Gà trống nuôi con

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nội trú trường X xúm xít lớn nhỏ gần mười thành viên. Số ấy thầy P già nhất; nghe nói giáo cựu chuyển về.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1227 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1227 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Học Sư phạm Toán, ra đi dạy hai mươi năm chẳng hiểu sao thầy P vẫn chưa có nhà. Vậy nên về trường thầy được phân ra ở nội trú. Ngôi nhà của một thầy giáo khác, thuộc lớp đàn anh. Nghe kể: lúc hết hạn “lưu đày” miền núi xin được về xuôi, vị tiền bối nọ đã mừng đến nỗi không chút đắn đo đem tặng nhà luôn cho trường làm nội trú. Căn nhà gỗ trống hoác ba gian, ọp ẹp và cũ kỹ, đứng chơ vơ trên lưng đồi trọc. Vậy nhưng, rất nhiều giáo viên xa nhà hậu bối đã từng coi nó như nhà. Giờ tới lượt thầy…

Trường X nằm ở miền núi, rành rành khu kinh tế mới nhưng không hiểu sao không có tiêu chuẩn vùng sâu. Trước khi về X, thầy công tác xa hơn, “thâm sơn” hơn chỗ này. Ngôi trường bán trú dành cho học sinh dân tộc thiểu số, nằm sát mép biên giới của huyện (và của tỉnh).

Tại trường đó thầy đàng hoàng “lên quan”, giữ chân hiệu phó. Hiệu phó một trường có phụ cấp thu hút, cái ghế không ít người thèm muốn bởi thu nhập, quyền uy đều không tệ. Ngồi chưa nóng chỗ, đùng cái lại có quyết định thuyên chuyển ngang xương về X. Chưa hết; đổi trường, thầy đang cán bộ quản lý bỗng thành… lính trơn chẳng rõ nguyên nhân! Ông-giáo-cựu-lính-trơn về trình diện nhiệm sở mới, không phải một mình một ngựa mà dắt díu lùm đùm theo hai đứa con.

Hai đứa bé dễ thương, bộ dạng có phần ngơ ngác khi mang túi xách rồng rắn níu áo theo cha. Hiện tượng lạ. Đám đồng nghiệp trẻ lúc rảnh lại ‘bà Tám” lung tung. Anh bảo thầy chết vợ mới vừa mãn tang. Chị cãi: chết đâu chết, ông độc mồm độc miệng, thằng cu con thầy học lớp tui chủ nhiệm mới viết tập làm văn. Thằng nhỏ viết vầy nè: mẹ em sống dưới phố, lâu lâu mới ghé về thăm hai anh em, mỗi lần về đều có quà…. Cả đám té ngửa: ra thầy còn vợ nhưng vợ thầy về phố, không chung sống với cha con thầy. Vậy ra ly hôn ….

Ly, ly cái gì, nói trắng ra bị vợ bỏ cho xong. Chắc tại nghèo quá đây, lương giáo chức ba cọc ba đồng…. Lại nói tào lao nữa, dạy trên núi cao, hưởng lương thu hút mà ba đồng ba cọc! Lương thầy trên đó phải gấp đôi lương anh em mình dưới này! Vậy sao nghèo vẫn hoàn nghèo? Chắc tại… làm không tính ở lính suốt đời thôi. Biết tính toán như tui đây - vợ nào dám bỏ?? Khanh khách cười tự mãn.

Tranh luận đang “cao trào” thì một cô giáo mới về trường chen ngang: em nghĩ không phải đâu. Là do thầy hay có thói quen… móc túi giúp học trò khó khăn không tính thiệt hơn! Giúp hào phóng lắm. Nghĩ coi: tiền nhà giáo có hạn, học trò vùng cao thiếu thốn quá nhiều, giúp nhiêu cho đủ?

Lời cô giáo trẻ khiến cả đám trật ờ, nín lặng. Người này liếc người kia, cố giấu vẻ ngượng ngùng…

*

Hai đứa con thầy P - con Tiến lớp 6, thằng Cầu lớp 8. “Cầu Tiến” thiệt, học hành siêng năng lắm. Không chỉ siêng, còn có năng khiếu. Thằng anh tham gia hoạt động ngoại khóa, văn nghệ văn gừng nổi trội. Bé Tiến cũng không kém cạnh: học đều, môn nào cũng giỏi. Con có cha như nhà có nóc thật; người ta tấm tắc khen thầy khéo giáo dục con. Ừ; năng khiếu, thông minh gì cũng một lẽ thôi; cái cốt tử vẫn nhờ biết dạy! Còn hỏi: con có bố mẹ ly hôn dễ chấn thương tâm lý, sa đà hư hỏng lắm. Con nhỏ sau ly hôn sống với bố nguy cơ càng cao. Vậy mà nên người - từ tri thức lễ nghĩa đến nước uống cơm ăn; luôn cả manh quần tấm áo. Tất tật nhờ một tay thầy P xoay xở!

Trường thương hoàn cảnh, chia đứt cho ba cha con một gian nội trú, ngăn riêng bằng tấm cót. Việc học hành ăn uống ngủ nghê ba con người gói tròn trong không gian chưa đầy hai mươi mét vuông. Chật cứng; nhưng dù gì cũng có chút riêng tư. Tạm coi như nhà. Giai đoạn đầu nội trú còn chưa có điện. Đêm; cây đèn hột vịt leo lét trong gian phòng giữa lưng đồi dường như chỉ để chứng minh đêm tối bên ngoài rất đen, rất đặc. Vậy nhưng tất tật mọi công việc về đêm của một người thầy/người cha: cơm nước giặt giũ muộn, soạn giáo án, kèm con học… đều được thầy P xăn tay áo làm xong dưới ánh đèn leo lét ấy.

Gà trống nuôi con khổ một, gà trống nuôi hai con khổ tới mười, đặc biệt khi “con gà” ấy lại là anh giáo viên chay miền núi như thầy P, gia sản cửa nhà đều con số không. Tôi về trường sau thầy một năm, độc thân vui tính, tay làm nuôi mỗi một hàm nhai mà vẫn thiếu ngược thiếu xuôi, lương lậu tháng nào phủi lủm tháng đó. Tệ hơn gặp tháng chậm lương, ơn nghĩa hiếu hỷ nhiều là “xong phim”: cuối tháng cả hội đồng chỉ có nước rủ đồng ca bài mì tôm nước giếng cầm hơi qua bữa! Sức người lớn vạ vật còn chịu được chớ con nít con nôi bắt ăn kiểu đó sao đành.

Nhiều bữa thấy thầy P lên lớp dạy mới tiết 4 mà mặt tái chân run, chắc sáng không có gì vào bụng! Anh em đồng nghiệp thương, nhín ít tiền mua cho cái bánh bao hay chai nước tăng lực đợi giờ giải lao dúi vào tay, bảo ăn cho đỡ mệt. Thầy cảm ơn nhưng lén đem cất đáy cặp, cuối buổi mang về cho con.

Con Tiến năm học lớp tôi viết tập làm văn (lại tập làm văn!) tả bố có đoạn rất lạ: … bố em có đôi bàn tay phù thủy. Ra đồng, tay bố hóa tay nông dân cày cuốc chăn bò cắt cỏ. Về nhà tay bố biến ra tay mẹ nấu cơm rửa chén, giặt giũ quét nhà. Em bệnh, tay bố biến thành tay hộ lý cặp nhiệt pha sữa nấu cháo bón cơm. Anh Hai hư, tay bố biến thành tay công an. Chú công an cầm còi thổi toe lần em đi xe đạp qua ngã tư không đợi chuyển đèn xanh. À quên, tay bố em còn có thể biến thành tay thầy giáo….

Bài văn ấy tôi cho con bé chín điểm. Cho xong, ngồi chảy nước mắt!

Năm ngoái trường tổ chức dã ngoại bên Sơn Nguyên. Nghe chỗ đó gần quê thầy P, mấy anh em đòi ghé nhà chơi. Thầy P kiếm cớ lảng nhưng anh em không chịu, nhất quyết ghé. Bất đắc dĩ thầy phải bấm bụng chìu. Nhà thầy ở quê. Không quá tồi tàn nhưng gia cảnh chật vật: hai ông bà già mất sức lao động cộng một người em bị thiểu năng. Tất tật cũng do tay thầy cáng đáng!

*

Ngoài giờ đi dạy và chăm con cái, thầy P tranh thủ vỡ đất hoang sau đồi trồng sắn, dựng thêm cái chuồng nuôi gà, nuôi bò. Gà thì dễ; nhưng bò phải chăn, còn thêm khâu cắt cỏ. Cỏ tốt đa phần nằm sâu trong mấy đám mía, người khác ngại xót riêng thầy không chê. Lên trường, hai cánh tay thầy chằng chịt vết lá mía cứa, vết mới chồng lên vết cũ. Bàn tay chai sần, các đốt tay nổi cục. Nhiều bữa cầm phấn viết bảng ngường ngượng, nửa chừng rớt phấn lúc nào không biết. Học trò phát hiện, lo lắng kêu to: thầy ơi, tay thầy sao vậy?? Không sao; thầy P lật đật cười hiền, đưa tay trái nắn bóp lia lịa các ngón bàn tay phải. Do bữa qua nghỉ dạy, thầy tranh thủ cuốc đất nhiều nên…. Hiểu rồi; đất đồi hoang lổn nhổn sạn ruồi đá dăm, cứng lắm!

Dân sống gần nội trú nhắc tới thầy chắp hít ngưỡng mộ: sức làm ba người cộng lại chưa đuổi kịp. Phục sát đất! Biết thầy dạy toán lâu năm chuyên môn cứng, nhiều người chủ động gặp thầy, đề nghị mở lớp dạy kèm thêm cho con. Thầy lắc, toán có gì đâu kèm. Đứa hiếu học thì học tôi trên lớp đủ rồi. Muốn giỏi về nhà tự rèn thêm. Đứa lười cho đi kèm mấy cũng uổng tiền. Còn có cớ đi chơi…

Nói vậy; nhưng học trò có khúc mắc tới tìm thầy nhờ giảng thầy P đều giảng rất nhiệt tâm. Chỉ bảo tận tình. Có đêm hướng dẫn trò xong thầy còn phải thức lo giáo án tới quá nửa đêm. Thằng Cầu thắc mắc: sao bố không cho anh/chị về sớm, hôm khác giảng? Thầy P cười: sao được con; anh chị không hiểu bài cũ mai ra lớp sao nắm được bài mới??

Dạy vùng cao lâu năm ai cũng hăm hăm tính chuyện chuyển trường. Chuyển về xuôi, nhường chỗ cho những người trẻ mới tốt nghiệp ra trường mà không gốc gác, quen thân. Tới lượt thầy P cũng chuyển. Khác cái, thầy chuyển lên… miền ngược, xa thêm 40km đường núi! Thầy về làm hiệu trưởng trường Y thuộc xã N vùng biên mới lập. Vẫn ở nội trú; nhưng nghe nói lần này lại có tiêu chuẩn vùng sâu, có điều không bằng lần trước. Vậy cũng mừng rồi, ơn Trời!

*

Sáng. Tôi xênh xang ngồi trên con Lead vù ga xuống phố thì gặp thầy lái xe đi ngược. Năm năm rồi không gặp kể từ ngày thầy chuyển ngược còn tôi về xuôi. Định gọi thầy nhưng xe chạy quá nhanh. Ký ức về ngôi nhà trống ba gian cùng cha con người đồng nghiệp cũ bỗng dưng thức giấc. Nhớ ngày tôi chân ướt chân ráo về trường, được thầy ngồi chỉ cho cách gọt bí thái rau, nhóm lửa đun cơm sao cho đừng sống đừng khê.

Chuyên môn được thầy hướng dẫn kỹ năng soạn giáo án sao cho nhanh, lên lớp sao cho hiệu quả (bất chấp việc tôi dạy Văn còn thầy dạy Toán!). Còn nữa; rảnh rỗi thầy “đè” tôi ra, bắt tập đàn guitar. Thầy P chơi guitar rất hay, muốn luyện đàn cho tôi để có bạn hòa âm. Tiếc tôi tối dạ, học hoài không khá, chỉ dừng ở mức… bập bõm cho dù thầy kèm cặp rất tận tâm!

Thằng Cầu con thầy chắc thừa hưởng gen âm nhạc của bố nên sau theo đường nghệ thuật, tốt nghiệp Nhạc viện thành phố. Con Tiến đang năm cuối Bách khoa Hà Nội. Đó là những thông tin mới toanh về thầy tôi nhận qua người bạn. Thầy ư? Vẫn làm hiệu trưởng, ở nội trú, vẫn ngày ngày lội sâu vô từng đám mía kiếm cỏ cho bò. Và nữa; vẫn luôn tận tình với học trò – nhất là những học trò nghèo hiếu học! Ai đó thắc mắc: làm hiệu trưởng rồi sao còn “ôm” việc dữ? Thầy cười đáp: việc tốt làm biết nhiêu cho đủ. Còn sức ngày nào cố làm ngày ấy. Mình nghèo không cửa nhà tiền bạc, ráng để đức cho con…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.