Gạch nối quá khứ - hiện tại liền mạch, đáng tự hào!

HT.Thích Giác Quang - Ảnh: L.Đ.L
HT.Thích Giác Quang - Ảnh: L.Đ.L

GN - Trong chuyến đi thực tế để có những trang báo chuyên đề giới thiệu Phật giáo tỉnh - thành, PV Giác Ngộ đã được hầu chuyện với HT.Thích Giác Quang, UV HĐTS GHPGVN, Phó ban Thường trực BTS PG tỉnh Thừa Thiên Huế, được nghe hồi tưởng về một giai đoạn lịch sử và những Phật sự mà Thừa Thiên Huế đã, đang làm mới thấy Phật giáo cố đô vẫn có một vị trí rất quan trọng, đáng tự hào của Phật giáo VN.  Hòa thượng cho biết:

Phật giáo Huế khởi sắc và phát triển mạnh mẽ từ thời nhà Nguyễn bởi vì đây là kinh đô của đất nước, là trung tâm chính trị nên đương nhiên cũng là trung tâm tôn giáo. Các vị cao tăng từ khắp nơi tập trung về Huế tu học và hoằng dương Chánh pháp, tạo nên nét đặc trưng của Phật giáo cố đô nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung (thông qua việc giao thoa bản sắc Phật giáo khắp nơi). Các vị Tổ cũng có mặt và khai truyền đạo pháp tại đây một cách mạnh mẽ, xuyên suốt.

Đến đầu thế kỷ XX, trước những biến cố của đất nước thì Phật giáo cũng có những sự phân hóa rồi thống nhất theo sự ảnh hưởng của lịch sử, chính trị… (nhờ công cuộc chấn hưng Phật giáo). Hội An Nam Phật học - trung tâm Phật giáo miền Trung đã được thành lập tại Huế và chùa Từ Đàm là trụ sở chính. Đây là tổ chức có đường lối rõ ràng, ứng dụng giáo lý thiện xảo phương tiện một cách hiệu quả, cụ thể là đã xây dựng được hệ thống chùa chiền, hệ thống niệm Phật đường. Cứ ở đâu có Phật tử là ở đó có niệm Phật đường, là nơi sinh hoạt của Phật tử tại địa phương đó, do Phật tử quản lý, cùng nhau tu tập. Do có niệm Phật đường, có hệ thống tổ chức từ trên xuống (tổ chức khuôn hội ra đời), nhằm mục đích chống lại chính sách tiêu diệt tôn giáo dân tộc để điền vào tín ngưỡng tôn giáo khác theo chủ trương chính sách thực dân.

Song song đó, tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam (do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám khởi xướng, với danh xưng ban đầu là Gia đình Phật hóa phổ) cũng được thành lập tại Huế; các vị tôn túc lúc bấy giờ đã nghĩ tới thế hệ kế thừa, đào tạo ngay trong tổ chức này. Đây cũng là nét độc đáo của Phật giáo Huế nói riêng và Phật giáo miền Trung nói chung.

Năm 1951, Phật giáo 3 miền Bắc-Trung-Nam họp bàn và đi tới thống nhất, và ý nghĩa của việc thống nhất, địa điểm thống nhất thì chỉ có Huế là thích hợp nhất lúc bấy giờ vì Phật giáo Huế có đủ điều kiện (cụ thể có khuôn hội và GĐPT lớn mạnh, trải khắp nơi…).

Cuộc vận động chống chính sách kỳ thị tôn giáo năm 1963 - Pháp nạn Phật giáo Việt Nam đã để lại dấu ấn lớn trong lịch sử Phật giáo VN và lịch sử dân tộc. Vai trò của Phật giáo Huế như thế nào trong cuộc vận động ấy?

Năm đó, với chính sách kỳ thị Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm cai trị miền Nam đã gây nên sự bất bình, mà lệnh triệt hạ cờ Phật giáo trong mùa Phật đản năm 1963 là “giọt nước làm tràn ly”. Do vậy, các vị lãnh đạo Phật giáo miền Trung - Huế đã có sự phản ứng - “Cuộc vận động Phật giáo đòi quyền tự do, bình đẳng tôn giáo” với sự tham gia rất mạnh mẽ của Tăng Ni, Phật tử. Nhiều tấm gương hy sinh cao cả vì Đạo pháp, vì Dân tộc đã được khắc ghi mà di tích còn lại là đài Thánh tử đạo trên đường Lê Lợi, như một chứng tích của cuộc vận động…

Phật giáo Huế trong vai trò nhất định của mình đã khơi dậy và thổi bùng ngọn lửa đấu tranh ấy đi đến thắng lợi, cùng với nhân dân, và các phong trào dân tộc - hòa bình làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm sau đó không lâu…

Bạch Hòa thượng, như vậy, có thể nói Thừa Thiên Huế là một chiếc nôi của các hoạt động Phật giáo trong thời nhà Nguyễn đến thời hiện đại này?

Đúng là Phật giáo Huế có một vị trí, vai trò và ảnh hưởng nhất định đến Phật giáo cả nước, nhất là Phật giáo miền Trung. Tuy nhiên, hiện tại, vì cơ chế hai miền Nam-Bắc của Giáo hội đã làm Phật giáo Huế bị lu mờ ít nhiều; song có thể khẳng định Phật giáo Huế vẫn là trung tâm Phật giáo. Nói Phật giáo Huế bị lu mờ là vì vị trí lãnh đạo lẫn con người lãnh đạo đều không còn như các giai đoạn trước đây. (Theo cơ cấu nhân sự thì Phật giáo mặc nhiên chia đôi thành hai miền, từ Quảng Trị vào thuộc Văn phòng II, từ Quảng Bình ra thuộc Văn phòng I Trung ương Giáo hội).

Còn nói Phật giáo Huế vẫn là trung tâm Phật giáo là vì mình còn niềm tin, ý thức về “di sản” chư Tổ, chư Tăng Ni, Phật tử bao thế hệ tạo dựng vẫn là niềm tin, tự hào vẫn còn hiện diện trong Tăng Ni, Phật tử. Dẫu có ảnh hưởng ít nhiều, có phai lạt đôi chút do sự giao thoa Bắc-Nam, sự tác động của công cụ truyền thông, thông tin liên lạc, như vẫn có những hình ảnh tu sĩ không giữ oai nghi tế hạnh một cách nghiêm mật, hướng ngoại nhiều hơn và một số ít rời xa nếp sống thanh đạm của người xuất gia…, nhưng đó chỉ là những con số cá biệt. Chính những vị lãnh đạo Phật giáo Huế vẫn thường nhắc nhở điều này đối với Tăng Ni địa phương, để họ ý thức vai trò gìn giữ đạo mạch, bản sắc và những giá trị của tiền bối hữu công đã tạo. Và chúng tôi nhận thấy họ cũng nhận ra điều này!

DSC_0105.JPG

Đại lễ Phật đản ở Huế - một Phật sự nổi bật của Phật giáo tỉnh này - Ảnh: CTV

Được biết, vừa qua BTS Phật giáo Thừa Thiên Huế đã làm một cuộc “cách mạng” về nhân sự Ban Đại diện các huyện, thị?

Nói vậy thì nghe to tát quá, nhưng đúng là Phật giáo Thừa Thiên Huế đã vừa làm một cuộc “chuyển giao trách nhiệm cho thế hệ kế thừa”. Phải gọi đúng tinh thần là như vậy chứ không phải là “trẻ hóa” như nhiều người nghĩ, bởi thế hệ kế thừa là thế hệ được chọn lựa và phát hiện từ chính năng lực công tác, đạo hạnh của các vị chứ không phải chỉ xét trên giấy tờ, tuổi tác…

Với yêu cầu chung, thế hệ kế thừa phải có bằng cử nhân Phật học, có năng lực thật sự… và vừa qua có những vị có tuổi đời khá trẻ (từ 35 tuổi trở lên) đã được bổ nhiệm vào vị trí Chánh đại diện thuộc 8 huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Không phải chúng tôi chạy theo bằng cấp hay theo tiêu chuẩn ngoài đời khi đòi hỏi về trình độ Phật học nhưng thực tế chứng nhận, bằng cấp ấy cũng rất quan trọng trong đối nội, đối ngoại. Nếu đối ngoại mà thiếu trình độ đó thì sẽ rất khó, dễ dẫn tới sự thiếu tôn trọng trong bối cảnh thực tế ngoài đời người ta học càng ngày càng cao. Đánh giá chung của lãnh đạo BTS là những nhân sự kế thừa khá trẻ nhưng năng nổ và có trách nhiệm, có khả năng, đạo hạnh vững vàng…

Có được điều đó là vì người trên biết giao trách nhiệm và người dưới biết trân trọng đón nhận trách nhiệm. Người đương vị lãnh đạo phải thấy được tầm quan trọng của nhân sự trong công tác Phật sự để giao trách nhiệm đúng người, đúng thời điểm khi thế hệ kế thừa đã có, đã trưởng thành, cần làm việc. Nếu lãnh đạo không thấy, cứ ôm khư khư trách nhiệm, công việc thì đừng trách sao lớp kế thừa, mấy vị tuổi trẻ bây giờ hư, đi cúng nhiều, vi phạm phép tắc quy củ thiền môn… Bởi, họ đến tuổi làm việc, có khả năng mà mình không giao, không tự tin giao, sợ thất bại thì muôn đời họ cũng không làm được việc và sẽ sinh ra những điều không hay là đương nhiên!

Nói về việc giao trách nhiệm của người trên như một chiến lược, tầm nhìn là điều rất đúng, ví dụ như việc tổ chức Đại lễ Phật đản ở Huế. Sáng kiến về nhiều hoạt động được xã hội đánh giá cao, trong đó phải kể đến bảy đóa sen trên sông Hương... chính là ý tưởng của các vị trẻ đó. Nhưng, đó cũng là sự quyết đoán, biết lắng nghe của các vị giáo phẩm lãnh đạo khi họ làm được việc, có ý tưởng hay thì ứng dụng, làm liền… Và nhờ đó mà thế hệ trẻ - lớp kế thừa có cơ hội đóng góp, học hỏi, trưởng thành…

Ngoài việc chuyển giao trách nhiệm cho thế hệ kế thừa thì Phật giáo Huế còn những thành tựu nào mà theo Hòa thượng là nổi bật, quan trọng?

Nhìn chung, BTS Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc đã được Tăng Ni, Phật tử đồng tình ủng hộ, do vậy hoằng pháp, văn hóa, từ thiện xã hội… đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Về giáo dục , theo chúng tôi đánh giá thì hơi yếu. Trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên Huế chưa tỏ ra xứng đáng tiếp nối truyền thống đào tạo Tăng tài của Huế. Về công tác tổ chức quy củ không bằng Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai. Còn các mặt như đã nhắc thì có thể thấy trong ngành văn hóa, Đại lễ Phật đản hàng năm được tổ chức công phu, hoành tráng và rất gần gũi - theo ý kiến của nhiều người, đó là một hình ảnh đẹp chỉ có Huế mới có. Ngành từ thiện xã hội hoạt động rất hiệu quả, vừa đáp ứng được các yêu cầu cứu trợ khẩn cấp lại có được các mô hình lâu dài.

Riêng, ngành nghi lễ thì Huế có đặc trưng riêng, ảnh hưởng sâu rộng trong thanh quy, các thời công phu ở các tỉnh, thành trong cả nước. BTS từng có ý sẽ tổ chức bài bản, thống nhất hai thời công phu cho tất cả chùa trong tỉnh nhưng vẫn chưa làm được! Trong thời gian qua, Ban Nghi lễ đã có nhiều đóng góp quan trọng giới thiệu đặc thù văn hóa Phật giáo Huế, trong đó đặc biệt là âm nhạc tâm linh thiền môn với thế giới, qua việc phục dựng vũ khúc Lục cúng hoa đăng và tham dự Festival quốc tế các truyền thống âm nhạc tâm linh tại Pháp...

Trước thềm Đại hội, Hòa thượng có gửi gắm gì tới Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017?

Cá nhân tôi nhận thấy trong giai đoạn tuổi 72 tới 77 sẽ không đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ Phật sự tại cương vị Phó ban Thường trực BTS nên nhiệm kỳ này tôi kiên quyết nghỉ. Hơn nữa, không có lý do gì mình lại nắm vị trí đó xuyên suốt 4 nhiệm kỳ, như vậy sẽ già cỗi mà lại không phát huy được thế hệ kế thừa.

Do vậy, tôi tâm huyết gửi tới Đại hội hai điều: Một là nhân sự, phải đào tạo nhân sự lãnh đạo ngay từ đầu, bởi đây là vấn đề quan trọng, quyết định cho một tổ chức tồn tại và phát triển; Hai là vấn đề giáo dục Tăng Ni, phải có chương trình và định hướng cụ thể để thế hệ kế thừa là những người vừa giỏi về Phật học, tu tập có đạo hạnh vững vàng và có đức tính phụng sự cho Đạo pháp, Dân tộc.

Xin cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian cho cuộc nói chuyện này!

“Quan điểm của BTS Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế trong tương quan với chính quyền, Nhà nước là tùy thuận chứ không tùy thuộc. Cán bộ ra cán bộ, thầy tu ra thầy tu; tức là làm việc gì phải chánh danh (danh bất chánh thì ngôn bất thuận) và xác định Phật giáo luôn đồng hành với Dân tộc; do vậy nếu các vị hiểu thì sẽ thương và ủng hộ hết lòng. Thực tế thì chính quyền Thừa Thiên Huế đã luôn ủng hộ Phật giáo trong quan điểm rõ ràng như vậy”.  - HT.Thích Giác Quang

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.