Ghi nhận từ vùng lũ Tam Nông

GNO- Cơn lũ lớn năm 2011 đã làm 5 trẻ em chết đuối do gia đình bất cẩn và gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân trong huyện Tam Nông (Đồng Tháp) lên đến hàng chục tỷ đồng.  

Bên cạnh việc hỗ trợ lực lượng chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 868- Quân khu 9, 240 sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp, dân-quân thành phố Cao Lãnh… lãnh đạo Đảng và chính quyền huyện Tam Nông đã xuất kinh phí dự phòng trên 3,1 tỷ đồng và đề nghị tỉnh chi hỗ trợ 1 tỷ đồng phục vụ công tác chống lũ, huy động toàn lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ… tập trung ngày-đêm gia cố, khắc phục tình trạng sạt lở đường giao thông, vỡ đê và đào đắp-nâng cao các đoạn bờ bao xung yếu đang có nguy cơ sạt lở…

HT Thich Giac Thuan Vien chu Chua Nhu Lai Q Go Vap TPHCM trao qua CT cho dan ngheo HTN.bmp

HT.Thích Giác Thuận tặng quà cho người nghèo huyện Tam Nông

 Đồng thời, tổ chức chằng néo nhà cửa và di dời tài sản nhân dân đến nơi an toàn. Tuy vậy, cơn lũ chính vụ đã làm nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện sạt lở và hư hỏng nặng. Trong đó, tuyến Tỉnh lộ và lộ nông thôn bị sạt lở 23 km, 16.785m2 mặt đường bị hư hỏng nặng và 1 cây cầu bị sập, nhiều mố cầu bị sạt lở-hư hỏng… gây khó khăn trong việc lưu thông đi lại của mọi người. Toàn huyện Tam Nông còn có nhiều điểm trường bị sạt lờ phải gia cố và tạm đóng cửa cho 15.815 học sinh bậc Tiểu học và Trung học cơ sở phải tạm nghỉ học đến ngày 23-10-2011.

Hàng ngàn hecta ao, hầm nuôi thủy sản bị lũ ngập tràn, bà con phải sử dụng lưới cước cơi nới lên nhiều tầng để bảo vệ… Nước lũ còn làm sạt lở 150m bờ sông, làm sập, tốc mái và xiêu vẹo 19 căn nhà, có 1.414 hộ nhà bị ngập sâu cần phải di dời và đã di dời đến nơi an toàn được 648 hộ, chằng néo hơn 2.100 căn nhà.

Lũ lụt còn làm vỡ đoạn đê bao xã An Hòa, nhiều tuyến đê bao nước lũ đang ngấp nghé đe dọa nghiêm trọng hơn 3.000ha lúa Thu Đông trong giai đoạn trổ chín… Toàn huyện cũng đã thành lập được 20 điểm giữ trẻ mùa lũ, với 177 cháu được trông giữ cẩn thận và mở được hàng chục lớp dạy bơi cho hàng trăm trẻ em, thành lập được 39 tổ, chốt sơ cấp cứu cố định và lưu động với gần 300 tổ viên. Mỗi tổ, chốt có từ 5 đến 7 đội viên tự nguyện túc trực ngày-đêm tại những nơi xung yếu thường xảy ra tai nạn như: các cầu bắc qua kênh, bến tàu, đầu vàm kênh, nơi có dòng nước chảy xiết… để ứng phó kịp thời khi có tai nạn xảy ra. Nổi bật, đã có nhiều hành động dũng cảm, bất chấp hiểm nguy lao vào lũ dữ để cứu người bị nạn chìm xuồng trong lúc giăng câu-thả lưới…

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp và huyện Tam Nông đã kịp thời xuống tận hiện trường thăm hỏi - khen thưởng động viên tinh thần dũng cảm cứu người trong lũ dữ. Chính quyền các xã-thị trấn trong huyện đang điều tra-lập danh sách những hộ dân nghèo, gia đình chích sách khó khăn để có kế hoạch cứu trợ kịp thời, bảo vệ tốt cơ sở hạ tầng, chống sạt lở cầu-đường, trạm y tế, trường học, cụm-tuyến dân cư và giữ gìn an ninh trật tự-xã hội ở địa phương-nhất là đảm bảo cho nhân dân thu hoạch thắng lợi vụ lúa Thu Đông 2011.

Với tinh thần tương thân-tương ái, tính từ đầu tháng 10-2011 đến nay, ở huyện Tam Nông đã tiếp nhận hơn 10 đoàn từ thiện-nhân đạo trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đã đến khám-chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt người nghèo và cứu trợ tiền, gạo, mì gói và một số dụng cụ sinh hoạt thiết yếu khác… cho hàng ngàn lượt hộ dân nghèo bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt ở đều khắp các xã-thị trấn trong huyện.

Doan Phat Tu Chua Nhu Lai-TPHCM cuu tro dan ngheo HTN.bmp

Đoàn từ thiện chùa Như Lai tại Tam Nông

Tổng giá trị các phần quà trên-dưới cả tỷ đồng đã làm giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Chiếc phà sắt và chếc ghe tam bảng chở đoàn phật tử chùa Như Lai và đầy ắp hàng hóa cứu trợ… đang trồng trành, lắc lư, cố gồng mình vươn về phía trước giữa dòng nước lũ đang chảy xiết, để đưa những món quà ấm áp nghĩa tình đến tận tay người dân nghèo vùng lũ huyện Tam Nông.

Nhìn cánh đồng mênh mông nước, không thấy đâu là bến bờ, Hòa thượng Thích Giác Thuận - Viện chủ Chùa Như Lai, Quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đến để thăm viếng đến nơi đến chốn, để an ủi bà con… đó là điều mà chúng tôi mong muốn và đồng thời, chúng tôi hướng dẫn ba bốn chục phật tử và bà con xuống đây để mắt thấy, tai nghe… mai mốt sẽ phát tâm nhiều hơn, vận động nhiều hơn. Sau chuyến này chúng tôi dự định đi nhiều chuyến nữa… những chỗ nào lũ lụt nhiều hơn nữa”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở ấp 2, xã An Hòa chuyên sống bằng nghề làm mướn, giăng câu-thả lưới… rất khó khăn. Khi nhận được phần quà cứu trợ của Chùa Như Lai trị giá 550.000đồng, chị Hiền xúc động bày tỏ: “Gia đình tôi bị lũ lụt không làm ăn gì được, nhờ các cấp chính quyền và nhà hảo tâm cho phần quà này tôi rất cám ơn. Nhờ phần quà này mà gia đình tôi bớt khổ. Tôi rất cám ơn nhiều”.

Chị Nguyễn Thị Mau ấp 4, xã An Hòa vừa nhận được phần quà cứu trợ, tâm sự: “Gia đình em có 2 vợ chồng với đứa con làm mướn. Nhận được quà, em rất mừng… Nước lên em làm gì cũng không được anh ơi, nhờ mấy anh giúp đỡ em cám ơn anh”. Chị Nguyễn Thị Dung cũng ở ấp 4, xã An Hòa nhận được quà đang đứng kế bên tiếp lời: Dạ, hai vợ chồng em làm mướn không hà, có hai đứa con. Làm một ngày được bốn-năm chục ngàn, được phần quà cũng cám ơn, sống được vài bữa để đi làm ăn tiếp

Tại xã An Hòa, được Đoàn phật tử Chùa Như Lai, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ quận Gò Vấp đến trao tặng tổng cộng 200 phần quà cho những hộ dân nghèo bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. Tổng trị giá các phần quà trên 110 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.