GN - Ở thế gian thì có pháp luật. Ở trong đạo thì có giới luật. Con người dù ở đâu hay làm gì cũng cần có những khuôn phép để không vượt qua giới hạn cho phép. Điều này rất có ý nghĩa. Bởi khi giữ những nguyên tắc này thì nó không chỉ bảo vệ cho bản thân mình, mà còn bảo vệ cho người khác.
Giới là hàng rào bảo hộ. Người Phật tử giữ giới để an toàn tự thân và lợi lạc xã hội - Ảnh minh họa
Con người không ai hoàn hảo. Nếu chúng ta muốn giữ mối quan hệ tốt với những người hàng xóm, không muốn xảy ra tranh chấp, không muốn có sự hiểu lầm hay cự cãi nào, không muốn bị phiền nhiễu thì tốt nhất ta nên dựng một cái hàng rào xung quanh nhà mình. Khi đã có hàng rào rồi thì chúng ta không chỉ có thể bảo vệ nhà của ta, gia đình của ta mà đồng thời nhà của người láng giềng cũng được bảo vệ. Việc giữ giới cũng giống như vậy. Ví dụ khi chúng ta quyết định không sát sanh hay làm hại ai thì có nghĩa là ta cho phép người khác và các loài vật khác được sống một cách bình yên không sợ hãi. Đây quả thật là sự đóng góp rất lớn của ta đối với cộng đồng. Chúng ta cũng không nên hãm hại hay lừa đảo người khác để họ được yên tâm, không sợ hãi và nghi ngờ. Nếu như mỗi người biết lo tròn bổn phận và trách nhiệm của mình thì chẳng những đạo đức và phẩm hạnh của mình được nâng cao mà còn làm cho người khác được yên vui trong cuộc sống.
Trong bài thơ Sửa tường rào (Mending wall), nhà thơ Robert Frost nói rằng nếu ta là người tốt và người hàng xóm của ta cũng là người tốt thì việc dựng một hàng rào để ngăn những người hàng xóm với nhau là không cần thiết. Trong xã hội xa xưa, con người đã từng sống theo cách lý tưởng như thế. Tuy nhiên khi xã hội đã sinh ra những điều đáng quan ngại và con người không còn thật thà, hồn nhiên nữa thì một tường rào là cần thiết để bảo vệ cho cả hai. “Rào tốt giúp láng giềng tốt”, bài thơ viết. Giới luật của tôn giáo cũng giống như vậy, để bảo vệ cho ta và cho người khác.
Đức Phật không hăm dọa sẽ quăng người ta vào hỏa ngục nếu họ không giữ giới hay không trung thành với Ngài. Giới luật trong Phật giáo chỉ là những quy định, nguyên tắc để cho người ta rèn luyện tâm ý của mình. Chúng ta rèn luyện bản thân mình bằng cách giữ gìn giới luật. Trong Phật giáo, giới chỉ có nghĩa là không làm những điều xấu ác. Người Phật tử giữ giới và làm theo lời dạy của Đức Phật không phải vì họ sợ bị Ngài phạt mà vì họ hiểu rằng những điều đó là không tốt, là sai trái. Họ giữ giới là để làm người tốt. Cho nên họ giữ giới một cách tự nguyện và vui vẻ.
Bố thí là một việc làm rất được khuyến khích trong Phật giáo, nhằm cứu giúp hay đem lại lợi ích cho người khác. Thông thường, mọi người quan niệm rằng bố thí nghĩa là phải có cái gì đó cho người khác. Nhưng Đức Phật dạy giữ năm giới cũng là một việc làm bố thí, không những vậy, đó còn là đại bố thí nữa. Trong kinh Tăng chi bộ III, Ngài dạy như sau:
“Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí này, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, được biết là truyền thống cổ xưa, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường.
Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh. Này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ nhất, là đại bố thí… (Tương tự với 4 giới còn lại). Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức, là nguồn nước thiện, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc…”.
Qua những ý nghĩa trên, chúng ta thấy rằng giới luật Phật giáo có lợi ích vô cùng to lớn cho cả cá nhân và cộng đồng xã hội. Một số người đi chùa quy y nhưng không chịu thọ giới là vì họ chưa thấy được cái hay cái đẹp của giới luật. Chỉ cần giữ một trong năm giới thôi thì ta đã làm một việc đại thiện, đại bố thí cho loài người và tất cả các loài chúng sinh khác rồi, huống chi là giữ cả năm giới.
Hữu Huệ