Huỳnh Anh đã chọn vào học ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Sài Gòn. Bốn năm dài, cô vừa học vừa bán vé số nuôi thân.
Năm 1998, Huỳnh Anh vinh dự được bầu chọn là Công dân tiêu biểu của thành phố. Năm 2001, cô tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ - Tin học Sài Gòn, khoa Công nghệ thông tin.
Nhận thấy những người khuyết tật được các cơ sở hướng nghiệp dạy nghề, họ có khả năng làm ra những sản phẩm có giá trị sử dụng nhưng ít được mọi người biết đến, Huỳnh Anh đã quyết định thành lập trang web làm cầu nối để sản phẩm của người khuyết tật tiếp cận người tiêu dùng. Tháng 4-2008, cô thành lập xong trang web sanphamcuanguoikhuyettat.com. Đây là trang web giúp người khuyết tật có nhiều cơ hội giới thiệu và bán sản phẩm do mình làm ra. Dù việc thành lập trang web mất nhiều thời gian và công sức, lại tốn tiền nhưng cô vẫn cố gắng thực hiện. Trang web của cô là sự chia sẻ và động viên rất lớn đối với người lao động khuyết tật. (Theo báo Tiếp Thị & Gia Đình)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Nhiều mảnh đời bất hạnh tưởng chừng như bị số phận vùi dập, nhưng bằng ý chí và nghị lực kiên cường họ đã vươn lên, chẳng những chiến thắng được bản thân, hoàn cảnh mà còn làm thăng hoa đời mình và góp phần điểm tô cuộc sống, khiến cho người khác không khỏi thán phục và ngưỡng mộ. Bạn Nguyễn Văn Long ở Vũng Tàu, một thanh niên khiếm thị học đến cao học ngành xã hội học, là giáo viên môn sử của trường dành cho học sinh khiếm thị. Bạn Nguyễn Công Hùng ở Nghệ An, bị liệt cả thân người, chỉ còn cánh tay phải và đầu có thể hoạt động, được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2005 v.v… Còn rất nhiều tấm gương vượt khó khác để cho mọi người soi rọi, họ như những đóa hoa tuyệt đẹp tô điểm cho cuộc đời. Có nhiều bài học quý giá mà chúng ta có thể rút ra từ những tấm gương như thế.
Đầu tiên là bài học về hạnh phúc. Những người bình thường chúng ta ít ai để ý quan tâm đến hạnh phúc mà mình có được. Một người bệnh hoạn, tật nguyền thấy rằng có được thân thể lành mạnh và sức khỏe tốt là hạnh phúc. Họ khao khát được làm việc, được cống hiến, nhưng đôi khi đó chỉ là mơ ước. Một số ít người có thể thực hiện được trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, đòi hỏi họ phải vượt lên chính mình bằng ý chí và nghị lực. Trong khi có không ít người bán rẻ cái hạnh phúc ấy, không thấy rằng có được cơ thể khỏe mạnh là một hạnh phúc to lớn, phung phí sức lực cho những cuộc ăn chơi vô độ, buông mình trong nghiện ngập, họ tự hủy hoại nguồn hạnh phúc mà mình vốn có.
Thứ hai là bài học giá trị cuộc sống khi chúng ta biết tận dụng nó, sống sao cho có ích. Có một danh nhân nói rằng:"Vì đời là một câu chuyện, nên điều cần thiết không phải là nó dài hay ngắn mà là hay hoặc dở mà thôi". Một câu chuyện dài không hẳn là một câu chuyện hay và một câu chuyện hay không nhất thiết là câu chuyện dài. Cuộc sống con người có ý nghĩa, có giá trị khi con người sống xứng đáng, sống thực sự, sống có ích cho mình và cho xã hội, dù đời sống có ngắn ngủi thì đó cũng là đời sống hữu ích.
Bài học thứ ba là sự tin tưởng, lạc quan. Không bi quan, chán nản khi lâm vào hoàn cảnh bất hạnh như bệnh hoạn, tật nguyền... Những bất hạnh đó có thể giúp ta hiểu hơn về cuộc đời, về tình người, và hiểu nên sống như thế nào cho có ích.
Sau cùng là bài học về sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, có thể giúp chúng ta khắc phục những khiếm khuyết của mình, thay đổi bản thân và cả số phận.