Giới luật Phật chế nhấn mạnh điều gì?

GN - Nhìn vào giới luật mà Đức Phật chế định cho hàng xuất gia, nhiều người không khỏi hoang mang vì những con số khá lớn: Tỳ-kheo 250 giới, Tỳ-kheo-ni 348 giới (theo luật Tứ phần). Với chừng đó điều khoản, để nhớ hay thuộc thôi đã khó, huống gì phải thông suốt và hành trì!

BTN_0039.JPG


Y bát của tân Tỳ-kheo Đại giới đàn Huệ Hưng PL.2564 do BTS Phật giáo TP.HCM tổ chức - Ảnh: B.Toàn

Trong Phật giáo, chỉ những ai đã thọ Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni giới mới chính thức dự vào hàng Tăng bảo. Việc lãnh thọ giới luật, hiểu theo cách thông thường, là tự nguyện chấp nhận những điều lệ để gia nhập vào một tổ chức, cùng sinh hoạt và hướng đến lý tưởng chung. Với Tăng-già, lý tưởng ấy là giác ngộ, giải thoát.

Giới Tỳ-kheo còn được gọi là giới Cụ túc (upasampāda) mang ý nghĩa thể hiện đầy đủ mẫu mực đời sống của một thánh giả A-la-hán. Theo Yết-ma yếu chỉ (HT.Thích Trí Thủ giảng thuật), đời sống cao thượng của A-la-hán có 4 sự thanh tịnh: thanh tịnh về biệt giải thoát luật nghi; thanh tịnh về phòng hộ căn môn; thanh tịnh về phương tiện sinh sống; thanh tịnh do chánh niệm tỉnh giác. Giới Tỳ-kheo thể hiện trọn vẹn bốn sự thanh tịnh ấy.

Giới luật có khả năng phòng hộ, như một bờ đê vững chắc ngăn cản những dòng nước đục từ bên ngoài tràn vào. Cho nên, việc thọ giới không thể hiểu như là hình thức tuyên thệ thông thường. Việc thọ giới thiêng liêng chính ở sự “đắc giới”, sự phát sinh một năng lực vô biểu phòng hộ thân, ngữ khiến cho vị ấy tránh sa vào các hành vi bất thiện.

Như vậy, giới luật Phật chế không phải là những ràng buộc, nhằm bảo vệ uy tín, quyền lợi của đoàn thể xuất gia, mà hướng tới quyền lợi cho chính bản thân người lãnh thọ. Tuy nhiên, một khi đã là thành viên trong đoàn thể xuất gia, hành vi của một vị Tỳ-kheo trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến hình ảnh Tăng-già; ngược lại, hình ảnh đoàn thể cũng phản chiếu trong chính vị ấy, tạo sự liên đới, gắn bó mật thiết. Do đó, khi một vị Tỳ-kheo sai quấy, chắc chắn sẽ gây tổn thương cho hình ảnh của Tăng đoàn.

Giới luật Phật chế nhấn mạnh sự tịnh hóa trong đời sống xuất gia. Tất nhiên, để có được một đời sống thanh tịnh, vị Tỳ-kheo càng giữ tròn nhiều giới càng có nhiều thành tựu. Bởi khi thọ trì một giới điều do Phật chế định, giới điều ấy có khả năng loại bỏ một hành vi bất thiện, như nghĩa của “biệt giải thoát”.

Theo Trưởng lão Tỳ-kheo Thích Trí Quang, trong Tổng tập giới pháp xuất gia, thì con số 250 hay 348 giới có vẻ mênh mang, nhưng tựu trung lại chỉ gồm có hai loại: giới luật và oai nghi. Giới luật là những điều cấm tội lỗi thực sự (mà bất kỳ ai cũng cần phải giữ); oai nghi là những điều cấm cử động bất xứng. Trong đó, 4 Ba-la-di là giới luật, 100 học pháp là oai nghi, phần còn lại gồm cả hai.

Hiểu được thế, việc giữ giới sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều, như Giới kinh của Đức Phật Ca Diếp dạy: “Chớ làm điều ác, gắng làm việc lành, giữ tâm ý trong sạch. Ấy, lời chư Phật dạy”; hoặc Giới kinh của Đức Phật Câu Lưu Tôn: “Vị Tỳ-kheo đi vào làng khất thực, cũng ví như con ong đi kiếm hoa, chỉ lấy mật rồi đi chứ không làm tổn thương hương sắc. Chớ nên ngó lỗi người, chớ nên coi họ đã làm hay không làm; chỉ nên ngó hành động của mình, coi đã làm được gì hay chưa làm được gì”.

Giữ thân, ngữ, ý thanh tịnh; phòng các hành vi gây tổn hại đến hình ảnh Tăng-già, như vậy, vị Tỳ-kheo có thể dễ dàng giữ giới.

Quảng Kiến/ Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.