GNO - Mùa an cư PL.2560 đã về, năm nay, toàn thành phố có 6.475 Tăng Ni đang cấm túc an cư trên 23 quận huyện. Mùa an cư cũng là mùa Tăng Ni tịnh tu trong ba tháng nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi giới-định-tuệ, giữ gìn quy củ tòng lâm, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội.
Tác giả T.Quảng Kiến viết trên trang Xã luận Giác Ngộ số này với bài Tịnh hóa tam nghiệp trong tinh thần an cư kiết hạ. “Hễ pháp an cư còn tồn tại thì Tăng-già còn tồn tại; pháp an cư mất đi thì Tăng-già suy bại, nếu còn, thì chỉ là cái vỏ trống rỗng, vô giá trị” - tác giả nhấn mạnh, hiểu thêm về bài viết, bạn đọc tìm đọc trên trang 3 số này.
Bìa Giác Ngộ số 84 - Mỹ thuật: HS.Nhuận Thường
Mùa an cư cũng là dịp người Phật tử nương theo chư Tăng, Ni tu tập trong ba tháng, trong đó việc tích cực ngoại hộ cho các trường hạ để chư Tăng Ni yên tâm trong các trú xứ cũng đem lại nhiều phước báu. Tác giả Thích Nguyên Hùng đã viết trên trang Phật học số này về Thân cận thiện sĩ, khẳng định người Phật tử tại gia (cư sĩ) cũng có thể đạt đến quả vị “Phật đà”, bằng cách phát tâm Bồ-đề, tự lãnh trách nhiệm hộ trì Chánh pháp, gọi là tu tập Bồ-tát hạnh. Tác giả khuyên:“bước chân khởi đầu của người cư sĩ vẫn là sự quay về nương tựa Tam bảo để trở thành một người Phật tử… Thân cận thiện sĩ là bước chân đầu tiên người Phật tử dự vào dòng Thánh, bởi từ đó người Phật tử được nghe, được học, được thấy những phẩm chất cao thượng mà họ không thể tìm thấy ở giữa cuộc đời trần tục”. Bạì viết rất hay và thú vị dành cho người tu tại gia, kính mời bạn đọc đón để tìm hiểu thêm…
Dư âm mùa Phật đản vẫn còn trong trái tim của triệu triệu Phật tử, Giác Ngộ số này giới thiệu truyện ngắn hay của Nhà văn Nguyên Hương với tác phẩm “Xe hoa” trên Văn nghệ. Với lời văn mộc mạc, Nhà văn đưa bạn đọc đến thế giới tâm linh của người con Phật miền quê xa với bao khó khăn, nhưng họ vẫn khao khát mùa Phật đản có bóng dáng xe hoa diễu hành trên đường đất thô, len bên cánh rừng cao su… Xe hoa là “thứ ánh sáng”, thế giới Đức Phật đầy nhiệm mầu mà Phật tử ở quê xa vẫn khát ngưỡng, hằng mong mỗi mùa Phật đản về sẽ được chiêm bái, trực tiếp nhìn ngắm. Đọc truyện ngắn hay này để biết thêm về thế giới màu nhiệm ấy…
Khi ta chết thì ta sẽ về đâu: địa ngục hay cõi nào? Và, Địa ngục có thật không? - câu hỏi rất thường gặp này sẽ được Tổ Tư vấn trả lời trên Giác Ngộ số này.
HỎI: Tôi được biết trong lục đạo có trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Nhưng một lần nghe pháp, một vị thầy nói là không có địa ngục, vậy địa ngục có thật không? Và, sau khi chết thì đi đầu thai ngay, không hề có việc trải qua 49 ngày, điều này đúng không? Đức Phật có thực sự phù hộ không vì mọi việc đều do nghiệp của mình quyết định? Tôi cũng có nghe một vị thầy giảng việc xây chùa, đúc tượng Phật là vô ích, không nên thờ xá-lợi Phật, vậy có đúng không? Có phải việc làm phước của tôi là vô ích? Cuối cùng cho tôi hỏi, nên xem kinh điển nào? Vì có vị thầy cho rằng kinh Dược Sư, kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng là ngụy tạo. Hiện tại tôi cũng rất hoang mang không biết đúng sai thế nào. Mong được quý Báo sẻ chia.
(NHẬT THUẦN, sk9a1r@gmail.com
Số này đăng tiếp phần cuối bài giảng tại chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình, TP.HCM của HT.Thích Trí Quảng “Nuôi dưỡng tín tâm”.
Ngoài ra, Giác Ngộ số 847 ra ngày 27-5 còn nhiều bài viết hay, tin tức thời sự rất đáng quan tâm trên các chuyên trang khác…
Kính mời bạn đọc đón xem!
Liên hệ mua và đặt báo: Phòng Phát hành Báo Giác Ngộ, 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM - ĐT: (08) 393 00675 - 393 06982 - DĐ: 0932059528. |