Giao hòa Phật giáo và Đường thi

Giao hòa Phật giáo và Đường thi
Ngày nay, ngót 1.300 năm  đã qua mà âm hưởng của  thơ Đường (Trung Quốc) vẫn còn vang vọng khắp mọi thời đại và  ở các quốc gia. Đúng như nhà thơ Tế Hanh đã viết:

"Đây những tập Đường thơ bất tuyệt,
Thơ Lý Bạch - Đỗ Phủ tinh hoa.
Cùng với trăng sao vằng vặc,
Triệu ngàn năm mà mới tựa hôm qua”.

(Tình yêu của sách)

“Triệu ngàn năm mà mới tựa hôm qua” là tính thời sự, thời đại trường cửu, vĩnh hằng, muôn đời bất biến không mờ phai của thơ Đường - sản phẩm văn  hóa tinh thần “một đi không trở lại” (nhất khứ bất phục phản) của nhân loại. Chưa tới 300 năm (618-907) với 10 năm “loạn An Lộc Sơn” (755-764) khốc liệt gây nên chiến tranh “đống xương vô định đã cao bằng đầu” như lời của Nguyễn Du đã viết, nhưng thơ Đường được coi là “hoàng kim” và  “vườn ngự uyển” của thơ ca cổ điển nhân loai. Thơ Đường gần  5 vạn bài của 2.300 thi sĩ mà trong đó phần đông là thi sĩ và tiến sĩ. “Thi nhật” Vương Duy (701 -761) hai mươi mốt tuổi đậu tiến sĩ, người đa tài thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ  là người tiêu biểu của các nhà thơ đời Đường. Ngoài các đại thi hào lớn như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, có những nhà thơ nữ đời Đường mà tên tuổi  và phong cách của họ được đời sau ngưỡng mộ như Đỗ Thu Nương, Trần Ngọc Lan, Tiết Đào, Hàn Thị. Thơ Đường chẳng những đông về tác giả, đồ sộ về thi phẩm mà còn rất phong phú về phong cách, loại thể, thi pháp và trường phái. Nói đến thơ Đường, người ta nghĩ đến thi phái “Sơn thủy điền viên” miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên. Thi phái “biên tái” sở trường về thơ tả cảnh biên giới, cửa ải. Thơ lãng mạn bay bổng đượm tình mà người đứng đầu là “Thi tiên” Lý Bạch (701 -762) với gần 1.000 bài thơ ước lệ, tượng trưng  hay đến nỗi thơ  ông làm xong “quỷ thần cũng phai khóc” (thi thành quỷ thần khốc dã). Thơ  hiện thực với hai tên tuổi lớn là “Thi thánh” Đỗ Phủ (712-770) với  1.400 bài thơ  và “Thi tình” Bạch Cư Dị  (772-840) với 3.840 bài thơ, trong đó hai bài “Trường hận ca” và “Tỳ bà hanh” muôn đời bất hủ. Nhà thơ Việt Nam Đinh Hùng đã từng có câu thơ rất hay: "Chúng ta đi vào lá hoa tình sử, Hơi thở em hòa sương khói Đường thi”. “Lá hoa tình sử” là nói đến mối thiên tình sử có một không hai giữa Đường Minh Hoàng với Dương Quí Phi. “Sương khói Đường thi” gợi cho chúng ta nhớ đến hơi sương, màu khói trong thơ Đường mà tiêu biểu là hai câu cuối trong bài thơ nổi tiếng “Hoàng Hạc lâu” của thi hào Thôi Hiệu (704-54): "Quê hương khuất bóng hoàng hôn, trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (Nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang  thượng sử nhân sầu).

Vì sao thơ Đường phồn vinh? Từ bao đời nay câu hỏi này đã được giải đáp. Đó là nguyên nhân chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội đời Đường ưu việt tạo điều kiện cho mảnh đất thơ Đường màu mỡ, cây cối thơ Đường xanh tốt ra hoa kết trái và tỏa ngát hương thơm. Trong nguyên nhân xã hội, vai trò của tôn giáo mà cụ thể ở đây là “Tam giáo” (Nho, Phật, Lão) rất lớn mà người đời ghi nhận. Nói đến Phật giáo truyền bá vào Trung Quốc đời Đường trước hết phải nói đến bậc đại sư “truyền giáo” nổi tiếng là Huyền Trang (596-664) và Nghĩa Tĩnh ( ? - ?). Huyền Trang họ Trần, người huyện Hầu Thị, Lạc Châu (nay thuộc tỉnh Hà Nam), 13 tuổi xuất gia, năm 27 tuổi ông đã đi khắp đất nước để tìm hiểu đạo pháp. Năm 629, lúc 29 tuổi, từ Trường An theo “Con đường tơ lụa”, Trần Huyền Trang sang Ấn Độ “thỉnh kinh”. Đi 5 vạn dặm, vượt qua muôn vàn khó khăn, Huyền Trang đã đến  Ấn Độ  và ở lại đây nghiên cứu,  học tập 5 năm.  Nơi ông ở là chùa  Na Lan Đà - một trung tâm Phật học nổi tiếng của Ấn Độ. Năm 645, sau khi làu thông Phât học, Trần Huyền Trang về nước. Lúc này ông đã 45 tuổi. Huyền Trang về đến chùa  Hoằng Phước ở kinh đô Trường An (tỉnh Thiểm Tây). Khi trở về, Huyền Trang đã dùng 20 con ngựa chở 520 gói kinh, tượng Phật, Phật giáo Đại Tiêu thừa, tổng cộng 657 bộ. Dưới sự chủ trì của ông, triều đình nhà Đường mở trường dịch kinh Phật. Huyền Trang  bỏ ra 19 năm dịch. Ông dịch xong 75 bộ kinh Phật, gồm 335 quyển.

Năm 664, Huyền Trang qua đời, triều đình tổ chức quốc tang, ba nghìn Tăng Ni Phật tử dựng lều trại ở cạnh mộ thầy 3 năm sau mới đi nơi khác. Huyền Trang là một bậc quốc sư, nhà văn hóa Phật giáo vĩ đại đời Đường. Cuộc đời của ông là một huyền thoại  mà đến đời Minh,  nhà văn Ngô Thừa Ân (1500?-1581?) đã miêu tả trong tác phẩm Tây du ký bất hủ và những bộ kinh Phật do Huyền Trang phổ biến đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thơ Đường. Chùa Phật ở thời Đường mọc lên như nấm, người sùng kính và đi theo Phật ngày càng đông. Hà Nam, Tứ Xuyên và Thiểm Tây là nơi có không khí trọng Phật  sôi nổi nhất. Các nhà thơ chịu ảnh hưởng của Phật giáo ngày càng nhiều. Hai nhà thơ “sơn thủy điền viên” nổi tiếng là Vương Duy và Mạnh Hạo Nhiên mang dòng máu Phật giáo rất sâu đậm.

Vương Duy,  tự Ma Cật, người đấy Kỳ, Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây), cha mất sớm, mẹ họ Thôi, ở Bác Lăng thờ Phật hơn 30 năm và có ảnh hưởng Phật giáo đối với ông từ nho. Sau này, tuy làm quan  nhưng  lúc nào Vương Duy cũng nghĩ về đạo Phật, “mỗi lần bãi triều về thì đốt hương ngồi một mình đọc kinh niệm Phật”. Điều đó giải thích vì sao trong thơ “Sơn thủy điền viên” của Vương Duy nhuốm màu “thanh tĩnh” của đạo Phật và ông đem đạo lý của nhà Phật ký thác vào cảnh vật thiên nhiên. Những chữ “sắc thu”, “mây tạnh” trong thơ của ông đều là cái cớ để “thi Phật” họ Vương bộc lộ ý niệm của mình về Phật pháp. Bài thơ “Yết tuấn thương nhân” là một bài thơ tiêu biểu có liên quan đến đạo Phật của Vương Duy. Vì chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Phật và tư tưởng của Lão Trang nên Vương Duy không màng đến danh lợi và luôn luôn cảm thấy vô vị của “phù thế công danh”. Ông canh cánh bên lòng lời dạy “chư hành vô thường” của đạo Phật. Vương Duy sống giản dị: nhà cửa đơn sơ, đồ đạc vỏn vẹn chỉ một chiếc võng, dăm chiếc ghế, ăn thì chay trường, mặc thì áo vải, ngày ngày tụng kinh, đàm thiền với mấy vị  đạo hữu, sư sãi.

Một nhà thơ Đường cũng chịu ảnh hưởng của đạo Phật sâu sắc, đó là thi hào Bạch Cư Dị thời Trung Đường. Ba người chịu ảnh hưởng ba tôn giáo khác nhau. Lý Bạch sùng bái đạo Lão, Đỗ Phủ tôn thờ đạo Nho, còn Bạch Cư Dị yêu mến đạo Phật. So với Lý Bạch và Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị có nhiều ưu thế hơn. Ông đậu tiến sĩ năm 30 tuổi và làm quan 40 năm cho nhà Đường. Năm 815, ông dâng sớ “xin  mau mau bất giác, để rửa nhục cho đất nước” (Cựu Đường thư bản truyện) nên bị  vua giáng chức và đổi làm  Tư mã ở vùng sâu vùng xa Giang Châu thuộc tỉnh Giang Tây. Tư mã là chức quan nhàn tản chẳng có việc gì làm, do vậy ý chí  của ông dần dần suy giam. Từ nhỏ vì chịu ảnh hưởng của đạo Phật nên lúc này Bạch Cư Dị quay về với cuộc sống của người tu hành. Ông dựng một mái nhà tranh bên cạnh chùa Đồng Lâm ở dưới chân núi Hương Lô thuộc dãy Lư Sơn để tu tiên học Phật. Hương Lô ở phía Bắc tỉnh Giang Tây, phía Nam thành phố  Cửu Giang. Chu vi của núi gần  250km. Thời trước thi hào Lý Bạch đã từng đến du sơn ở đây và ngây ngất trước cảnh đẹp uy nghiêm hùng vĩ của núi Hương Lô mà làm bài thơ “Vọng Lư sơn bộc bố” (Ngắm thác núi Lư) với những câu thơ giàu sức tưởng tượng: “Nắng rọi Hương Lô khói tía bay, Xa trông dòng thác trước sông  này. Nước bay  thẳng xuống ba ngàn thước, Tưởng dải  Ngân hà tuột khỏi mây” (Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên, dao khan bộc bố quải tiền xuyên. Phi lưu trực há tam thiên xích, nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên). Hương Lô là một trong những trung tâm Phật giáo của Trung Quốc từ bao đời. Chùa trong núi nhiều, có đến hơn  380 ngôi, trong đó tiêu biểu có các chùa  Đông Lâm, Tây Lâm và Đại Lâm, gọi là “tam đại danh tự” (ba ngôi chùa lớn nổi tiếng). Thời gian ở gần chùa Đông Lâm, tư tưởng Phật giáo của Bạch Cư Dị càng sâu đậm. Ông thích núi non và yêu chốn Phật thiền đến mức kỳ lạ. Từ chức Tư mã ở Giang Châu, Bạch Cư Dị được thăng lên chức Thứ sử ở Trung Châu. Trung Châu cũng là một ấp nhỏ ở miền núi, đi lại rất khó khăn. Trong bài thơ “Mộc liên thu đồ”, ông đã  than thở rằng “Trời vứt ta vào rặng núi sâu”. Năm 825 ông lại được đổi làm Thứ sử ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô ). Cuối đời, Bạch Cư Dị lui về ở Lạc Dương (tỉnh Hà Nam). Ông tu sửa chùa Hương Sơn, tự xưng là Hương Sơn cư sĩ, sống những giờ phut cuối đời thanh thản ở nơi cửa Phật chẳng vết bụi trần. Bạch Cư Dị mất đi, nhân dân vô cùng thương tiếc. Người đưa tang ông trắng khắp cánh đồng, trong đó không biết bao người tu hành mặc áo cà sa. Ông già bà lão khóc đưa tiên ông như trẻ thơ.

Vương Duy và Bạch Cư Dị là hai trong số các nhà thơ đời Đường chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo về mọi mặt. Sự giao hòa giữa Phật giáo và thơ Đường  trước hết là ở sự nhận thức và hành động của bản thân mỗi người. Mỗi người đến với Phật giáo bằng nhiều  con đường và phương pháp khác nhau. Vương Duy và Bạch Cư Dị cả đời gắn bó với  Phật giáo và họ sống, tu thân, tích đức như  những Phật gia.Từ nhận thức, tình cảm cac nhà thơ Đường bộc lộ niềm cảm hứng thiêng liêng của mình đối với đạo Phật bằng những vần thơ dạt dào cảm xúc và sâu lắng tự đáy lòng. Nhiều nhà thơ Đường thích chơi núi, ngắm sông, đắm mình trong cảnh non xanh  nước biếc. Không ít nhà thơ lúc có tâm trạng, nỗi niềm  thường đến chùa vãn cảnh, dâng hương, niệm Phật. Biết bao ngôi chùa nổi tiếng của đời Đường đã đi vào thơ ca. Chùa Từ Ân, chùa Hàn Sơn, chùa Đông Xuân, chùa Hương Sơn, chùa  Linh Ân đã được các nhà thơ miêu tả với niềm cảm hứng rất tự nhiên làm cho người đời và hậu thế  vô cùng rung cảm. Ngôi chùa Hàn Sơn (tỉnh Giang Tô) bình thường ở ngoại thành Tô Châu gần  cầu Phong Kiều, bên cạnh Đại Vận Hà, xây dựng từ thời Nam triều (502-519) nhờ có bài thơ  “Phong Kiều dạ bạc” (Đêm đậu  thuyền ở bến Phong Kiều) của thi sĩ Trương Kế mà trở nên nổi tiếng:
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
(Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa
Hàn San - Tản Đà dịch).

Chùa Hàn San thanh vắng và tiếng chuông chùa ngân vang trong đêm khuya mà thi sĩ tài danh Trương Kế diễn tả đã làm rung động lòng người từ bao đời nay. Đọc cac bài thơ như: “Thiền” (Thiền) của Ngu Thế Nam (558-638) , “Vịnh Thiền” của Lạc Tân Vương (636?-695?) hay “Thiền” của Lý Thương An (813? - 858?) chẳng riêng các bậc tu hành cảm nhận sâu xa mà người thường cũng thấy lòng mình nao nao  khi nghĩ về đạo Phật từ bi, bác ái. Nếu như  “Thi tiên” Lý Bạch sùng bái đạo Lão mà thổ lộ rằng: “Lên núi tìm tiên xa chẳng ngại” thì các thi nhân đời Đường chịu ảnh hưởng của đạo Phật luôn luôn tâm niệm đến lòng từ bi, hy xả của đạo Phật. Chốn cửa Phật, sân thiền, nơi núi cao thanh tú là nơi mà họ thường lui tới. Tâm linh của các nhà thơ đời Đường nhuốm màu Phật giáo và thơ ca của họ cũng vì thế mà rung động lòng người từ bao đời nay.

Phật giáo đi vào thơ ca, thơ ca trở về với Phật giáo và cứ như  thế thơ Đường luôn luôn trường cửu, vĩnh hằng với cuộc sống con người  ở mọi quốc gia, mọi thời đại từ hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.