mẹ, của chị, thiếu hẳn tiếng cười trẻ thơ từ góc bếp quê bập bùng ánh lửa. Và, dĩ nhiên những buổi họp mặt rôm rả của gia đình bên nồi bánh Tết sưởi ấm trong những đêm đông giá lạnh đã không còn… giữa chốn thị thành này. l