Giảm quy mô lễ hội “Khai bút, cầu trí tuệ”, ngừng lễ hội chùa Cầu Muối

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An, trụ trì chùa Đại Tuệ (Nam Đàn, Nghệ An) cho Giác Ngộ online biết lễ hội “Khai bút, cầu trí tuệ” đầu năm tại chùa Đại Tuệ sẽ giảm quy mô.

“Để đảm bảo các điều kiện về công tác phòng dịch Covid-19, ban tổ chức điều chỉnh hình thức, không tập trung người. Nhà chùa sẽ bố trí nhiều điểm rửa tay sát khuẩn và phát khẩu trang y tế” Thượng tọa nói.

Lễ hội này là hoạt động văn hóa thường niên của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An, tổ chức từ năm 2012, vào ngày mùng 5 Tết.

Lễ hội “Khai bút, cầu trí tuệ” tại chùa Đại Tuệ diễn ra vào ngày 5 tháng Giêng hàng năm

Lễ hội “Khai bút, cầu trí tuệ” tại chùa Đại Tuệ diễn ra vào ngày 5 tháng Giêng hàng năm

Lễ hội “Khai bút, cầu trí tuệ” đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng nhất của chùa Đại Tuệ dịp đầu xuân, thể hiện sự trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, mở mang trí tuệ, giáo dục cho con cháu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Chùa Đại Tuệ tương truyền có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân xâm lược nhà Đường. Đến thế kỷ thứ XV, ngôi chùa này được Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ - người có công giúp Hồ Vương xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh.

Chùa cổ Đại Tuệ thờ Phật bà Đại Tuệ mang ý nghĩa đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiếm, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật bà Đại Tuệ, ghi dấu Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An, đồng thời nhắc nhở mỗi người nhớ về luật nhân quả, tự tu dưỡng thành tâm hành động bằng những việc chân - thiện - mỹ.

* Huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cũng đã có công văn dừng tổ chức lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối. Theo kế hoạch, hàng năm lễ hội sẽ khai mạc vào ngày 4 tết, gồm phần lễ và phần hội.

Phần lễ có lễ cầu phúc, cầu lộc, cầu tài... Phần hội gồm các trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, văn nghệ…

Cụm Di tích Lịch sử - Văn hóa đình, đền, chùa Cầu Muối nằm trên địa bàn xóm Cầu Muối, xã Tân Thành được xây dựng từ năm 1719 vào thời Hậu Lê, đời vua Lê Dụ Tông.

Cụm Di tích gồm: đình Cầu Muối thờ Thành hoàng làng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh), một danh tướng có công giúp vua Lý chống giặc Tống xâm lược; chùa Cầu Muối thờ Phật; đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn; đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây từng là nơi đóng quân, huấn luyện của Đại đoàn 308 và Sư đoàn 304…

Với những giá trị lịch sử đó, năm 2005, cụm di tích đình, đền, chùa Cầu Muối được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Theo đại diện Lãnh đạo Ban quản lý hội đình - đền - chùa Cầu Muối, việc dừng tổ chức lễ hội vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của người dân. Theo đó chỉ dừng tổ chức các hoạt động phần hội có tập trung đông người để phòng chống dịch, phần nghi lễ vẫn được tổ chức theo phong tục.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.