GNO - Đại diện các cộng đồng Phật giáo từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại các thành phố cổ Ayutthaya của Thái Lan, cách thủ đô Bangkok khoảng 40 dặm đi về phía bắc để tham dự hội nghị Hội đồng Điều hành Liên minh Phật giáo Quốc tế (the Governing Council of IBC) vào ngày thứ 3 vừa qua.
Các đại biểu và khách mời của hội nghị
Như Giác Ngộ online đã đưa tin, hội nghị diễn ra liên tục trong ba ngày (từ 1 đến 4-3-2016) để xem xét lại các tiến độ hoạt động và các sự kiện diễn ra sắp tới. Hội nghị cũng sẽ thảo luận về cách thức mà các Phật tử có thể giúp cộng đồng quốc tế đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Hội nghị do đại học Thammasat tổ chức có sự tham gia của Liên minh Phật giáo Quốc tế (IBC), Mạng lưới quốc tế của Phật tử (INEB). Đặc biệt, hội nghị có sự góp mặt của công chúa Ashi Kesang Wangmo Wangchuck đến từ vương quốc Bhutan.
Ngoài ra hội nghị có sự tham gia của các vị khách nổi tiếng như: Rev. Khamba Lama Ganja Choijamts Demberel - nhà lãnh đạo Phật giáo tối cao tại Mông Cổ; Đức Tăng thống Nayaka Suddhananda Maha Thero của Bangladesh; Hòa thượng Banagala Upatissa - chủ tịch của Hội Mahabodhi Sri Lanka và Trưởng Tăng đoàn của Nhật Bản - ông Nayaka.
Các học giả và các thành viên của các tổ chức Phật giáo từ khắp châu Á cũng như châu Phi, Argentina, Australia, Brazil, Pháp, Đức, Jamaica, Nhật Bản, Mexico, Việt Nam và Mông Cổ cũng tham dự.
Trong bài phát biểu khai mạc, thống đốc của Ayutthaya ông Prayoon Rattanasone cung cấp cho mọi người một bản tóm tắt ngắn gọn về nguồn gốc lịch sử Ayutthaya như một vương quốc Thái Lan đã tồn tại từ 351-1767.
Ông Prayoon lưu ý rằng tại đỉnh cao của nó, Ayutthaya cổ đại là một trong những thành phố giàu có nhất trên thế giới với sự phong phú của các ngôi chùa cổ và tu viện vẫn còn tồn tại uy nghi đến nay - là những chứng tích sống động cho sự ảnh hưởng của Phật giáo trong vương quốc.
Theo ông Prayoon, quan sát Ấn Độ và Thái Lan đã có một mối quan hệ chặt chẽ trong nhiều thế kỷ. Ấn Độ đã có một ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người Thái, đặc biệt là ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo.
Về vấn đề này, IBC cho rằng hội nghị là phương tiện mà qua đó Ấn Độ và Thái Lan có thể đến gần hơn bằng cách tái khám phá và trẻ hóa các mối quan hệ văn hóa tinh thần của họ vốn đã tồn tại từ thời cổ đại.
Ông Prayoon đại diện cho Phật tử khắp nơi trên thế giới nhấn mạnh, IBC có nhiệm vụ đem vào trí tuệ mọi người tất cả các truyền thống Phật giáo. Chúng giống như hạt giống - hạt giống của hy vọng. Nếu chúng ta suy nghĩ và thực hiện nếp sống của Phật giáo, có nghĩa là chúng ta phát triển một thái độ từ bi và kiên nhẫn để nuôi dưỡng một thái độ tôn trọng đối với thiên nhiên và với những người khác. Có như vậy chúng ta mới có thể giảm thiểu xung đột và phát triển hòa bình trên thế giới.
Đại biểu gặp gỡ trong ngày thứ 2 diễn ra hội nghị
Được thành lập vào năm 2012, IBC là một tổ chức toàn cầu có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ) với hơn 320 thành viên là các tu sĩ Phật giáo và giáo dân đến từ 39 quốc gia.
Hội đồng bảo trợ của IBC bao gồm Đức Dalai Lama và các tu sĩ cấp cao từ các nước Phật giáo như Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.
IBC làm việc theo phương châm “Trí tuệ tập thể” nhằm cung cấp một tiếng nói thống nhất về các truyền thống Phật giáo và đảm bảo rằng các giá trị và nguyên tắc của Phật giáo luôn là một phần quan trọng trong tư tưởng xã hội và chính trị toàn cầu.
Duy Khánh (Theo Buddhistdoor)