Giáo pháp Nguyên thủy & Đại thừa - Sơ địa Bồ-tát

GN - Theo kinh Nguyên thủy, Hiền vị có ba cấp bậc là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Thánh vị là A-la-hán. Theo kinh Đại thừa, Hiền vị gồm 30 bậc là Bồ-tát thập trụ, Bồ-tát thập hạnh và Bồ-tát thập hồi hướng. Hàng Thánh vị gồm mười bậc là Bồ-tát thập địa.

Như vậy, để đạt đến Hiền vị và Thánh quả, Nguyên thủy tu khác Đại thừa, vì hành giả theo Nguyên thủy lấy giải thoát làm chính, trong khi hành giả Đại thừa hành Bồ-tát đạo, cứu độ chúng sanh là việc chính. Từ đó đặt ra câu hỏi cho chúng ta rằng việc độ chúng sanh đúng hay tu giải thoát đúng. Phải khẳng định rằng cả hai đều đúng, không có pháp nào sai cả, nhưng tùy theo trình độ, căn cơ của từng hạng người khác nhau mà Đức Phật triển khai giáo pháp khác nhau.

phat hoc 11.jpg


Kết hợp giáo pháp Nguyên thủy và Đại thừa sẽ có được sự thống nhất - Ảnh minh họa

Thật vậy, chính Đức Phật đã dạy các Tỳ-kheo hành đạo nên vì lợi ích của số đông và của chư Thiên, không phải tu giải thoát rồi không làm gì. Nhận thức sai lầm rằng người tu theo Phật giáo là đạo xuất thế, tách khỏi cuộc đời, không làm gì thì chắc chắn làm cho Phật giáo tiêu diệt. Người tu mà tách rời quần chúng, nói cách khác, là người đi tìm sự sống ngoài cuộc sống là việc hoang tưởng ví như hột giống đem gieo trong hư không, hay ví như lông rùa sừng thỏ.

Phật dạy mỗi thầy đi một hướng để độ chúng sanh, làm an lạc cho chư Thiên và loài người, điều này thể hiện tinh thần hành Bồ-tát đạo theo Đại thừa. Nhưng người chấp giáo pháp Nguyên thủy nghĩ rằng chỉ tu cho bản thân được giải thoát thôi. Tiến sang Phật giáo Đại thừa, chúng ta không bỏ cái gốc là phải nỗ lực tu cho được giải thoát, nhưng giải thoát rồi thì không dừng lại ở đó mà phải tiến tu giai đoạn hai là hành Bồ-tát đạo. Như vậy, đối với người tu có hai giai đoạn là tu giải thoát và hành Bồ-tát đạo độ sanh. Kinh Pháp hoa đúc kết hai pháp này, nói rằng người đắc quả A-la-hán mà không tin pháp Đại thừa là không tin việc làm lợi ích cho số đông là chưa đắc La-hán, còn ở trong Hiền vị phải tiếp tục tu để trở thành A-la-hán thật.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ lo tu, không làm gì, để đến khi đắc Thánh quả A-la-hán rồi mới độ sanh thì e rằng không kịp, vì mạng sống chấm dứt, không còn phước duyên hành Bồ-tát đạo; cho nên hành giả vừa tu vừa làm lợi ích cho chúng sanh gọi là tự hành hóa tha thì giai đoạn này là quyền Đại thừa, không phải thực Đại thừa. Vì vậy, theo tôi, khi còn ở giai đoạn quyền Đại thừa, chúng ta chưa hoàn toàn thanh tịnh, nhưng tranh thủ ban ngày làm việc lợi lạc cho chúng sanh, buổi tối chúng ta phải trụ định để xóa bỏ phiền não nghiệp chướng trần lao phát sanh khi làm việc nhằm giúp chúng ta an trụ trở lại tâm thanh tịnh của hành giả xuất thế.

Đắc La-hán rồi phát tâm Đại thừa giáo hóa chúng sanh là đúng. Nhưng chưa đắc Thánh quả mà giáo hóa chúng sanh là theo quyền Đại thừa tức vừa học vừa tu là đốt giai đoạn nên khó hơn người chuyên tu hay chuyên học. Người hành Bồ-tát đạo ở giai đoạn quyền Đại thừa có thể ví như người học tại chức, không học chánh quy. Chuyên tu là học chánh quy. Chúng ta tu quyền thừa Bồ-tát vừa học vừa làm giống như người tốt nghiệp tại chức thì không bằng người chuyên học, nhưng hơn họ là chúng ta có kinh nghiệm, làm giỏi, nhưng không hiểu chính xác bằng học chánh quy.

Vì vậy, kết hợp giáo pháp Nguyên thủy và Đại thừa sẽ có được sự thống nhất, cho nên chúng ta phải có tầm nhìn xuyên suốt bên trong như vậy mới không bị trở ngại; nếu không, cứ ở vị trí của mình mà chê trách người khác thì không phải là hành giả Nguyên thủy cũng không phải là hành giả Đại thừa đúng nghĩa. Với cái nhìn đúng đắn này, khi thấy thầy theo Nguyên thủy tu hành trì giới nghiêm túc, chúng ta quý trọng và cúng dường. Nếu thầy tu Nguyên thủy thấy thầy tu dấn thân vào việc lợi ích cho chúng sanh cũng phải kính trọng.

Tuần vừa qua, tôi sang Mỹ, có duyên gặp Thiền sư Kim Triệu, ngài là người Mỹ gốc Việt. Qua cuộc trao đổi, tôi và vị này có cái nhìn thống nhất về sự tu hành theo Phật giáo. Thiền sư Kim Triệu sang Ấn Độ học, tốt nghiệp tiến sĩ và sang Miến Điện tu Thiền, sau cùng ở Mỹ mở Thiền đường dạy tu Thiền. Tôi và ông có việc làm khác nhau, nhưng mục tiêu chung là làm vì Phật pháp, vì lợi ích cho số đông; như vậy có thể nói chúng tôi vẫn gặp nhau trong cuộc sống của người tu.

Chúng ta  phải có cái nhìn xuyên suốt về đạo Phật từ giáo pháp của Phật giáo Nguyên thủy đi lên các kinh điển Đại thừa. Thật vậy, đắc Thánh quả A-la-hán rồi phát tâm Đại thừa tu Bồ-tát đạo cũng như người học chánh quy. Đức Phật cũng đã đi theo lộ trình này, Ngài  phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp tu hành được ví như giai đoạn học chánh quy và thêm một trăm kiếp hành Bồ-tát đạo. Điều này thể hiện trong kinh Bản sanh theo Phật giáo Nguyên thủy. Như vậy, nếu người theo Nguyên thủy chuyên tu giải thoát mà chưa có ý niệm hành Bồ-tát đạo, nên việc độ sanh gác qua một bên, nhưng trong kinh Nguyên thủy đã có Bồ-tát đạo. Vì vậy, chúng ta đối chiếu mười môn ba-la-mật của Nguyên thủy với mười môn ba-la-mật theo Đại thừa để tìm hiểu áp dụng. Tuy Nguyên thủy có mười môn ba-la-mật nhưng không áp dụng trong cuộc sống tu hành, vì không đi theo hướng độ sanh, cho nên chưa đạt đến thành quả của mười ba-la-mật theo Đại thừa. Còn Đại thừa tuy chưa đắc Thánh quả, nhưng vừa làm vừa có kinh nghiệm và rút kinh nghiệm gặt hái được để tiến tu giải thoát cho mình và cho người.

Muốn thực hiện hạnh Bồ-tát dù là quyền thừa thì cũng phải vững tâm. Vì vậy, trong khi hành đạo nếu chúng ta gặp khó khăn không vượt được, chúng ta trở về cương vị của mình để tu và rút kinh nghiệm để có đủ duyên thì tiếp tục làm nữa; đó là pháp tu tự hành hóa tha của tu sĩ Đại thừa, không phải làm liều mạng. Chướng ngại khó khăn thì ta chùn bước để vượt lên giống như cá hóa long cuối cùng cũng vượt được thác ghềnh.

Lộ trình của Bồ-tát thập trụ, điều quan trọng là chúng ta tu hành trụ tâm vững chắc ở Đại thừa, nghĩa là tin vững chắc rằng Đức Phật thành tựu quả vị Phật thì chúng ta tiếp bước Ngài tu hành cũng thành Phật, năm này chưa được thì năm sau được, kiếp này chưa được thì kiếp sau được, nhất định phải thành Phật, không thoái chuyển, có khó khăn thì chỉ tạm nghỉ để chuẩn bị đi tiếp là tu Đại thừa.

Và trụ tâm vững rồi, bước sang hạnh cứu giúp người là nương Bồ-tát lớn, vì chúng ta chỉ là Bồ-tát quyền thừa, nên phải nương vào người có năng lực thực sự là những hành giả kiểu mẫu như chư Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí, Địa Tạng, v.v… Chúng ta quán sát xem trên cuộc đời này ai là Quan Âm, ai là Phổ Hiền. Đầu tiên, chúng ta chọn Văn Thù làm thầy vì ngài tiêu biểu cho trí tuệ. Trong kinh Hoa nghiêm, Văn Thù xuất hiện. Sau khi Phật Niết-bàn, các Tỳ-kheo bơ vơ vì không có người chỉ đạo làm sao quyết định đúng; cho nên phải lấy trí tuệ tập thể tiêu biểu bằng sự hiện hữu của năm ngàn Tỳ-kheo ở chỗ Phật Niết-bàn, bấy giờ Văn Thù xuất hiện để giáo hóa năm ngàn Tỳ-kheo này.

Văn Thù Sư Lợi xuất hiện tại thành Câu Thy Na, nhưng không phải là Bồ-tát từ trên trời cỡi sư tử xuống; nếu nghĩ như vậy là mê tín. Bồ-tát Văn Thù cỡi sư tử là người tượng trưng, không phải người thật. Năm ngàn Tỳ-kheo được Văn Thù giáo hóa, nghĩa là Văn Thù tiêu biểu cho ngũ trí nghiêm thân, hay trí tuệ tập thể của năm ngàn Tỳ-kheo gọi là trí tuệ Văn Thù. Chúng ta phải hiểu như vậy. Văn Thù xuất hiện hay năm ngàn Tỳ-kheo hợp lại để hóa giải khó khăn, thấy được con đường Bồ-tát đạo. Con đường Bồ-tát đạo cho chúng ta cái gì?

Văn Thù nói rằng ngài phải qua Phước Thành để giáo hóa Thiện Tài đồng tử. Thực tế cho thấy hễ nói đến giáo hóa thì một số thầy cứ nhắm mắt giáo hóa, vì thế đã dẫn đến tình trạng tệ hại là đem ăn mày, ăn cướp vô chùa cho xuất gia, chắc chắn họ phá hại chùa tàn mạt. Một số trụ trì phạm sai lầm trầm trọng vì không lấy trí tuệ tập thể để hành đạo. Muốn hành Bồ-tát đạo, dạy Bồ-tát pháp, Văn Thù phải đi tới Phước Thành, nghĩa là tìm người có khả năng hiểu biết, có khả năng hành Bồ-tát pháp. Thể hiện ý này, Hòa thượng Trí Quang dạy  tôi rằng người có khả năng hiểu biết thì ta mới truyền trao hiểu biết cho họ được, người có khả năng làm thì mới cho làm. Không phải ai cũng chỉ. Phải tìm người có phước, tìm người có trí tuệ.

phat hoc 12.jpg
Chúng ta nương vào trí tuệ tập thể chỉ đạo - Ảnh minh họa

 Tại sao gọi là Phước Thành. Vì khi Thiện Tài sanh ra, những người tốt tự xuất hiện. Phật giáo hưng hay suy cũng vậy. Ai làm cho Phật giáo suy được. Khi Phật giáo Việt Nam hưng thì chính quyền Diệm đàn áp Phật giáo, nhưng lại làm cho Phật giáo lên cao hơn. Khi Phật giáo suy sẽ gặp nhiều người xấu, tham lam, ích kỷ, phiền não… Văn Thù tới Phước Thành gặp Thiện Tài để dạy Thiện Tài Bồ-tát pháp. Đối với người muốn học, muốn tu, muốn làm, mới chỉ bày cho họ, đó là tinh thần Đại thừa.

Chúng ta nương vào trí tuệ tập thể chỉ đạo, vậy trí tuệ tập thể sanh ở chỗ nào? Thiền sư Kim Triệu ở Mỹ, tôi là giảng sư ở Việt Nam. Hai người trao đổi với nhau, thì tôi tăng thêm hiểu biết về Phật giáo ở Mỹ và vị Thiền sư này cũng tăng sự hiểu biết về Phật giáo Việt Nam. Hai hiểu biết này cộng lại thành kinh nghiệm có thể chia sẻ cho người khác. Thiền sư Kim Triệu nói ông dạy thiền cho người có tâm học thiền, nên lớp học đông nhất cũng chỉ có 70-80 người, nhưng họ học với tất cả niềm say mê, nên thiền đường hoàn toàn yên tĩnh. Vì vậy, độ một người đáng một người, còn tập hợp đông đôi khi  phiền não phát sanh. Điều này giúp chúng ta cân nhắc khi mở rộng sinh hoạt tu hành.

Nếu chúng ta gặp các nhà sư Miến Điện, Thái Lan, Campuchia thì mỗi vị biết một việc. Gặp ngài Tep Vong, tôi biết được cách tu trong thời Phật giáo Campuchia bị pháp nạn là lúc Pôn Pốt cai trị, ông phải cởi y đi lao động, giả làm nông dân mới sống còn đến ngày nay. Tôi cũng có kinh nghiệm tu hành trong thời chính quyền Diệm đàn áp Phật giáo. Còn Thiền sư Kim Triệu nói về kinh nghiệm sống tự do ở Mỹ là tự do có luật pháp. Ông cho biết chùa đăng ký khóa học thiền có 80 người, nhưng hôm đó đến 100 người tham dự thì cảnh sát giải tán, nghĩa là chùa vẫn phải tôn trọng luật pháp, không phải muốn làm gì cũng được.

Tôi có bạn hành đạo ở khắp nơi, mỗi người sống một cách thích nghi được lợi lạc và tổng hợp lại tất cả những việc làm đó cho tôi kinh nghiệm làm đạo mà tôi gọi là trí tuệ tập thể. Nếu suy nghĩ như vậy, anh em nên quan sát thực tế và vào thiền định quán sát mới không sai lầm, hay đỡ sai lầm. Vì sai lầm nào cũng phải trả giá đắt, thậm chí bị tù tội, cho đến mất mạng, mất một kiếp người là điều quan trọng chúng ta phải cân nhắc.

Qua pháp tu của thập hạnh Bồ-tát, chúng ta đã trụ tâm vững chắc, bấy giờ, ta hợp tác với Bồ-tát lớn, thấy Phổ Hiền thì học với ngài, thấy Quan Âm thì học với Quan Âm. Theo tôi, Bồ-tát Phổ Hiền tiêu biểu cho thế và lực. Làm đạo được là nhờ có thế và lực. Vì vậy, ngài Nhật Liên dạy tụng kinh Pháp hoa phải tụng  phẩm Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát thứ 28 trước. Khi anh em dấn thân vào cuộc đời theo Phổ Hiền Bồ-tát là có vô số Bồ-tát thị tùng, có Thiên long Bát bộ hỗ trợ. Nếu không có người hợp tác đồng hạnh đồng nguyện, không có người ủng hộ, hành giả không thể nào làm được. Ngài Giác Chánh là Nhị tổ của hệ phái Khất sĩ cũng nói ý này rằng ngài sanh ra trong thời kỳ không có quốc vương hộ đạo là thời ông Diệm, lại bị đàn áp, hoàn toàn không có thế và lực, nghĩa là không có quần chúng và Nhà nước ủng hộ, nếu làm đạo sẽ tự hại mình.

Muốn có quần chúng và Nhà nước ủng hộ, phải tu thập hồi hướng. Thật vậy, Đức Phật Thích Ca phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp và một trăm kiếp hành Bồ-tát đạo mới có quyến thuộc. Ta chưa có quyến thuộc, phải tự xét coi ta có phải là Phổ Hiền hay không, tức có thế và lực hay không. Nếu không có thế và lực thì không làm theo Phổ Hiền được, chúng ta làm theo Quan Âm được không. Quan Âm luôn giấu bớt tài năng của mình, ngài xuất hiện như người thường. Vì xuất hiện như người phi thường dễ mất mạng, thực tế chúng ta thấy có người được vinh danh là Thánh thì bị người ta đưa lên giàn hỏa. Còn Bồ-tát Quan Âm thật lại xuất hiện như con người bình thường trong hoàn cảnh bình thường, nghĩa là Ngài thể hiện pháp nội bí ngoại hiện, tức giấu đi những thành quả cao quý của hạnh Bồ-tát, bên ngoài bình thường để khỏi ai ganh tỵ, tranh chấp với mình. Bồ-tát Quan Âm ẩn danh, nhưng coi chỗ nào làm được, Ngài xuất hiện, làm không được thì tránh. Phải xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ. Việc nào Quan Âm làm cũng được, từ vị trí cao tột là vua chúa cho đến làm trẻ con, đồng nam đồng nữ.

Hai Bồ-tát Phổ Hiền và Quan Âm là đối tượng mà tôi quán sát, đầu tiên tôi thấy hạnh Quan Âm dễ làm hơn. Ta có tài thật, nhưng ẩn thì tốt, vì đưa cái tài ra sẽ bị người dập chết, cổ nhân cũng đã nói chữ tài liền với chữ tai. Mai danh ẩn tích, chuẩn bị, chờ đúng lúc làm được thì làm. Anh em còn học phải chuẩn bị hành trang là tri thức và đạo đức để khi đủ duyên làm mới không thất bại.

Trên bước đường tự hành hóa tha, chúng ta vừa học vừa làm. Nếu thấy có Phổ Hiền xuất hiện, ta hợp tác. Không có Phổ Hiền, ta học hạnh Quan Âm, khi cần chúng ta làm, không cần thì chúng ta ở yên tu.

Bồ-tát Phổ Hiền có đầy đủ thế và lực là do thành tựu pháp thập hồi hướng. Mỗi ngày chúng ta đọc mười hạnh Phổ Hiền, hay tu mười hạnh này để kết thành quyến thuộc Bồ-đề và quyến thuộc này đông mới dễ hành đạo. Vì vậy, chúng ta theo Bồ-tát lớn để được làm bạn với nhiều người, họ sẽ hỗ trợ ta làm đạo. Thật vậy, thuở nhỏ, tôi hầu Hòa thượng Thiện Hoa và sau này được thân cận Hòa thượng Trí Thủ và Hòa thượng Thiện Hào. Đó là ba vị thầy mà tôi nương theo các ngài, học hạnh của các ngài giúp tôi thành tựu nhiều việc. Khi tôi hầu Hòa thượng Thiện Hoa, những thiện tri thức đến với ngài, nên họ biết tôi và tôi cũng học được nhiều điều khi Hòa thượng trao đổi với họ. Lớn lên, tôi được làm việc với Hòa thượng Trí Thủ. Ngài làm Viện trưởng Viện Hóa đạo, tôi làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, nhờ đó tôi có cơ hội học được với Hòa thượng nhiều bài học quan trọng không thể có ở nhà trường và cũng nhờ đó, tôi kết thân được một số quyến thuộc. Tôi là người miền Nam, nhưng nhờ theo ngài ra miền Trung, nên một số thầy miền Trung mới biết tôi và coi tôi là anh em. Khi đất nước được độc lập, Hòa thượng Thiện Hào từ chiến khu về. Nhờ làm việc với ngài mà các vị lãnh đạo Nhà nước biết tôi.

Nương các vị thiện tri thức để phát huy năng lực mình là tu thập hồi hướng. Có bao nhiêu công đức, chúng ta hồi hướng Vô thượng Bồ-đề để phát huy trí tuệ và hồi hướng Pháp giới chúng sanh để tăng thêm quyến thuộc Bồ-đề. Mỗi vị thiện tri thức có sở đắc ở một lãnh vực riêng để chúng ta theo học là tu thập hồi hướng.

Và khi tu hồi hướng xong, chúng ta bắt đầu ra làm việc, không nương vào thiện tri thức nữa, nhưng tự làm. Khi ba vị Hòa thượng mà tôi nương theo không còn hiện hữu, tôi phải tự quyết định là bước thứ hai. Khi tự mình quyết định là bước sang giai đoạn của Thánh vị, còn hợp tác với Thánh là ở giai đoạn Hiền vị.  Khi tôi đảm nhận trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, tôi phải tự quyết định thì sự lãnh đạo này ví cho hàng thập Thánh từ thấp nhất cho đến cao nhất trải qua mười cấp bậc. Mới đăng địa Bồ-tát là sơ địa, tức Hoan hỷ địa. Hành đạo ở giai đoạn Hoan hỷ địa, hành giả phải ý thức sâu sắc rằng từ đây mình không còn ai để nương và bước chân vào đời lãnh đạo, vô số khó khăn sẽ tới với ta, nhưng phải luôn giữ tâm hoan hỷ là điều quan trọng nhất. Việc tốt, người tốt tới cũng có, nhưng việc xấu nhiều hơn, việc khó nhiều hơn, việc nghịch nhiều hơn thuận; đó là kinh nghiệm tôi muốn nhắc anh em. Khi bắt tay vào làm mới thấy, phải ráng giữ tâm hoan hỷ, nụ cười hoan hỷ giống Bồ-tát Di Lặc mới làm đạo được. Còn hở một chút là buồn là giận thì dùng vào đâu được. Phải mở rộng lòng mình, ai làm gì mình cũng tha thứ được. Tha thứ để chúng ta có người hợp tác, còn khó quá thì người ta sẽ bỏ mình, không làm được. Có người than với tôi rằng không làm được vì không thấy người nào tốt và cũng không muốn hợp tác với ai; như vậy thì kể như bỏ đi. Có được nụ cười hoan hỷ, tâm hoan hỷ chấp nhận được người xung quanh, từ từ cũng làm được.

Đăng địa Bồ-tát là bước thứ nhất phải trụ tâm hoan hỷ. Bồ-tát sơ địa lấy bố thí làm đầu, giúp người khác, thậm chí không có gì để cho thì ta có thể cho họ một tấm lòng, một lời khuyên cũng được, hay cho họ một niềm vui. Họ chế giễu mình để họ vui, mình cũng chấp nhận. Mình làm hề cho họ vui cũng được, tức tâm mình bao dung tất cả mọi người mà mình tiếp xúc. Đừng nghĩ cho mình, vì nghĩ cho mình thì họ cũng nghĩ cho họ. Bước chân vào đời, hay bước chân vào cửa Thánh, Phật dạy Bồ-tát sơ địa phải hoan hỷ và thường hiện thân làm tiểu vương, tức là người lãnh đạo phải biết nghĩ và sẵn lòng làm cho người khác, cho số đông.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.