Em thơ kể chuyện đi chùa

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1190 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1190 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khi hỏi ngẫu nhiên các bạn lý do vì sao thích đi chùa, không hẹn mà gặp, các bạn nhỏ đều có chung lý do: “Vì có Sư rất hiền, mọi người ở chùa rất thương con”.

“Con yêu thích mọi người”

Đó là lý do hai chị em song sinh Tuệ Nghi (pháp danh Diệu Trí) và Tuệ Lâm (pháp danh Diệu Tuệ), 4 tuổi (TP.HCM) trả lời khi được hỏi về lý do con thích đi chùa. “Mỗi lần lên chùa con được Sư phụ và các Sư cô chơi với con, con phụ Sư cô lau bàn, Sư cô khen con nên con rất vui”, Tuệ Lâm nói. Còn Diệu Tuệ thì trả lời rằng: “Vì con thích, con yêu thích mọi người đó”.

Chị Vân, mẹ của hai bạn nhỏ cho biết: “Mỗi lần nghe mẹ nói dẫn đi chùa là các bạn rất háo hức, ra tủ lấy quần áo lam rồi nhờ mẹ ủi phẳng để mặc. Nhỡ lần nào mẹ bận việc đột xuất, lỡ hẹn là các bạn hỏi ngay: Sao mẹ không giữ lời, mẹ nói mẹ cho con đi chùa mà sao không cho con đi”. Chị Vân kể, mỗi lần lên chùa các con được Sư phụ, các Sư cô chăm sóc, hỏi han và dạy điều gì cũng rất nhẹ nhàng, tình cảm, khiến các con cảm thấy rất gần gũi. “Lên chùa các bạn cũng bắt chước người lớn lạy Phật và thích thú công quả, phụ các cô lau chùi bàn ghế. Khi đói bụng, các bạn chạy xuống bếp xin các Sư cô đồ ăn như ở nhà của mình. Chính vì thế các con thích lên chùa”, mẹ của hai bạn nhỏ cho biết thêm.

Đến chùa, các bạn được quý Sư dạy điều gì là nhớ, về nhà thực hành ngay. Gia đình có bàn thờ Phật, rằm hay ngày mùng một, các bạn cũng xin bố mẹ thắp hương dâng cúng Phật. Hôm Tết lên chùa được Sư phụ tặng 2 chiếc vòng tay, các bạn cực kỳ thích thú, đeo suốt từ Tết đến giờ. Ai hỏi là nói Sư phụ tặng, ai xin cũng không cho. Dễ thương hơn hết là, khi làm được việc gì hay, phần thưởng các bạn “thỏa thuận” với mẹ là “cho con về chùa”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng phần nào cảm nhận được, các bạn nhỏ thích về chùa đến nhường nào.

Ở chùa có Sư rất hiền

Cứ đến cuối tuần bé Lan Vy, pháp danh Pháp Hỷ, 9 tuổi (Q.6, TP.HCM) đều trông mong để mẹ chở về chùa tu học cùng quý Sư. Hỏi về lý do vì sao lại thích về chùa, Lan Vy nói: “Con rất thích, vì đến chùa con được gặp nhiều vị Sư hiền từ. Sư dạy cho con hiểu giáo lý và thực hành, làm việc tốt lành. Con vui vì con được học, được đọc tụng những câu kinh bằng tiếng Pali và con rất hạnh phúc vì học được”.

Chị Hân, mẹ của bé Lan Vy cho biết, khi con đến chùa và học được một điều gì đó, con rất vui. Mỗi lần đến chùa, Lan Vy đều quan sát kỹ từng hành động của quý Sư và ứng dụng khi về nhà. Vì rất ngưỡng mộ và kính trọng lối sống giản dị, giới hạnh của quý sư Nam tông, nên ở nhà Lan Vy cũng học theo, thực hành. “Con không đòi hỏi nhiều ở mẹ, không đua đòi, không nghiện game hay điện thoại. Các ngày trong tuần con chăm chỉ cho việc học và cuối tuần chỉ mong mẹ cho đến chùa để thư giãn, để chơi và học giáo lý cùng anh chị và quý Sư”, mẹ của Lan Vy chia sẻ.

Không chỉ vào cuối tuần, mà cả mùa hè, Lan Vy cũng chọn cho mình niềm vui là đến chùa học giáo lý và học kinh. Hè năm 2022, Lan Vy tham gia cuộc thi “Học thuộc kinh Pháp cú”, chép kinh Pháp cú và chép kinh Chuyển Pháp luân bằng tay, do các Sư ở chùa Siêu Lý (Q.6, TP.HCM) tổ chức, em là “thí sinh” nhỏ tuổi nhất được giải thưởng. Lan Vy say sưa kể về những lần chép kinh của mình: “Sư dạy, khi con chép kinh con học được tính nhẫn nại. Khi chép kinh con sẽ tập trung, mỗi một câu, chữ được đọc, được đồ lại theo nét mờ có sẵn là cách đọc kinh, chép kinh. Và sau đó con sẽ nhớ, sẽ học thuộc những gì đã chép, con nhớ và thực hành theo lời kinh. Ngoài chiếc điện thoại thì có muôn vàn điều hay phải học”.

Vào những ngày lễ lớn ở chùa, như dâng y, Lan Vy đều xin phép mẹ cho tham gia; hoặc nếu như không tham gia được, em hay xin mẹ cho tiền mua hoa và vật phẩm cúng dường sau đó. Trong niềm hạnh phúc, chị Hân chia sẻ: “Con thích học Phật, thích đến chùa để tu dưỡng đạo đức là sự an tâm, niềm vui chung của cả nhà. Được các Sư thương yêu, hướng dẫn là phước lành của con và cả ba, mẹ”.

Trong chùa ai cũng hiền

Mùa Tết vừa qua, Đức Minh, 8 tuổi ở TP.HCM lại mong đến mùa hè, để được ba mẹ cho về quê (tỉnh Long An) đi chùa với ngoại. Trong ba tháng hè, khi các Sư ở chùa vào mùa an cư, hầu như buổi sáng nào bà ngoại của Đức Minh cũng về chùa. Em kể: “Chùa quê rất to và các Sư, các bà, các chị ai cũng rất hiền, ai cũng nói chuyện ngọt ngào. Khi con làm sai sẽ được người lớn chỉ cho sửa. Có lần con làm bể bình bông, con rất sợ bị la, con khóc nhưng các cô đã nói với con rằng ‘không sao, lần sau con cẩn thận hơn là được”, còn các bạn thì an ủi.

Chùa có nhiều bạn theo mẹ, theo bà đến chùa nên tụi con chơi với nhau rất vui. Chùa nấu cơm bằng củi, tiếng lửa reo tí tách rất vui tai. Vì muốn ăn cơm cháy, tụi con đút thêm củi và thổi phù phù … thêm lửa, các cô phát hiện ai cũng cười, chọc tụi con. Ở chùa còn được uống nước cơm, nước cơm pha đường uống siêu ngon, ở thành phố không có bán”. Về chùa, trong trí nhớ của em không chỉ là chuyện được ăn, được chơi mà còn được học và thưởng. Đức Minh kể: “Con thuộc chú Đại bi trong mùa hè, trước khi về thành phố đi học, con được Sư phụ ở chùa cho tặng con tập, bút và quyển kinh Vu lan. Khi đọc kinh con khóc, con thương mẹ và bà ngoại rất nhiều”.

Những tình cảm thân thương, sự quan tâm, trìu mến nơi cửa thiền như hạt giống lành gieo vào tâm trí của các bạn nhỏ, cũng là lý do các em chọn “về chùa” trong niềm vui, sự háo hức.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.