Giao lưu: Nhẹ gót vào đời

Làm sao để vững tin trong quá trình hòa nhập cộng đồng? Làm sao tìm một việc làm thích hợp hay một môi trường sống để không bị “tha hóa” bởi những sự cám dỗ của cuộc đời? Làm sao để vượt qua nỗi đau mặc cảm bởi sự cư xử không thiện cảm từ những người trong cuộc để vững tin vào đạo?. Liệu tín tâm của buổi đầu sơ cơ học đạo có gìn giữ trong suốt hành trình phía trước không?... Những ý nghĩ đó luôn là điều trăn trở đối với những người đã từng xuất gia học đạo, nay vì một chướng duyên nào đó họ xuất tu” để bước vào cuộc sống đời thường, hòa nhập với đời sống…

Hoa Nghiêm (tên thật là Ung Tự Do) xuất thân từ cậu bé mồ côi trong cô nhi viện Diệu Giác (Q.2), năm 16 tuổi xuất gia tại tu viện Vĩnh Đức (TP.HCM). Mỗi buổi chiều tà hay sáng sớm, tiếng gõ mõ ê a đọc tụng những bài kinh vỡ lòng của chú Sa di Hoa Nghiêm vang vọng khắp tu viện. Thế nhưng, bởi đường tu ngắn ngủi nên Hoa Nghiêm phải “xuất tu”. Hành trang bước vào đời là 5 năm “hành điệu” trong tu viện! Hòa nhập vào đời sống, chắc hẳn là điều rất khó khăn: “Đứng về khía cạnh nào đó thì người bị dở dang đường tu đâu hẳn là người “ngoại đạo”, lẽ ra họ phải là những người đáng được chia sẻ mới phải! Bởi lẽ, tâm trạng của người “tu xuất”, ra đời hòa nhập vào cuộc sống luôn nằm ở trạng thái bị động, hầu hết họ là những thanh niên trẻ, mà tuổi trẻ thì dễ bị sa ngã bởi cuộc đời đối với họ khá mới mẻ, nhất là khi họ đối diện với môi trường “khắc nghiệt” từ cuộc sống. Bản thân tôi khi bước “ra đời” cũng phải làm biết bao công việc để tự trang trải. Từ việc làm thuê, tiếp viên nhà hàng, bán sách vỉa hè… tôi đều trải qua những ngày cơ cực ấy. Thế nhưng, điều tôi luôn trăn trở rằng làm sao giữ được tín tâm với đạo như thể khi mình còn là người xuất gia…” - Đó là những tâm trạng “vào đời” mà Hoa Nghiêm muốn chia sẻ.

nhegot.gif

Tìm một việc làm thích hợp hay một môi trường sống có thể gìn giữ, vun bồi được tín tâm. Nói cách khác hơn, làm sao để sống có ích cho mình, cho xã hội và cho đạo pháp. Đó là tôn chỉ và mục đích của nhóm “Huynh đệ đồng môn” do một số thanh niên trẻ trước kia đã từng là Tăng, Ni thành lập nhằm tư vấn và trợ giúp những người đồng cảnh ngộ để họ vững tin khi bước vào đời. Hoa Nghiêm - một trong những nhà thư pháp trẻ có chí nguyện đưa nghệ thuật thư pháp gần với Phật giáo, cho nên hầu hết những tác phẩm thư pháp của Hoa Nghiêm mang đề tài Phật giáo. Trong cuộc sống hiện tại, Hoa Nghiêm thể hiện là thanh niên trẻ biết tự mình vượt qua mọi khó khăn của cuộc đời, biết tạo niềm đam mê để thăng hoa trong nghệ thuật, biết an trú trong chánh niệm để tu thân: “Từ những suy nghĩ làm sao giữ vững được niềm tin đối với Phật pháp, cho dù phải đối mặt với bao nghịch cảnh. Ban đầu mình thật bấp bênh, vô định, rất may, mình gặp được các anh, chị trong nhóm “Huynh đệ đồng môn” tư vấn và giúp mình tiếp cận với môn nghệ thuật thư pháp để có điều kiện sống và suy ngẫm…”. Bạn Minh Tuấn (tốt nghiệp HVPG VN tại TP.HCM) lại gặp hoàn cảnh khuất tất hơn, tuy tấm lòng luôn hướng đến Phật pháp nhưng vì mặc cảm nên khi bước ra đời lại không tạo được “cơ hội” về sinh hoạt lại trong ngôi chùa mà mình đã từng gắn bó: “Tôi đã từng xuất gia khi lên 14 tuổi (sinh năm 1975), năm 26 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình nên tôi “ra đời”. Tuy nhiên, tôi rất muốn trở thành một người Phật tử bình thường nhưng qua cách cư xử không mấy thiện cảm của mọi người chung quanh, điều đó làm tôi chán nản và không muốn đến chùa nữa! Qua đây, tôi mong rằng vị trụ trì cũng như Phật tử nên có cách nhìn khác hơn đối với những người “xuất tu”, để họ có đủ tinh thần quay về gần gũi với ngôi chùa và tiếp tục sinh hoạt như một người Phật tử bình thường khác”.

Đối với những người đã từng xuất gia, việc họ xuất tu đâu hẳn là “cắt đứt” mọi vấn đề tâm linh - tín ngưỡng. “Phật pháp hóa nhân duyên” - mọi vấn đề đều do nhân duyên tác hợp tạo thành và ngược lại. Thế nên, nếu ta vô tình hay cố ý chia rẽ và gây phản cảm đối với họ thì vô hình trung ta làm mất tín tâm của người đồng đạo. Bác sĩ Nhật Tuệ, trưởng nhóm “Huynh đệ đồng môn” cho biết: “Chúng tôi rất hiểu và cảm thông đối với những vị tu xuất. Họ xuất tu vì nguyên nhân khách quan hay chủ quan nhưng đó là người biết lượng sức mình, và họ có quyền lựa chọn con đường mình đi. Tuy nhiên, có những trường hợp thật đau lòng, vì mặc cảm xã hội mà họ bị sa ngã vào con đường bất chánh, không một lời động viên hay sự an ủi, sẻ chia chính từ nơi họ “bước ra”. Nếu như quý thầy bổn sư của họ biết chia sẻ và khuyến khích họ tiếp tục giữ vững tín tâm thì cho dù ở trong môi trường nào họ vẫn là nhân tố tích cực phục vụ đạo pháp. Tại nhóm “Huynh đệ đồng môn” của chúng tôi có 11 thành viên, tất cả đều là những vị “tu xuất”. Hầu hết những thành viên đều có công việc ổn định và sinh hoạt chuyện đạo, đời khá tốt đẹp, nhất là các lĩnh vực từ thiện xã hội. Hiện nay, chúng tôi đang tạo nhịp cầu giao lưu với các bạn trẻ với liệu pháp “nhìn lại để thương”, song song với các hoạt động tìm hiểu giáo lý Phật giáo…”.

Thiết nghĩ, ngày nay Giáo hội tốn biết bao công sức và tiền của vào công việc đào tạo nguồn nhân lực trong các hoạt động giáo dục, hoằng pháp (hoằng pháp viên), TTXH… tạo các diễn đàn giao lưu với thanh thiếu niên để đưa họ gần gũi với đạo pháp thì lẽ nào chúng ta lại lãng phí những người đã từng có thời gian được đào tạo và giáo dục trong môi trường Phật giáo. Hẳn họ là một trong những nhân tố tích cực đó sao? Cho dù là người tu xuất không còn phạm hạnh của người xuất gia nhưng nếu ta biết khuyến khích và đào tạo họ trở thành những nhân tố phục vụ cho đạo, cho đời theo khía cạnh tích cực thì sẽ là một tiềm lực cho Phật giáo. Đó cũng là thực hành lý tưởng Từ bi, Bình đẳng của Phật giáo!...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.