Huyện đảo Trường Sa nằm trên biển Đông, ở phía Đông và Đông Nam bờ biển Việt Nam. Huyện Trường Sa nằm ở tọa độ địa lý phạm vi 6°50’00" đến 12°00’00" vĩ độ Bắc và từ 111°30’00" đến 117°20’00" kinh độ Đông, cách Cam Ranh 248 hải lý, cách Vũng Tàu 305 hải lý (tính từ đảo Trường Sa Lớn).
Theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP ngày 11-4-2007 của Chính phủ Việt Nam, huyện Trường Sa có ba đơn vị hành chính trực thuộc gồm: thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn. Thị trấn Trường Sa được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa Lớn và các đảo, bãi đá, bãi phụ cận. Xã Song Tử Tây được thành lập trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, bãi đá, bãi phụ cận. Xã Sinh Tồn được thành lập trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, bãi đá, bãi phụ cận.
Quần đảo Trường Sa là một dãy hơn 100 đảo lớn nhỏ, bãi ngầm, bãi đá san hô nằm lập lờ hoặc nhô lên khỏi mặt nước, khi thủy triều xuống thấp, bao bọc một vùng biển rộng ước chừng 160.000 đến 180.000km².
Quần đảo Trường Sa được chia làm 8 cụm: cụm Song Tử, Loai Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên. Trong quần đảo Trường Sa, đảo cao nhất là Song Tử Tây, ở phía Bắc quần đảo, cao khoảng 4-6 m khi thủy triều thấp nhất.
Đảo nằm xa nhất về cực Nam là đảo Sác Lốt. Đảo lớn nhất là đảo Ba Bình (khoảng 0,6km²) sau đó đến đảo Nam Yết (0,5km²), còn lại là các đảo nhỏ hơn. Khoảng cách giữa các đảo cũng khác nhau, gần nhất từ Song Tử Đông đến Song Tử Tây khoảng 1,5 hải lý, xa nhất từ Song Tử Tây đến đảo An Bang khoảng 280 hải lý.
Dấu ấn sớm nhất ghi lại được của con người với quần đảo Trường Sa là từ khoảng năm thứ 3 trước Tây lịch. Điều này dựa trên một số phát hiện rằng những người đánh cá, đa số là cư dân từ Vương quốc Chăm-pa cổ. Các bản đồ địa lý Việt Nam cổ ghi nhận Bãi Cát Vàng (được dùng để chỉ chung cả Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ Việt Nam từ đầu thế kỷ 17. Trong cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Hoàng Sa và Trường Sa được xác định rõ thuộc về tỉnh Quảng Ngãi.
Thập niên 1930, Pháp tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Chính phủ Bảo hộ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thay cho Việt Nam, lúc đó đang là phần đất thuộc địa của Pháp. Họ chiếm đóng một số đảo thuộc Trường Sa, gồm cả đảo Ba Bình, và xây các trạm khí tượng trên hai đảo, và sau đó quản lý chúng như một phần lãnh thổ của Đông Dương thuộc Pháp.
Trước Cách mạng Tháng Tám, Trường Sa là một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa. Ngày 21-12-1933, Thống đốc Nam Kỳ đã ký Nghị định 4762/CP đặt quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy. Vào ngày 9-12-1982, huyện Trường Sa chính thức được thành lập thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28-12-1982, Quốc hội khóa VII sát nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh. Ngày 1-7-1989, tỉnh Phú Khánh được tách ra thành 2 tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Trong các ngày từ 25 – 28-4, tại quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa, sẽ diễn ra lần đầu tiên Đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo này. Đại lễ do Trung ương GHPGVN phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan tổ chức nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975) và 35 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, nhằm thể hiện đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc, truyền thống "Tri ân và báo ân" của đạo Phật.
TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI LỄ CẦU SIÊU TẠI TRƯỜNG SA (GN-Khánh Hòa): Sáng 20-4, Thường trực BTS PG tỉnh đã họp triển khai chi tiết nội dung chương trình Đại lễ cầu siêu chiến sĩ trận vong tại đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Trường Sa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 30-4-1975 – 2010 |