Giác Ngộ số 649 có gì đáng quan tâm?

GNO - Trang 3 có bài Xin đừng hạ thấp giá trị văn hóa-tâm linh. Bài của tác giả Minh Mẫn, nhân đề nghị “Triển khai thu phí tham quan Khu di tích Yên Tử nhằm mục đích “tạo nguồn kinh phí chủ động chi cho công tác hoạt động quản lý, bảo tồn và một phần để đầu tư trùng tu, tôn tạo Khu di tích danh thắng Yên Tử” của chính quyền TP.Uông Bí, Quảng Ninh.

bia649.jpg

Bìa GN 649 - Thiết kế: HS Nhuận Thường

Cũng là vấn đề thời sự, Câu chuyện trong tuần kỳ này giới thiệu góc nhìn về hạnh phúc, nhất là khi tin tức về việc Việt Nam được xếp hạng hạnh phúc thứ hai trên thế giới theo đánh giá của Quỹ kinh tế mới (NEF) vừa được công bố. Mời bạn đọc theo dõi trên trang 4-5, bài Hạnh phúc tùy cách nhìn!.

Tin thời sự, tường thuật chuyến thăm của lãnh đạo PG TP.HCM tới các trường hạ tại 24 quận, huyện thuộc TP và nhiều tin đáng chú ý khác.

Trang Văn hóa có bài Chứng tích về nơi sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đó là nơi nào? Mời bạn đọc theo dõi qua bài viết của CTV Chu Minh Khôi, trên trang 10.

Như thường lệ, trang Phật học đăng tiếp theo bài giảng của HT.Thích Trí Quảng, nhan đề Đời sống chân linh. Ngoài ra, còn có bài của tác giả Huệ Bá, trả lời cho câu hỏi xưa nay: Phật giáo có duy tâm?

Trang Phật giáo - Tuổi trẻ kỳ này có bài phỏng vấn của PV Giác Ngộ về chương trình Tiếp sức mùa thi do Phật giáo tổ chức. HT.Thích Đạt Đạo, Trưởng BTC trả lời và có nhận định rằng: Chương trình đã tạo nên hiệu ứng tốt đẹp!

Kẻ tăng thượng mạn, là truyện ngắn của Phan Minh Đức, đăng trên trang Văn nghệ.

Trang Tư vấn kỳ này, Tổ Tư vấn báo Giác Ngộ trả lời câu hỏi của bạn Trí Lực, nội dung hỏi như sau: Tôi năm nay 24 tuổi, thường trú tại TP.Đà Nẵng. Hiện tôi đang học cao học Văn hóa học (lý luận văn hóa) tại Viện KHXHVN, Hà Nội (tháng 10-2013 sẽ tốt nghiệp). Gia cảnh tôi khá tốt, song thân phụ mẫu, ông bà nội ngoại vẫn còn, tôi là con trai trưởng và duy nhất của gia đình. Trước đây tôi là người theo chủ nghĩa vô thần, luôn cho rằng mọi vấn đề dù lớn, dù nhỏ đều có thể lý giải và giải quyết bằng duy lý. Nhưng khi đối mặt với thế giới rộng lớn, tôi đã thấy suy nghĩ của mình sai. Với một tâm hồn khá nhạy cảm về những bất công, những phận người trong xã hội, những nỗi khổ đau của bản thân và chúng sinh trong vòng vô thường, tôi đã đến với Phật giáo như một căn duyên tiền định.

Tìm hiểu kinh sách, qua những lần trao đổi với chư vị Tăng Ni, những giáo lý thâm sâu mà rất đỗi dung dị của nhà Phật đã thấm vào tôi từng ngày. Trong thâm tâm tôi đã giục giã tôi đến dưới chân đấng Giác Ngộ để mà tu tập và phụng sự. Hiện tôi thật lòng rất muốn xuất gia tu tập theo pháp môn Tịnh độ. Tôi đã trình bày nguyện vọng này với song thân và những người thân xung quanh. Ban đầu có những ý kiến phản đối nhưng khi thấy quyết tâm của tôi lựa chọn con đường này thì song thân tôi cùng đại đa số người thân đã đồng ý với quyết định của tôi.

Điều tôi mong muốn quý Báo trợ duyên cho tôi biết những nơi và những bước tiếp nhận tôi xuất gia tu tập theo pháp môn Tịnh độ tại Đà Nẵng. Đồng thời tôi cũng muốn hỏi thêm rằng hiện việc học cao học của tôi còn dang dở, nếu có căn duyên được xuất gia từ bây giờ thì liệu tôi có được tạo điều kiện hoàn thành khóa học không? Hay tôi nên đợi đến lúc tốt nghiệp rồi mới xuất gia? Và ngành học của tôi có thể phụng sự được cho Phật pháp về sau không?

Kính mời bạn đọc đón theo dõi!

Bạn đọc quan tâm tìm đọc báo Giác Ngộ số 649 ra ngày 7-7 tại các sạp báo và hệ thống phát hành báo chí cả nước, hoặc liên hệ Phòng Phát hành Giác Ngộ để đặt báo dài hạn. ĐT: 08.39300675 - 39306982.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.