“Giáo hội luôn quan tâm hỗ trợ hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer”

GNO - Sau Hội nghị lần thứ I tại Sóc Trăng năm 2004, đến nay, Phật giáo Nam tông Khmer đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, hòa mình vào ngôi nhà chung của Giáo hội. Phát biểu với phóng viên Giác Ngộ về những định hướng hỗ trợ cho Phật giáo Nam tông Khmer trong thời gian tới, nhân Hội nghị lần V tại Trà Vinh, HT.Thích Thiện Nhơn cho biết:

Kể từ năm 1981 lịch sử đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua hơn 30 năm hình thành, phát triển và đồng hành cùng dân tộc, đã tự khẳng định vị thế của mình trong lòng dân tộc và cộng đồng thế giới. Sự thành tựu các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian qua chính là nhờ vào tinh thần đoàn kết, hòa hợp của người con Phật và sự đóng góp trí huệ tập thể, tập trung dân chủ, phát huy tiềm năng và cơ cấu tổ chức từ cấp lãnh đạo ở Trung ương đến các Ban Trị sự Phật giáo địa phương, thông qua các Ban, Viện Trung ương và các ban ngành Phật giáo cơ sở. Đó chính là sự thống nhất trong đa dạng và đồng thuận trong các Phật sự của từng thành viên đại gia đình Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các truyền thống, pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chánh pháp của các hệ phái luôn được Giáo hội tôn trọng, duy trì theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã qui định.

wwwT71.JPG

HT.Thích Thiện Nhơn (phải) chủ tọa Hội nghị Phật giáo Nam tông Khmer lần V - Ảnh: Bảo Thiên

Với những thành quả đạt được của các cấp Giáo hội trong suốt thời gian qua, trong đó có sự đóng góp của một khối lượng gần 9.000 vị tu sĩ, trên một triệu năm trăm nghìn tín đồ Phật tử Phật giáo Nam tông Khmer. Qua đó, cho thấy tính thống nhất về mặt tổ chức, lãnh đạo trong toàn Giáo hội, tính đoàn kết hòa hợp của dân tộc Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng đã có từ hơn 2000 năm nay.

Bạch Hòa thượng, trong thời gian qua, Giáo hội đã thực hiện sự hỗ trợ như thế nào đối với Phật giáo Nam tông Khmer?

Kể từ Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ I tại Sóc Trăng đến nay đã được 4 lần Hội nghị. Với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, các cấp Giáo hội, cho đến nay Phật giáo Nam tông Khmer đã có những hoạt động tích cực, cụ thể, nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động Phật sự. Điển hình như: Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hỗ trợ công tác in ấn và phát hành hàng vạn quyển Kinh sách Phật giáo bằng chữ Khmer; khắc và trao con dấu cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; hợp thức hóa và bổ nhiệm trụ trì, bổ nhiệm Ban Quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức các Lớp học Sơ cấp Pali, Vini; Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đã hoàn tất công tác giảng dạy khóa I với 58 chư Tăng tốt nghiệp Cử nhân Phật học và tiếp tục khai giảng khóa II (2011 - 2015) với 36 chư Tăng theo học; tham dự hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; cử đoàn Đại biểu Phật giáo Nam tông Khmer sang Campuchia thỉnh một số đầu kinh sách nguyên bản tiếng Khmer; tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Phước, Kiên Giang nhiệm kỳ 2012 - 2017, tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Bangkok - Thái Lan; tham dự Hội nghị Phật giáo toàn cầu tại Ấn Độ; tham dự Đại lễ Kỷ niệm và Hội thảo 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Về công tác trùng tu, xây dựng chùa cảnh trang nghiêm đã được tiến hành tại một số cơ sở.

Đặc biệt, để nâng cao các hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer, theo đề nghị của chư tôn giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer, Trung ương Giáo hội đã ra quyết định chuẩn y thành phần nhân sự Phân ban Tăng sự thuộc Ban Tăng sự Trung ương và Phân ban Văn hóa thuộc Ban Văn hóa Trung ương; công cử nhân sự để đôn đốc Phật sự các tỉnh miền Đông Nam Bộ; việc cơ cấu nhân sự Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo nhiệm kỳ 2012-2017 tại các tỉnh đã Đại hội như An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Phước và Tây Ninh, một số chư tôn đức giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer được cơ cấu vào Ban Trị sự với các chức vụ như Trưởng ban, Phó ban Thường trực, Phó ban, các Trưởng ban chuyên ngành và các ủy viên, tạo sự hài hòa giữa Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông; đồng thời tại các kỳ Hội nghị thường niên của Trung ương Giáo hội đều có tấn phong chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer lên hàng giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa theo đề nghị của quý Ban Trị sự.  

Theo ghi nhận của Hòa thượng, sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Khmer còn những khó khăn nào cần cải thiện?

Dù đã tăng cường sự quan tâm nhưng do những yếu tố chủ quan và khách quan, nên một số công tác được đề ra tại Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IV chưa triển khai thực hiện một cách trọn vẹn như: công tác đo đạc, cấp quyền sử dụng đất cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer chưa thực hiện; việc thành lập Trường Trung cấp Phật học Nam tông Khmer tại Trà Vinh có tiến hành, nhưng còn chậm nên chưa có kết quả; công tác cấp giấy chứng nhận tu sĩ còn khó khăn, do có nhiều ý kiến khác nhau và chưa thống nhất phương thức thực hiện; vấn đề biên soạn chương trình học các cấp cho các trường, học viện chưa thực hiện, dù Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đã có cố gắng phác họa, gợi ý thực hiện bước đầu; công tác thẩm định tái bản một số đầu kinh sách Phật giáo Nam tông bằng chữ Khmer đã in sai đến nay chỉ hoàn tất 10/34 đầu sách, do đó việc in ấn có phần đình đốn, không được hanh thông theo kế hoạch đã định…

Song song đó, công tác đo đạc, công nhận các chùa là di tích lịch sử văn hóa, hay chùa có công với cách mạng đến nay vẫn chưa thực hiện, vì Phân ban Văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer mới bắt đầu hoạt động vào đầu năm nay; việc truy tìm danh sách, thông tin chư tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer có nhiều công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc để in thành tập Danh tăng Phật giáo Nam tông Khmer chưa thực hiện được, dù Ban Văn hóa Trung ương đã lập kế hoạch.

Vậy định hướng đối với sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Khmer trong thời gian tới của các cấp Giáo hội là gì, bạch Hòa thượng?

Nhìn chung, Trung ương Giáo hội, Ban Tôn giáo Chính phủ và các ngành chức năng đã dành rất nhiều sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của Phật giáo Nam tông Khmer.     

Các cấp Giáo hội và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục kiện toàn sự hỗ trợ về các mặt giáo dục, văn hóa, tổ chức quản lý, sinh hoạt của chư Tăng, Tự viện để Phật giáo Nam tông Khmer phát triển một cách đồng bộ, về chiều rộng lẫn chiều sâu trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời vừa mang tính đặc thù của hệ phái, vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.

Nhân Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ V này, Giáo hội mong nhận được nhiều ý kiến phát biểu bổ sung có ý nghĩa thiết thực, mang tính xây dựng để Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra những định hướng và chương trình hoạt Phật sự cụ thể theo tinh thần hỗ trợ để Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần trang nghiêm Giáo hội trong lòng dân tộc.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.