Giáo sản là tài sản thuộc về Giáo hội

GN - Tiếp theo bài viết kỳ trước và để hiểu rõ hơn quan điểm của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội cũng như các chuyên gia pháp lý liên quan trong việc góp ý dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi hiện nay, PV Giác Ngộ đã có cuộc tiếp xúc với HT.Thích Huệ Trí, Trưởng ban Pháp chế TƯGH. Hòa thượng khẳng định:

ANH BT (14).jpg

HT.Thích Huệ Trí

- Giáo sản là hệ thống tự viện và những tài sản thuộc tự viện chịu sự quản lý của Giáo hội và đã được quy định tại Điều 57, Chương X Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ 5, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn. Theo đó, giáo sản gồm tài chính và tài sản được hình thành trên cơ sở hợp pháp.

Đối với tài chính, đó là niên liễm do các thành viên của Giáo hội đóng góp; do Tăng Ni, cư sĩ Phật tử, tư nhân trong và ngoài nước cúng dường; hoặc do Giáo hội tự tạo. Tài chính của tự viện là do tín đồ trong và ngoài nước hỷ cúng, do đó nó thuộc sở hữu của tự viện, không thuộc sở hữu của vị trụ trì quản lý tự viện, ngoại trừ phần tài chính do vị trụ trì có được một cách hợp pháp bằng lao động, tạo mãi.

Riêng tài sản thì chia làm hai loại là động sản và bất động sản, được Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp; hoặc do các thành viên Tăng Ni, cư sĩ Phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp và được Giáo hội bảo hộ, quản lý chung theo pháp luật.

Tuy nhiên đến nay, Bộ Luật Dân sự vẫn chưa có những quy định về sở hữu tôn giáo và các điều khoản về thừa kế liên quan đến tu sĩ Phật giáo nói riêng, các tôn giáo nói chung. Giáo hội có động thái như thế nào để bảo vệ giáo sản như quy định của Hiến pháp, bạch Hòa thượng?

Bộ Luật Dân sự là một đạo luật có sự điều chỉnh tất cả các mối quan hệ dân sự, trong đó có các quan hệ dân sự liên quan đến tôn giáo. Nhưng đến nay vẫn chưa có những quy định cụ thể về thừa kế tài sản liên quan đến tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Bởi lẽ, bộ luật được ban hành để áp dụng cho các mối quan hệ mang tính phổ biến trong xã hội và vấn đề tranh chấp thừa kế tài sản liên quan đến Tăng Ni, tự viện là những hiện tượng mới nổi trong thời gian gần đây.

Tuy vậy, khi đề cập đến nội dung này, các chuyên gia pháp lý vẫn còn khá nhiều quan điểm trái chiều mà biểu hiện cụ thể đó là việc tư vấn giải quyết các tranh chấp xảy ra trong thời gian qua có sự bất đồng khá lớn. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là các khe hở của bộ luật hiện tại, nhưng thực trạng này này vẫn chưa được rút kinh nghiệm và điều chỉnh trong văn bản mới nhất của dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự.

Về phía Giáo hội, chúng ta cũng đã nhận và được đề nghị góp ý bản dự thảo. Chúng tôi đã trao đổi với chư tôn đức thành viên Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội và đã phân công các cá nhân phụ trách nghiên cứu, góp ý. Tất cả hoạt động này đều được thực hiện trên tinh thần đề nghị có những điều chỉnh cụ thể về việc tranh chấp tài sản liên quan đến tự viện và tu sĩ Phật giáo nhằm giúp cho bộ luật sau khi ban hành sẽ thực tiễn hơn, phát huy được giá trị dung hòa các mối quan hệ dân sự trong sinh hoạt đời sống và sinh hoạt của người dân cả nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Luật Dân sự sửa đổi lần này cần đưa vào một số quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ dân sự của tổ chức và cá nhân chức sắc, tín đồ tôn giáo trong sở hữu, thừa kế tài sản có yếu tố tôn giáo theo hướng: “Tài sản của tổ chức tôn giáo thuộc sở hữu chung của tổ chức tôn giáo, không thể phân chia theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo”.

Vậy quan điểm của Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội đối với những tranh chấp tài sản của các Tăng Ni, tự viện đang kéo dài và chưa có hồi kết ra sao?

- Hiện nay đang có khá nhiều tranh chấp tài sản liên quan đến Tăng Ni, tự viện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, cũng có các vụ việc diễn ra trong thời gian dài và trả qua nhiều cấp giải quyết. Cũng có những vụ việc được dư luận quan tâm nhưng sau đó cũng chưa có kết quả giải quyết thấu tình đạt lý.

Là cơ quan tham mưu cho Trung ương Giáo hội giải quyết những vấn đề này, chúng tôi luôn thể hiện sự sâu sát và cân nhắc trong từng vụ việc. Thực tế cho thấy, giải quyết những vấn đề này luôn phải tế nhị và tìm hiểu thật kỹ trước khi các quyết định được đưa ra. Qua đó phân ra làm hai loại vụ việc, đối với các tranh chấp tự viện thì Giáo hội luôn giữ quan điểm bảo vệ giáo sản hợp pháp vì đây là các tài sản được pháp luật bảo hộ. Nếu là tranh chấp thừa kế trong nội bộ Tăng Ni, tự viện thì cần nghiên cứu đến các yếu tố giáo luật mà xử lý trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan theo pháp luật.

Xin cảm ơn Hòa thượng!

Bảo Thiên thực hiện

* Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thái Bình Dương:

Hinh 2 - Luat su Nguyen Dang Trung.jpg
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng

Tôi cho rằng tất cả tài sản của tu sĩ là tài sản thuộc về Giáo hội mà tu sĩ là thành viên và người thân của vị tu sĩ ấy không được quyền tranh chấp. Vì theo quan điểm của người Việt Nam, khi một cá nhân đã xuất gia đi tu thì lúc đó họ sẽ hành sự theo phẩm trạch mà họ giữ, là hiện thân của một tôn giáo chứ không còn là hiện thân theo tư cách cá nhân. Hơn nữa, những gì mà vị tu sĩ có không phải do cá nhân đó tạo dựng mà do tín đồ hiến cúng với tâm niệm hiến cúng cho tôn giáo.

Đã đến lúc Bộ Luật Dân sự cần thừa nhận việc khi một cá nhân nào đó xâm chiếm tài sản của tôn giáo thì không chỉ người tu sĩ đó đòi lại mà đây phải là việc làm của cả một tổ chức tôn giáo. Song song đó, nhất thiết phải luật hóa và có những quy định về tài sản của tổ chức tôn giáo trên cơ sở tài sản đó không bị phân chia. Mọi hành vi xâm phạm cần phải bị xử lý thích đáng. Các cơ quan có thẩm quyền cũng nên mạnh dạn bãi bỏ các quy định không phù hợp để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức tôn giáo, tránh tình trạng kiện tụng kéo dài vì pháp luật chưa quy định phù hợp như hiện nay.

Ngoài ra, theo quan điểm cá nhân, tôi cũng ủng hộ việc khuyến khích các tổ chức tôn giáo tham gia đóng góp việc xây dựng nền đạo đức xã hội, phát triển giáo dục y tế và các hoạt động công tác xã hội.

* Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Tố tụng dân sự - Hôn nhân gia đình, khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM

Hinh 3 - TS Nguyen Van Tien.JPG

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến

Hiện tại pháp luật Việt Nam vẫn chưa có sự thống nhất về quyền sở hữu của các tổ chức tôn giáo. Vì thế, khi một tu sĩ đứng tên một tài sản nhất định cần có các căn cứ chứng minh nguồn gốc tài sản. Nếu tài sản đó được hiến cúng thì cần phải có các biên nhận, phiếu thu hay phiếu công đức. Do nội dung này pháp luật chưa điều chỉnh nên Giáo hội cần xem xét ban hành những hướng dẫn trong việc tiếp nhận sự cúng dường của thập phương và cần có mẫu giấy biên nhận thống nhất để áp dụng chung cho cả nước.

Xét về mối tương quan giữa Hiến chương và luật, Hiến chương phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nếu có tranh chấp xảy ra thì ưu tiên áp dụng luật. Tuy nhiên, Hiến chương của Giáo hội do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn nên cũng được xem là một căn cứ xử lý các tranh chấp nếu pháp luật không quy định. Do vậy, Hiến chương của Giáo hội cần quy định rõ hơn nữa các nội dung liên quan đến tài chính và tài sản của Giáo hội.

Theo quan điểm cá nhân tôi, một người nào đó khi tranh chấp tài sản có liên quan đến tôn giáo mà không có chứng cứ chứng minh quyền sở hữu thuộc về mình thì tài sản đó thuộc về tôn giáo. Từ chuyện này, Bộ Luật Dân sự mới nên công nhận quyền sở hữu tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Bởi lẽ, nhiều tổ chức tôn giáo mà cụ thể là Phật giáo đang là tổ chức rộng khắp và hiện diện trên toàn cõi Việt Nam.

Gia Trúc ghi


>> Xem thêm: Cần thể hiện sự bảo hộ giáo sản của tôn giáo ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.