Giới trẻ đổ xô đi học giáo lý nhà Phật

Một buổi sinh hoạt của lớp học Phật pháp tại chùa Cót.
Một buổi sinh hoạt của lớp học Phật pháp tại chùa Cót.
Chuyện các em học sinh được cha mẹ gửi gắm lên chùa để học hè đã không còn là chuyện hiếm. Nhưng một lớp học về giáo lí nhà Phật dành cho những thanh niên, sinh viên thì không phải ai cũng biết đến. Ở chùa Cót (phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang tồn tại một lớp học như thế.

Phật pháp qua thơ

Một buổi tối cuối tuần đầu tháng 8.2010, gian phòng chính của Nhà thờ vong trong chùa Cót (phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bỗng sôi động, náo nhiệt hơn thường lệ. Bốn chiếc chiếu lớn được trải đều dưới nền gạch. Những bạn trẻ khoác trên mình chiếc áo xanh có in lôgô mang dòng chữ "CLB Thanh niên Phật tử Hà Nội" ngồi theo tư thế "kiết già" (hai chân gác lên đùi theo tư thế nhà Phật), xếp thành từng hàng ngay ngắn, lắng nghe thầy trụ trì thuyết giảng về Phật pháp.

Tuy nhiên, bài giảng không phải là những giáo lí cao siêu hay những học thuyết hàn lâm, kinh viện. Mọi giáo lí nhà Phật đều được "chuyển thể" thành những bài dạy dễ hiểu, gắn liền với thực tế đời sống của giới trẻ. Thậm chí bài giảng còn được viết ra dưới dạng bài hát hoặc được các bạn trẻ tổ chức thành những trò chơi giải đoán ô chữ liên quan đến các thuật ngữ, địa danh Phật giáo.

Thầy Thích Hạnh Tùng, Trụ trì chùa Cót và cũng là người tham gia giảng dạy ở lớp học cho biết: "Tôi đã từng đi giảng Phật pháp ở nhiều nơi, nhưng lớp học này luôn mang đến cho tôi một sự hứng thú đặc biệt. Các bạn trẻ ở đây, như đúng tên gọi của Câu lạc bộ là những người rất trẻ. Họ trẻ tuổi và trẻ lòng. Họ tự tin, mạnh dạn, và rất tự nhiên. Tất cả những băn khoăn trong lòng, những vấn đề trong cuộc sống họ đều thoải mái bộc lộ, tranh luận sôi nổi. Thường thì trong mỗi buổi học, sau thời gian thụ bài giảng của thầy, các bạn đều có phần diễn đàn bàn luận về những vấn đề xoay quanh bài học. Đấy cũng chính là phần tôi thấy thú vị nhất".

Trần Đình Thọ (pháp danh Hiếu Minh), là Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên Phật tử Hà Nội chia sẻ: "Trong số những người đăng kí tham gia lớp học, cũng có nhiều trường hợp tham gia vì tò mò. Nhưng sau một số buổi học, các bạn đều thay đổi cách nhìn, tham gia rất tích cực và nghiêm túc. Ngoài buổi học, các thành viên của lớp còn tham gia diễn đàn bàn luận sôi nổi trên mạng. Chúng tôi đều là những người trẻ tuổi, có cách tiếp cận, đặt vấn đề về Phật pháp theo cách riêng của giới trẻ. Như thế những giáo lí nhà Phật sẽ không còn nặng nề, cao siêu và khó cảm thụ nữa".

Học cách đối nhân xử thế

Chủ nhân của ý tưởng mở lớp học Phật pháp là anh Trần Sơn Trà (pháp danh Trí Minh), là Uỷ viên Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương đồng thời là Chủ nhiệm CLB Thanh niên Phật tử Việt Nam. Vốn là người đi lên cùng phong trào sinh viên (anh Trà hiện là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội), có thời gian gắn bó, gần gũi với sinh viên, anh rất thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng những bạn trẻ. "Mấy năm gần đây, trào lưu các bậc phụ huynh học sinh cho con em lên chùa tham gia khoá học hè ngày càng phổ biến. Bản thân các em cũng rất hào hứng với những lớp học này, vì lên chùa các em không chỉ được học văn hoá, rèn luyện sức khoẻ mà quan trọng hơn là được học cách đối nhân xử thế, cách làm người. Tuy nhiên, những lớp học đó chủ yếu dành cho các em học sinh. Trong khi giới thanh niên, sinh viên cũng có nhu cầu rất lớn. Tôi đã trình bày ý tưởng với các Hoà thượng ở Giáo hội Phật giáo Trung ương và được các thầy rất ủng hộ", anh Trà tâm sự.

Năm 2006, được sự ủng hộ và giúp đỡ của các Hoà thượng Trung ương Hội Phật Giáo Việt Nam, CLB Thanh niên Phật tử Việt Nam được thành lập. Sau 4 năm hoạt động, đến nay CLB đã có thêm 15 "chi nhánh" nhỏ là các CLB Thanh niên Phật tử tại các địa phương như: CLB Thanh niên Phật tử Hà Nội, CLB Thanh niên Phật tử Thái Bình, CLB Thanh niên Phật tử TP. Hồ Chí Minh...

Cùng với công tác lên kế hoạch thành lập lớp học, anh Trà và các Hoà thượng ở Trung ương hội Phật giáo cũng tiến hành soạn thảo giáo trình riêng dành cho lớp học, sao cho phù hợp với cách tư duy, tầm nhận thức và mức độ tiếp nhận của các bạn trẻ. Chính thức mở từ tháng 9.2008, lớp học Phật pháp của CLB Thanh niên Phật tử Hà Nội vẫn duy trì hoạt động đều đặn với lịch học 4 buổi/tháng (diễn ra vào buổi tối chủ nhật hàng tuần) suốt gần hai năm nay. Hiện số thành viên tham gia lớp học cũng đã lên đến con số hàng trăm người. "Lớp học ở Hà Nội đang hoạt động rất hiệu quả. Chúng tôi đang nghiên cứu mô hình để sắp tới mở thêm lớp học ở miền Trung và miền Nam", anh Trà cho biết.

Từ bỏ game online nhờ Câu lạc bộ

"Bốn năm trước, khi tìm đến với game online, mọi cái nhìn của em về cuộc sống đều rất đen tối. Ngoài game, không còn thứ gì khác có thể khiến em lưu tâm. Gia đình chán nản, bạn bè xa lánh, em chỉ còn biết vùi đầu vào những cuộc phiêu lưu trên mạng thâu đêm suốt sáng. Cho đến một ngày, khi tham gia vào câu lạc bộ, em đã cai nghiện được game", Nguyễn Anh Minh, một thành viên của CLB nói.

Minh kể, vào năm 2006, khi đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cậu "vướng" vào chuyện yêu đương và chuyện tình tan vỡ. Chán nản, thất vọng, mất niềm tin, chàng sinh viên trẻ này đã lao đầu vào game online để tìm nguồn vui, rồi nghiện game. Suốt ba năm học sau đó, Minh liên tục nợ môn, rồi tăng ca. Việc học của cậu gần như bị bỏ dở. Mọi chuyện chỉ thật sự thay đổi khi Minh tham gia sinh hoạt hè cùng một nhóm học sinh tại chùa Phật Quang (ở Bà Rịa - Vũng Tàu). "Mẹ em là người theo Phật. Thấy em sa đà vào game nên mẹ đã gửi em vào chùa Phật Quang trong Vũng Tàu để học hè. Lúc đó, ở chùa Phật Quang có tổ chức một lớp học hè cho các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 11. Em được cử đi theo với tư các là người quản lí các em trong một khoá học 7 ngày trên núi. Hoàn thành khoá học, các em chia tay. Ai nấy đều khóc nức nở", Minh nhớ lại.

Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh các em, phần lớn là không quen biết nhau, nhưng lại rất quyến luyến, dành cho nhau những tình cảm như ruột thịt, khi về nhà Minh đã suy nghĩ rất nhiều. Vì mất tình yêu trong thực tại, Minh đã lao vào tìm kiếm tình yêu trong game. Có những lúc cậu nhầm tưởng, đó mới là tình yêu đích thực trong đời. Nhưng hoá ra, tất cả đều chỉ là ảo giác. "Hạnh phúc đích thực của con người là niềm hạnh phúc vì người khác", cậu nhớ lại lời giảng của các sư thầy. Minh nói: "Em chợt hiểu cái hạnh phúc mà lâu nay em kiếm tìm trong game chỉ là thứ hạnh phúc mơ hồ, ích kỉ, làm những người thân khốn khổ".

Sau đêm đó, Minh quyết định từ bỏ game online. Cậu lên mạng tìm xem có tổ chức nào về Phật pháp dành cho thanh niên không và gặp diễn đàn của CLB Thanh niên Phật tử Hà Nội. Minh cho biết cứ mỗi tối chủ nhật hàng tuần lại đến chùa nghe các thầy giảng, thời gian còn lại thì tập trung cho việc học văn hoá ở trường. "Năm vừa qua em đã trả nợ hết môn và hoàn thành khoá học. Sắp tới em sẽ sang Đài Loan du học hai năm theo chương trình đào tạo du học của nhà trường", "con nghiện" game online trong quá khứ nở nụ cười.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.