Giác Ngộ online có giao diện hiện đại, truy cập nhanh

Giác Ngộ online có giao diện  hiện đại, truy cập nhanh

GN - Đó là nhận xét của ThS.Phan Văn Tú (ảnh), Trưởng Bộ môn Các phương tiện truyền thông điện tử (khoa Báo chí & Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) về Giác Ngộ online. ThS Phan Văn Tú cho biết:

- Thời đại internet cho phép thông tin được truyền tải trên một môi trường khác “vật liệu mang thông tin” theo kiểu cũ (như giấy in chẳng hạn). Sự phân chia các loại hình báo chí theo lý thuyết cũ có vẻ không còn phù hợp.

Steve Ballmer, Tổng Giám đốc Microsoft dự báo rằng trong vòng 6 năm nữa, tất cả các loại hình truyền thông sẽ được phân phối trên nền tảng IP, dạng thức điện tử và sẽ không còn báo giấy. Cùng với ý kiến trên, tỷ phú truyền thông, Chủ tịch Tập đoàn News Corp, ông Rupert Murdoch, cũng khẳng định rằng gần như tất cả tờ báo sẽ được số hóa trong thập kỷ tới. Những tiên đoán của các chuyên gia này giờ đây đang được minh chứng khi công nghệ máy tính bảng hay điện thoại thông minh đang phát triển cực nhanh.

Nội dung báo chí hiện nay bắt đầu có những thay đổi trong quy trình sản xuất cho phù hợp với cách tiếp nhận thông tin trên những thiết bị mới. Công nghệ “di động” tạo ra một thói quen “đọc” báo mới. Thói quen, hành vi của “khách hàng thông tin” đang đòi hỏi nội dung thông tin phải có sự thay đổi về hình thức cho phù hợp.

Trong vai trò là người làm chuyên môn, ông có những nhận xét như thế nào về báo mạng ở Việt Nam hiện nay nói chung?

- So với sự ra đời của internet và báo online của thế giới, báo chí trực tuyến xuất hiện ở Việt Nam chậm hơn và 16 năm chưa phải là chặng đường dài so với lịch sử của các loại hình báo in, báo nói, báo hình song tốc độ phát triển của nó lại quá nhanh và các vấn đề liên quan đến loại hình báo chí mới mẻ này hết sức phong phú, đa dạng.

Giao dien GNO.jpg

Giao diện Giác Ngộ online theo ThS.Phan Văn Tú nhận xét là hiện đại

Theo dõi báo mạng thời gian gần đây, tôi nhận thấy có một số biểu hiện vi phạm đạo đức nổi cộm như: xu hướng giật gân, câu khách, đưa tin cường điệu hóa, thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu cân bằng, công bằng; đưa thông tin thiếu thiện chí, thiếu cái tâm; đưa thông tin phỉ báng cá nhân do cẩu thả, thiếu thận trọng. Vi phạm đạo đức dễ thấy và phổ biến trong một số website báo chí hiện nay là tình trạng ăn cắp bản quyền; xào nấu lại các thông tin trên trang cá nhân, trên mạng xã hội thiếu kiểm chứng, đặc biệt là các thông tin liên quan đến chuyện hậu trường giới show biz, người nổi tiếng.

Nhưng nhìn chung, tình trạng vi phạm đạo đức nghề này chỉ phổ biến trong một số nhóm website báo chí và các trang điện tử “tự làm báo”, làng báo chính thống luôn có nhiều cách tự điều chỉnh mình - ThS.Phan Văn Tú

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng trên 50 báo điện tử và hơn 2.500 trang thông tin điện tử đang hoạt động. Phần lớn các tờ báo in của các ngành, đoàn thể, địa phương, một số đài phát thanh, đài truyền hình trong nước đều có trang tin điện tử. Số lượng báo trực tuyến ở Việt Nam có tốc độ cập nhật cao, có sức thu hút “độc giả” cao chưa nhiều. Tuy nhiên, điều đáng mừng là trong hệ thống báo chí trực tuyến Việt Nam, đã có những báo thành công về thu hút người sử dụng sánh ngang với nhiều website báo chí lớn trên thế giới.

Báo mạng phát triển như vũ bão trong những năm gần đây và làm khá tốt chức năng thông tin, giáo dục và giải trí trong đời sống tinh thần của cả nước.

Báo mạng Việt Nam có vai trò rất lớn trong việc  xây dựng hình ảnh và quảng bá thông tin Việt Nam ra thế giới, cung cấp thông tin cho người Việt ở nước ngoài, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, biểu dương cổ vũ nhân tố mới và đấu tranh, phê phán các hiện tượng tiêu cực…

Cùng với sự phát triển của hạ tầng viễn thông, cùng với số lượng thuê bao 3G và người sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng ở Việt Nam ngày một tăng lên, những năm gần đây, báo chí phát hành trên mạng ở Việt Nam có thêm một kênh mới: báo chí mobile. Báo trực tuyến Việt Nam cũng đã tìm tòi nhiều phương thức thể hiện nội dung tác phẩm phù hợp với thói quen dùng màn hình cảm ứng của công chúng.

Đứng ở góc độ công nghệ làm báo, báo mạng nước ta không thua kém gì các nền báo chí lớn trên thế giới. Nhưng, ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng thấy có những mảng tối của báo mạng trên môi trường online, đó là câu chuyện “lá cải hóa” nội dung thông tin, câu chuyện những trang mạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để “làm báo” câu lượng truy cập nhằm tăng doanh thu quảng cáo, đã góp phần làm bức tranh đời sống xã hội qua truyền thông cực kỳ u ám, đó là câu chuyện quản lý, câu chuyện bản quyền tác phẩm, câu chuyện độ tin cậy trong thông tin…

Một điểm yếu trong “làng báo mạng” chúng ta là ít khai thác tính năng tương tác - vốn được xem là thế mạnh của loại hình báo chí này - do thói quen của một thời làm báo bao cấp, do e ngại về độ “an toàn chính trị” trong thông tin. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc làng báo trực tuyến ít tạo ra “sân chơi” để công chúng cùng cộng tác, cùng làm báo. Trong khi đó, sự phát triển cực mạnh của mạng xã hội hôm nay vô tình trở thành mảnh đất màu mỡ để công dân tham gia truyền thông theo cách riêng của họ nên dẫn đến tình trạng mất trận địa trong thông tin ở nhiều sự kiện lớn.

Còn về Giác Ngộ online?

- Giác Ngộ online có giao diện hiện đại, tiện lợi cho người sử dụng, cấu trúc site đa dạng, tốc độ truy cập nhanh. Bước đầu, tôi có một góp ý là ở nội dung thông tin thời sự, báo nên hạn chế sử dụng ảnh có cỡ cảnh rộng, cần tăng cường các ảnh cận, ảnh có bóng dáng nhân vật con người để phù hợp với việc tiếp nhận trên các thiết bị có màn hình nhỏ và khai thác đặc điểm của online.

Mới liếc qua các tít bài thì thấy thông tin trên báo khá phong phú về hình thức nhưng có vẻ như tính chất báo chí của Giác Ngộ online còn ít, tỷ lệ các dạng bài thiên về văn nghệ, hoặc dạng viết tùy bút, chia sẻ cảm xúc, bài tư liệu nhiều hơn và tôi cũng chưa thấy báo khai thác tính năng phản hồi của công chúng cũng như tổ chức giao lưu trực tuyến…

Nhã An thực hiện

______________

* Đọc thêm:

>> Hòa thượng Tổng Biên tập gửi thư tới bạn đọc
>> "Nghề" công quả xếp báo của cô Bảy Quới
>> Tôi sớm có duyên với Báo Giác Ngộ
>> Tuổi 38, Giác Ngộ nhìn lại và hướng tới...
>>
Rơi nước mắt trong buổi họp mặt kỷ niệm 38 năm Báo Giác Ngộ
>> Với tôi, Giác Ngộ là bạn, là thầy...
>>
"Phần đông độc giả hài lòng về báo Giác Ngộ"
>>
Báo Giác Ngộ "dắt" tôi vào nghề
>>
Tôi yêu mến Giác Ngộ dù không là Phật tử
>>
Gửi gắm với Giác Ngộ tuổi 38

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.