Giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của lễ hội

Đạo Phật hiện hữu trên đất nước ta đã hai ngàn năm. Ngay từ thuở đầu du nhập, với giáo lý hòa bình, tùy duyên, đạo Phật đã không phủ nhận những văn hóa, tín ngưỡng dân gian bản địa, mà khiêm tốn khép mình hội nhập, làm phong phú thêm cho nội dung và cả hình thức cho nền văn hóa xứ sở. Sự hoà quyện này khó tách rời, thường được so sánh như sự hòa quyện giữa nước với sữa.

Bước hòa quyện giữa Phật giáo đến từ Ấn Độ và văn hóa tín ngưỡng bản địa giai đoạn đầu ấy đã hình thành quan niệm Phật giáo quyền năng, với niềm tin Đức Phật là đấng siêu phàm, thần thông quảng đại, có khả năng phi thường, ban phước giáng họa công minh… mà tiêu biểu là tín ngưỡng Tứ pháp (thờ Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện), vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay, qua các lễ hội ở miền Bắc nước ta.

Phật giáo tiếp tục phát triển và gắn bó với những bước tiến của dân tộc. Sau giai đoạn hội nhập, hình thành nên tư tưởng Phật giáo quyền năng, Phật giáo đóng vai trò chính và gần như duy nhất trong giai đoạn gầy dựng ý thức độc lập dân tộc: chùa chiền là trung tâm giáo dục, văn hóa, là nơi giữ niềm tin cho xã hội. Các thiền sư không chỉ hướng dẫn về đời sống tâm linh, mà là thầy dạy học, dạy đạo làm người và có không ít vị là cố vấn cho vua - người đứng đầu đất nước. Có nhiều vị vua được nuôi dưỡng trong môi trường chùa chiền, trong đó phải kể tới vua Lý Thái Tổ - người mở đầu triều đại nhà Lý và là vị lãnh đạo đất nước đã có quyết định mang tính chiến lược là dời kinh đô từ Hoa Lư chật hẹp về Thăng Long năm 1010 - mở đầu cho sự phát triển vững chắc mà chúng ta sắp tổ chức đại lễ kỷ niệm 1.000 năm.

Sự vận động của Phật giáo trong bối cảnh mới đã xác lập thêm nền tảng tư tưởng "Phật tại tâm", nhấn mạnh đến sự tự tu tập, thực nghiệm, tự tín, phát huy khả năng nội lực, nêu cao tinh thần đoàn kết và lòng khoan dung. Phật giáo Việt Nam lại có thêm một tư tưởng mới, cùng với nền tảng tư tưởng Phật giáo quyền năng hình thành trước đó, làm cho đạo Phật trở nên sinh động, trở thành một tôn giáo của dân tộc, đáp ứng nhiều yêu cầu của lịch sử cũng như nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Từ Phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20, việc nghiên cứu Phật học đẩy mạnh, sự giao lưu giữa Phật giáo VN với Phật giáo các nước ngày càng được mở rộng, các trào lưu Phật học, Phật học ứng dụng, quan niệm Đức Phật lịch sử… trở nên quen thuộc, phổ biến, đã bổ sung và làm phong phú thêm cho đạo Phật VN - vừa đáp ứng yêu cầu về tri thức, ứng dụng, tu tập và tín ngưỡng của số đông người dân trong bối cảnh đời sống xã hội mới.

Đạo Phật là tôn giáo chính ở nước ta. Một tôn giáo không thể chỉ nhấn mạnh phần giáo lý đơn thuần, mà còn phải có bổn phận đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, những nhu cầu về đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân. Việc các lễ hội được tổ chức đầu năm nhiều nơi khác là điều hiển nhiên, thể hiện quan niệm Phật giáo quyền năng hình thành rất sớm trong lịch sử. Nhưng tổ chức như thế nào, cần sáng tạo hình thức gì để phù hợp với thời đại, loại bỏ các hủ tục là điều rất cần được quan tâm và thực hiện, để điều chỉnh nhằm tránh xu hướng mê tín có dấu hiệu bùng phát mà báo chí đã phản ánh dù phiến diện trong hơn tuần qua.

Trách nhiệm này không phải của ai khác mà trực tiếp liên quan đến các vị trụ trì, các ban ngành Hoằng pháp và Văn hóa của Giáo hội. Chúng ta cần có những hướng dẫn để làm sao mỗi cơ sở Phật giáo, đặc biệt là ở các chùa, tự viện là không gian trung tâm diễn ra các lễ hội có được sự tôn nghiêm cần thiết, là không gian văn hóa tín ngưỡng đúng nghĩa, gìn gìn và phát huy truyền thống của dân tộc, tinh thần chánh tín của Phật giáo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.