Giữ gìn niềm tin trong lòng người

GN - Ngôi chùa đã đi vào tâm thức của người dân, trở thành yếu tố trong thiết chế của đời sống tâm linh. Do đó, có những ngôi chùa người ta không còn để ý tới tên gọi chính thức mà bằng cách riêng gắn với một vùng đất, nhân danh, địa danh, hay đặc điểm nào đó liên quan.

Chua Thanh Tam  (4).JPG
Chùa "Phật Cô Đơn" vẫn giữ lại tượng Đức Phật đã đi vào niềm tin trong lòng người - Ảnh: Bảo Toàn

Ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cũng có một trường hợp như thế.

Với người dân, hiếm ai biết tên chữ ban đầu của ngôi chùa “Phật Cô Đơn” là chùa Thanh Tâm (Thanh Tâm tự) bên kênh Cầu Xáng, được kiến tạo vào giữa thế kỷ XX, hoàn thành và an vị Phật vào ngày 12-7-1956 trên một khu đất rộng chừng 30 héc-ta.

Cũng nhân sự kiện này, một nhánh cây bồ-đề đã được chiết từ đại thọ bồ-đề ở Benares, Ấn Độ - nơi Đức Thế Tôn tọa thiền, đã được thỉnh về trồng trên khu đất chùa Thanh Tâm, để nhắc nhở thập phương về gốc tích của đạo thiêng, với mong ước đồng bào có duyên đến với Tam bảo noi gương Đức Phật, sống đạo đức và trí tuệ, góp phần kiến tạo sự bình an cho xã hội.

Với hoàn cảnh lịch sử, nơi vùng đất này cũng chịu nhiều sự khắc nghiệt của bom đạn. Trải qua những năm tháng trong chiến tranh, chùa Thanh Tâm cũng bị thiêu rụi, nhưng lạ lùng thay, kim thân Đức Phật ngự trên tòa lộ thiên vẫn sừng sững tĩnh tại, không hề bị tổn thương.

Nơi đây trong một khoảng thời gian khá dài dân chúng phải di tản tránh những bom đạn, có lúc không bóng người, chỉ duy Đức Phật vẫn an nhiên, do đó, ngôi chùa Thanh Tâm được thay thế bằng một tên gọi mới gần gũi, dân dã như tính cách của người Nam Bộ - chùa “Phật Cô Đơn”.

Cũng theo niềm tin hữu cầu tất ứng, chùa Phật Cô Đơn trở thành một điểm hành hương tâm linh, tín ngưỡng của người dân không chỉ tại TP.HCM mà còn đến từ nhiều tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là mỗi khi xuân về Tết tới.

Năm 2014, Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ngôi chùa này cho Ban Trị sự GHPGVN thành phố. Ba năm sau đó, lễ đặt đá xây dựng toàn bộ chùa Phật Cô Đơn do Giáo hội thành phố chủ trương, chính Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo TP.HCM làm Trưởng ban kiến thiết, đã trực tiếp chỉ đạo công trình, cùng với Ban Quản trị và Ban Kiến thiết gồm nhiều thành viên thuộc Ban Trị sự Phật giáo thành phố.

Với nhân duyên thù thắng, ngôi chùa này đã được thành tựu và sẽ trọng thể tổ chức lễ an vị Phật vào ngày 5-11-2019 này. Mọi hạng mục đều được quy hoạch lại, duy chỉ tôn tượng “Đức Phật Cô Đơn” vẫn bảo tồn, và tôn trí lộ thiên trên sàn trước chánh điện, như chứng tích về sự thiêng liêng mầu nhiệm của ngôi chùa Thanh Tâm - chùa Phật Cô Đơn đã đi vào tâm thức của nhiều người.

Cơ sở này, cũng như Việt Nam Quốc Tự - Q.10 và chùa Phổ Quang - Q.Tân Bình, đã được quyết nghị là ba cơ sở tự viện vĩnh viễn trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, điều hành tập thể, không bổ nhiệm trụ trì như thường lệ, làm cơ sở phục vụ cho các Phật sự chung của Phật giáo, đặc biệt là cho công tác giáo dục, đào tạo Tăng Ni thực tu, thực học và nhiệt tâm phụng sự.

Chùa Thanh Tâm - chùa Phật Cô Đơn đã đi vào niềm tin của nhiều người, nay lại thêm một sứ mệnh mới mang dấu ấn thời đại, khiến cho sức sống ấy được tô bồi, càng thêm vững chãi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.