Từ năm 2010 đến nay, tôi đến Việt Nam ba lần và lần nào cũng ở tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để trải nghiệm văn hóa chùa chiền và hiểu thêm về cuộc sống, con người Việt Nam.
Giáo sư Windy Gaudin - Ảnh: Yến Trinh
Là giáo sư sử học Trường đại học Xavier bang Louisiana (Mỹ), mỗi chuyến thăm Việt Nam là một kỷ niệm đáng nhớ. Điều quan trọng là tôi đã không nghe theo những lời cảnh báo hơi tiêu cực trước khi đến Việt Nam từ bạn bè. Họ nói về nạn mất cắp ở Việt Nam, ngay cả khi ở trong chùa, về thức ăn kém vệ sinh, thái độ của người Việt... Tôi đã để những lời đó ngoài tâm trí, tự mình quan sát và trải nghiệm. Tôi thấy không chính xác, và sau khi trở về Mỹ tôi sẽ nói lại cho họ những cảm nhận tích cực của mình.
Thích chùa Việt Nam
Mẩu khoai lang và chiếc BMW Tuần trước tôi có ra thăm gia đình người bạn Việt tại Bình Thuận. Tôi được dẫn đi thăm vườn thanh long và ghé vào nhà một phụ nữ lớn tuổi. Lúc đó trời tối, trong gian nhà của bà gần như trống không, ngoại trừ một cái bàn và hai chiếc ghế nhựa con. Bà đã mời chúng tôi dùng khoai lang và nước - chỉ là một mẩu khoai nhỏ và ly nước trắng. Bà thật tình cho biết đó là tất cả những gì gia đình bà có. Cử chỉ chân tình của bà khiến tôi thật sự xúc động. Và đó mãi là điều tôi không thể quên. Theo tìm hiểu của tôi về Việt Nam, sau chiến tranh mức sống của người Việt chỉ ở mức trung bình, thậm chí khó nghèo. Nhưng ở trường tôi giảng dạy, một số sinh viên người Việt đi học trên những chiếc xe hơi đắt tiền, mở nhạc inh ỏi và tỏ ra rất ngông nghênh. Một số học tập không chú tâm. Bạn bè tôi đã nghĩ những người Việt đó hẳn rất giàu có và sống hoang phí. Sự thật là có cách biệt rất lớn giữa hai cảnh tượng đã in trong tâm trí tôi: những chiếc BMW hay Mercedes và mẩu khoai lang cùng ly nước tôi được nhận từ tay bà lão hôm trước. Tôi nghĩ chứng minh giá trị bản thân bằng tài sản là điều không thật sự có ý nghĩa dù bạn sống ở nông thôn Việt Nam hay ra nước ngoài. |
Ở Mỹ, gần nhà tôi có một ngôi chùa. Cách đây 7-8 năm, cảm thấy quá tò mò, tôi đã bước vào tìm hiểu và tình cờ gặp một nhà sư Việt Nam vừa đến Mỹ. Chúng tôi có một cuộc trao đổi nho nhỏ: sư thầy sẽ dạy tôi về Phật giáo và thiền, ngược lại tôi dạy ông tiếng Anh. Thế là tôi dần trở thành phật tử. Tôi còn may áo phật tử mặc thường xuyên, trừ lúc đi làm.
Chuyên ngành giảng dạy của tôi thúc đẩy mình có những chuyến đi, đặc biệt là đến châu Á vốn có bề dày văn hóa Phật giáo, đền chùa. Nhà sư người Việt nọ đã giới thiệu cho tôi một ni cô ở chùa Phước Viên. Khi biết tôi có mong muốn đến Việt Nam, họ sẵn sàng cho tôi ở lại bất cứ lúc nào. Chuyến đi này của tôi kéo dài ba tuần và tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ ở ngôi chùa này. Tôi cũng từng đến những ngôi chùa ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan... Mỗi nơi cho tôi ấn tượng riêng. Nhưng tôi đặc biệt thích cách đối đãi của người Việt Nam trong chùa với tôi.
Một ngày ở chùa bắt đầu từ rất sớm. Tôi thức dậy cùng ngồi thiền, tụng kinh với các sư cô, phụ giúp họ công việc trong chùa. Tôi còn đi chợ với sư cô và ăn chay giống họ. Ở thành phố New Orleans tôi sống có một số món Việt Nam đủ để tôi làm quen với ẩm thực của các bạn, nhưng được thưởng thức ở chùa này vẫn ngon hơn. Quả thật cuộc sống của tôi ở chùa rất tốt. Chẳng có ai lấy thứ gì từ tôi, tôi cũng chẳng gặp vấn đề gì với thức ăn của các bạn. Bên cạnh đó, chính cuộc sống sinh hoạt ở đây cho phép tôi được cảm nhận và quan sát rõ ràng con người cũng như văn hóa Việt Nam.
Tôi có cơ hội gặp nhiều phật tử người Việt ở chùa. Hầu hết họ đều thắc mắc về tôi và vẫn rất thân thiện khi biết tôi là người nước ngoài. Một phụ nữ lớn tuổi còn ngồi cạnh và nắn bóp vai tôi, hỏi han tận tình. Tuy hơi ngỡ ngàng trước hành động của bà, song tôi vẫn thích thú vì sự gần gũi và chân tình. Tôi nhận thấy các bạn rất... tò mò, nhưng đó là sự tò mò đầy thiện ý. Nếu người Trung Quốc chỉ đứng từ xa nhìn tôi chòng chọc khi tôi đến đó thì người Việt cũng nhìn tôi đấy, nhưng sẽ đến gần làm quen, hỏi han và nở nụ cười thật tươi.
Sống chậm và nghĩ tích cực hơn
Mỗi ngày, tôi cũng hay nhờ bạn bè ở Việt Nam chở đi chơi phố phường. Lần đầu tiên qua đây, tôi ngạc nhiên vô cùng vì đường phố Sài Gòn quá đông đúc. Đụng chạm, va quẹt... thường xảy ra, điều khiến tôi chú ý là người Việt hầu như không nói xin lỗi nếu chuyện đó xảy ra. Dường như họ quá bận rộn, lúc nào cũng vội vàng vì một lý do nào đó. Ở Sài Gòn, khi cô bạn người Việt chở tôi đi siêu thị, đi mua thức ăn ở chốn đông người, các bạn thường lo chen lấn để mua hàng đến mức không để ý đến người khác có phiền hà vì mình không.
Một lần khác, tôi tham gia chuyến đi từ thiện ở chùa. Khi xe vừa dừng, mọi người đã lục tục rời chỗ và ào xuống xe. Mọi hoạt động đều vô cùng gấp gáp, từ khấn vái đến phát quà. Tôi nghĩ rằng tại sao phải gấp như vậy. Thay vào đó, ta có thể làm chậm lại, từ từ thôi, để có thêm thời gian suy ngẫm những việc mình đang làm. Ngoài ra, người Việt cũng khá... ồn ào, dù là trong cách đi đứng, hành động hay trong lời ăn tiếng nói. Điều này hoàn toàn ngược lại với người Nhật. Họ nói khẽ, làm việc nhanh chóng và di chuyển gọn gàng.
Tôi từng dự giờ một lớp học tiếng Anh ở Việt Nam theo lời mời của một thầy giáo. Tôi nhận thấy sinh viên Việt học tập cũng không khác gì sinh viên Mỹ. Ngoài ra, nếu đường phố Việt Nam lộn xộn ô nhiễm thì ở Mỹ cũng vậy. Xã hội nào cũng có vấn đề của riêng nó nhưng khi chuyện trò, tôi cảm thấy một vài người Việt nghĩ hơi tiêu cực về cuộc sống của mình. Tôi mong người Việt cứ sống chân thật với chính mình, yêu nơi mình sống vì không nơi nào tuyệt vời bằng quê nhà.
Wendy Gaudin
(giảng dạy tại ĐH Xavier, bang Louisiana, Mỹ)
(Theo Tuổi Trẻ)