Giác Ngộ nên sớm có ấn phẩm bằng tiếng Anh

GNO - Tôi có duyên được cộng tác với Báo Giác Ngộ từ những bước đầu cầm bút qua nhưng bản tin hay bài viết liên quan tới Phật giáo Khất sĩ, cho đến những chia sẻ về Phật giáo - Tuổi trẻ qua lăng kính của một người xuất gia. Nhân dịp 40 năm báo Giác Ngộ, tôi gửi gắm một vài suy nghĩ, mong ước của mình tới báo...

gml.jpg
Tác giả nhận giải báo chí do Hội Nhà báo TP.HCM
tổ chức (2013) tác phẩm:
Dự án "Cánh rừng xanh" của một nhà sư

Ngoài các buổi học chính thức, tôi thường đến thư viện của Trường Đại học MCU (Thái Lan), ở đó, tôi dễ dàng tìm được những tờ báo, tạp chí Phật giáo bằng Anh ngữ của các nước như: Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Tibet, Singapore,... Tôi thường được các sư bạn gởi tặng, giới thiệu các cuốn tạp chí Phật giáo mới ra như một món quà tinh thần cho những người bạn nước ngoài sống chung và cũng là cách giới thiệu về Phật giáo tại đất nước mình với người khác.

Tôi tự hỏi và tự trả lời là "không", vì chẳng có tờ báo, tạp chí nào bằng Anh ngữ của Phật giáo Việt Nam để tôi có thể giới thiệu - như một món quà để biếu lại cho những người bạn đó - để đủ dữ liệu và sự tự tin nói với các bạn rằng: "Phật giáo đã có mặt và đồng hành với dân tộc Việt Nam chúng tôi trên 20 thế kỷ và có những thời kỳ đạo Phật là quốc giáo".

Những lúc làm bài tập nghiên cứu và bài báo cáo về Phật giáo các nước, tôi khá dễ dàng tìm được nguồn tài liệu từ thư viện thông qua sách, tạp chí, báo bằng tiếng Anh. Còn các sư nước ngoài khi muốn tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam thì lại khá khó khăn do thiếu nguồn tài liệu và những thông tin hoạt động của Phật giáo Việt Nam bằng Anh ngữ.

Tôi nghĩ tới Giác Ngộ và tin rằng chỉ có Báo Giác Ngộ mới có đủ khả năng, kinh nghiệm để làm được điều này trong 2 phương diện:

1. Báo điện tử chuyên trang tiếng Anh độc lập - để kịp thời cung cấp các thông tin, Phật sự, tài liệu nghiên cứu và phổ biến văn hóa Phật giáo Việt Nam trên phương diện thông tin điện tử khi có ai muốn tìm hiểu và quan tâm, như chuyên trang Anh ngữ Báo Tuổi Trẻ (http://tuoitrenews.vn) và Báo Thanh Niên (http://thanhniennews.com) hoạt động hiện nay.

2. Ấn bản báo giấy hoặc tập san có thể phát hành một tháng 1 số bằng Anh ngữ đầu tiên mang tính chất lưu trữ lâu dài, quà tặng tâm linh, dữ liệu quan trọng để giới thiệu về một đạo Phật Việt Nam, hoặc các vị danh Tăng Phật giáo Việt Nam thông qua những bài viết để phổ biến giữa cộng đồng quốc tế.

Theo đó, hằng năm Giáo hội đều tham dự vào các diễn đàn và lễ hội Phật giáo tại các nước tổ chức - thì đây chính là món quà tinh thần ý nghĩa nhất để thay cho lời giới thiệu về Phật giáo Việt Nam cho những người bạn quốc tế đến tham dự lễ hội tại Việt Nam hoặc đến nước ngoài tham dự.

Đồng thời, gởi tặng ấn phẩm ấy tới các thư viện tại các trường Đại học Phật giáo tại các nước và các trường Đại học trong nước chuyên về Anh ngữ để phổ biến và cung cấp một nguồn tin và dữ liệu Anh ngữ Phật học không nhỏ trong việc tiếp cận một tờ báo Phật học bằng tiếng Anh từ nhu cầu học tiếng Anh tại Việt Nam hoặc một số nước châu Á đang nỗ lực tiếp cận.

Bên cạnh đó, cung cấp cho Tăng Ni sinh đang theo học phân khoa tiếng Anh Phật pháp tại Phật học viện và Tăng Ni đang có nhu cầu học tiếng Anh trong việc hỗ trợ hoằng pháp, du học và nghiên cứu sau này có được vốn tiếng Anh Phật học phong phú sau khi đặt báo và tiếp nhận báo mỗi tháng.

Ngoài ra, một số lượng lớn người Việt ở thế hệ hôm nay tại hải ngoại, đang khó khăn trong việc sử dụng tiếng Việt nên dẫn đến việc bỏ đạo và thờ ơ với Phật giáo, đặc biệt là văn hóa Phật giáo Việt Nam. Do vậy, thông qua tờ báo tiếng Anh Phật giáo của người Việt sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong việc hỗ trợ và giúp đỡ thế hệ sau này có thể tìm hiểu và tiếp cận giáo lý văn hoá Phật giáo Việt Nam bằng Anh ngữ thông qua tờ báo được đặt tại các chùa Việt Nam tại hải ngoại như sự biếu tặng hoặc phát hành.

Hiện nay toà soạn Báo Giác Ngộ có bộ phận phụ trách Phật giáo quốc tế, chuyên dịch và cung cấp các thông tin từ tiếng Anh sang tiếng Việt; vậy để thực hiện việc dịch tin tức Phật sự, bài viết, hay những bài pháp thoại của chư tôn đức từ tiếng Việt sang tiếng Anh để cung cấp cho hai phiên bản báo điện tử và báo giấy (mỗi tháng 1 số) là điều không khó.

Nếu làm được vậy, mỗi Tăng Ni, Phật tử... đã tốt nghiệp sau khi du học tại nước ngoài hoặc chuyên ngành Anh ngữ trong nước có được cơ hội để đóng góp sức mình trong việc dịch thuật, sáng tác và phổ biến văn hóa Phật giáo Việt Nam trên cộng đồng quốc tế.

Trên xu thế hoà nhập và phát triển chung của quá trình toàn cầu hóa thì việc cho ra đời tờ báo Giáo Ngộ bằng phiên bản tiếng Anh để thay cho tiếng nói Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng quốc tế là điều tất phải có - chỉ còn tùy thuộc vào thời gian và khi nào mới có đủ điều kiện để thực hiện. Tôi nghĩ, đây có thể là niềm mong chung, niềm tin gửi gắm của tất cả những ai yêu quý và đồng hành với Báo Giác ngộ như tôi...

Giác Minh Luật

* Giác Ngộ mong nhận được nhiều bài viết, hình ảnh nhân kỷ niệm 40 năm báo. Bài viết gửi về: toasoan@giacngo.vn hoặc bandocgiacngo@gmail.com. Bài sẽ được chọn đăng trên hai trang báo online mừng 40 năm báo Giác Ngộ và trên tuần báo Giác Ngộ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.