GNO - Tôi hâm mộ Phật giáo từ con đường văn chương. Với vốn sống mỏng manh của sinh viên năm tư ngành Sư phạm Ngữ văn, tôi được Tiến sĩ Nguyễn Kim Châu - Trường Đại học Cần Thơ hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, đề tài Ngôn từ nghệ thuật trong thơ thiên nhiên đời Trần. Đây là một đề tài khó, cần phải có những căn cơ về tri thức văn học, ngôn ngữ học lẫn triết học của Phật giáo Thiền tông.
Để có thể tiếp cận vấn đề mà luận văn đặt ra, theo sự hướng dẫn của thầy, tôi đã tìm đọc trực tiếp thơ đời Trần qua công trình Thơ văn Lý - Trần nổi tiếng của Viện Văn học, đọc chuyên luận cần phải nghiên cứu đặc trưng thơ thiền Lý Trần qua nhiều công trình, bài viết như: Văn học Phật giáo thời Lý - Trần diện mạo và đặc điểm (Nguyễn Công Lý), Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ thiền Việt Nam thế kỉ X-XV (Đoàn Thị Thu Vân)… Và có lẽ từ đó, những tư tưởng uyên áo của Phật giáo Thiền tông đã thấm vào tâm hồn tôi. Tôi bắt đầu yêu thích thơ thiền của cả Việt Nam, Trung Hoa và thơ thiền của Nhật Bản.
Thiền sư Ba-sô đã để lại trong tôi nhiều suy ngẫm thú vị khi tôi được tiếp cận với thơ Haiku thấm đẫm chất Thiền của ông.
Rời trường sư phạm, dấn thân vào nghề giáo với biết bao bộn bề công việc, áp lực của cuộc sống. Tôi muốn trú ngụ tâm hồn mình vào một chốn bình yên để có thể suy nghiệm về cuộc sống. Tôi chọn thơ ca. Và những bài thơ viết về vẻ đẹp tâm linh của chùa chiền, của những chứng ngộ lẽ Vô thường của kiếp nhân sinh, những giá trị đẹp của văn hóa Phật giáo đã được tôi đưa vào thơ ca.
Những đứa con tinh thần của mình, tôi đã tin tưởng và gửi đến Giác Ngộ. Lẽ tất nhiên, không phải lần đầu gửi đến đã được Giác Ngộ đăng, tôi nhận thức được những yếu kém của mình và cố gắng hoàn thiện.
Một buổi chiều cách đây 5 năm anh bưu tá trao tay báo biếu của Giác Ngộ. Cầm tờ báo trên tay mà tôi sung sướng. Tôi được đăng bài thơ đầu tiên trên Giác Ngộ, bài thơ Gửi Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt.
Mới đó mà đã 5 năm, thơ của tôi được Giác Ngộ chọn đăng trên nhiều số. Tuy nhiên mỗi lần được đăng tâm trạng tôi đều vui mừng như "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy / Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên" (Thế Lữ).
Toà soạn có sự chu đáo hết mực đối với cộng tác viên. Khi bài được đăng, tòa soạn ngoài chuyện chuyển khoản nhuận bút và báo biếu như thông lệ. Trong mỗi tờ báo đều có kèm theo Thư cảm ơn với sự trân trọng chân thành đối với sự cộng tác của tác giả.
Báo trân trọng sự đóng góp của cộng tác viên - những "nhà báo không thẻ" - Ảnh: L.Đ.L
Tôi học được nhiều điều hay từ tờ Giác Ngộ. Triết lí Phật học vốn uyên áo thâm sâu thế nhưng đã được các tác giả, vốn là những bậc chân tu có quá trình nghiên cứu Phật pháp lâu dài trình bày bằng sự giản dị nhất có thể để những độc giả là Phật tử dễ dàng tiếp nhận cũng như những ai đang tu tập có thể dễ dàng ngộ lý. Đồng thời, những bài viết mang tính ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống thường nhật luôn là những bài viết hấp dẫn tôi. Bởi lẽ những điều tưởng chừng như giản dị ấy, nếu mỗi người đều cố gắng làm theo thì duyên Thiện lành sẽ được ươm mầm và trưởng thành xanh tốt trong đời sống tâm hồn của con người.
Đặc biệt, với trách nhiệm góp phần hoằng pháp những lẽ nhiệm màu, thiện lành của đạo đức và văn hóa Phật giáo trong giới trẻ. Giác Ngộ đóng vai trò như một cầu nối kết nối qua chuyên mục Phật giáo - Tuổi trẻ.
Xét về khía cạnh thông tấn truyền thông, Giác Ngộ cũng đã cung cấp cho độc giả những cập nhật mới nhất về những Phật sự diễn ra ở trong và ngoài nước. Giác Ngộ cũng là diễn đàn cho những tấm lòng thiện nguyện lan tỏa tình yêu thương đối với những mảnh đời cơ nhỡ cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Bên cạnh đó, với những lời tư vấn nhiệt tình, sâu sắc, thấu tình đạt lí của Tổ Tư vấn đã giúp cho nhiều người thoát khỏi mê lầm mà quay lại với Chánh pháp.
Nhân dịp báo Giác Ngộ sắp kỷ niệm 45 năm ngày ra số đầu tiên (1-1-1976 - 1-1-2021), tôi xin gửi đến quý báo lời tri ân sâu sắc. Tôi rất mong quý báo mãi giữ tôn chỉ hoạt động đã đề ra với mục tiêu "Tốt đời đẹp đạo"; là nơi gieo duyên lành đến đông đảo quý Ni Tăng, Phật tử và những người hâm mộ đạo Phật.
Trầm Thanh Tuấn
(GV Trường THPT Long Hiệp, huyện Trà Cú, Trà Vinh)