Giá mà... yêu thương thiệt thà

GNO - Tôi vẫn thường tự hỏi, về những cái kết đau lòng của những cuộc hôn nhân (có thể là chia tay hoặc dẫn tới những hành động nông cạn, gây ra chết chóc cho con cái, cho chính mình, cho người "đầu ấp tay gối" với mình) rằng, trước khi cưới họ có yêu thương nhau không?

giet con,tu tu.jpg
Báo Tuổi Trẻ Online đưa tin, bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Linh ở Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM vừa bị TAND TP.HCM tuyên 8 năm tù vì tội giết con gái ruột 2 tuổi. Theo cáo trạng, bị cáo vì ức chế tinh thần do bị chồng phản bội, nhậu nhẹt, la mắng nên muốn tự tử, nghĩ đến con còn nhỏ, sợ không ai chăm sóc nên đã giết con trước khi tự tử nhưng bất thành vì được cứu sống sau đó - Ảnh: C.Mai

Tôi trộm nghĩ, chắc phần nhiều là có yêu nhau. Yêu nhau để cưới. Yêu nhau mới cưới, chứ chẳng lẽ lại cưới người mình không yêu? Mà, nếu cưới người không yêu thì đương nhiên, kết cuộc của việc không thể lắng nghe, để hiểu và thương là mẫu số chung vốn dễ thấy của kết quả chia lìa dưới mọi hình thức là lẽ đương nhiên.

Còn yêu thương, từng yêu rồi mới cưới, và còn có với nhau những mặt con, được gọi tên là "kết quả tình yêu" thì căn cớ nào lại dẫn tới ly tan, chia lìa, chết chóc... như báo chí vẫn đăng (giận chồng, giết con, tự tử, ngoại tình, đốt vợ...)? Câu hỏi đớn lòng này nhiều "nhà" (tâm-sinh lý, xã hội...) đã lý giải nhiều, không ngoài quy trình: tham lam, muốn có thêm, thêm nữa của những người trong cuộc.

Hoặc, vì những khủng hoảng tình cảm, do không còn truyền thông với nhau, do bí bít khả năng lắng nghe, do cuộc sống thay đổi, chênh vênh, choáng váng đến mất phương hướng mà làm bậy bạ...

Ở một góc nhìn khác, tôi lại ngờ rằng, thực sự chắc họ... không thương nhau, mà chỉ là mê đắm, bị "hút" nhau bởi lực hút nào đó, tạm gọi là nghiệp lực?

Ngờ ngợ, thử quán sát bằng đôi mắt của nhà Phật để nhận diện những kết luận bề nổi ấy và rồi tôi thấy một bề chìm trong hành vi dẫn tới đau thương của những gia đình ấy chính là sự chi phối của những oán-ân nhiều đời, sự thúc bách của nghiệp lực, đẩy đưa họ vào quy trình mê hoặc nhau rồi đến chán ngán nhau.

Sự chi phối của nhân-duyên quá khứ dẫn tới những biểu hiện thực tại, được gọi là những duyên-cớ trước mắt chính là những cộng nghiệp xấu, những giềng mối quan hệ chồng chéo mà mỗi người không nhận ra, hoặc nhận ra mà thiếu sự dụng công thực tập sám hối nghiệp chướng, giải trừ phiền não, chế tác an vui... nên dẫn dắt đi vào "hố đen" của nghi ngại, bốc đồng, sân giận, thù hằn, che mờ hết tâm trí, dẫn tới hành động thiếu suy nghĩ, chứa đầy bạo động.

Tôi lại ước, giá như ai cũng học và hành giáo lý thương yêu, hiểu biết mà Phật dạy, để không manh động với mình và người, không nghĩ, nói và làm những điều có tính chất phá phách, hủy hoại thì hay biết mấy.

Tất nhiên, chỉ là giá như thôi, chứ nếu thật vậy thì xã hội sẽ tốt đẹp biết bao, khi "người với người sống để thương nhau", khi tham muốn không còn thôi thúc người ta bội phản, sinh sự, cướp đoạt mạng sống người khác, vật khác... Nếu quả thật như thế, thì câu chuyện gia đình, câu chuyện tình người sẽ được viết bằng những trang rất đẹp rồi, không phải là những trang viết đớn đau như dòng tít lạnh lùng trên báo, như "Hai mẹ con cô giáo chết thảm" hoặc "Giết con rồi tự tử không thành, lãnh 8 năm tù"...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.