“Em không muốn bỏ học...”

GN - Câu nói ấy của em Phạm Thị Phúc (sinh năm 1999) cứ ám ảnh mãi tôi trên con đường trưa đầy nắng gắt. Vượt một quãng đường khá xa, qua một bến đò và tiếp tục thêm một chặng đường nữa, tôi đã đến với những phận người lắt lay ở một vùng sơn cước thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Căn nhà tạm kết cấu bằng gỗ tạp, phên tre và tôn cũ hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là nơi trú ngụ của một gia đình đang trong cơn khốn khó. Hai vợ chồng ông Phạm Bảy (1966) và bà Từ Thị Đây (1964), từ năm 1998 đến giờ sống trong ngôi nhà này, ngày nắng thấy trời, ngày mưa dột ướt hết. Sinh ra hai người con gái là Phạm Thị Diễm (1996) và Phạm Thị Phúc (1999) thì cả hai đều mắc bệnh tim, thường khó thở và ngất xỉu.

Vì không có tiền nên em Phạm Thị Diễm đã phải bỏ học từ năm lớp 8 để ra Đà Nẵng mưu sinh. Em Phạm Thị Phúc năm nay học lớp 10, 9 năm liền em được học sinh tiên tiến nhưng năm vừa rồi, em đã khóc hết nước mắt mới được đi học tiếp vì gia đình quá nghèo.

ANH XH (2).jpg

Em Phạm Thị Phúc chăm chỉ học trong căn nhà tạm bợ

Ông Phạm Bảy do bị dị tật ở mắt trái từ nhỏ, không nhìn thấy gì; mắt phải thị lực kém nên sinh hoạt vô cùng khó khăn. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó nên ông phải cùng vợ đi làm thuê làm mướn, nhưng do mắt kém nên liên tục gặp tai nạn. Một lần gãy chân, một lần gãy 2 xương sườn và gần đây nhất là vỡ xương gò má, hiện đang phải đặt ốc vít cố định, chưa tháo ra. 

Tháng 11-2013, sau cơn siêu bão, mái nhà tạm của gia đình khốn khổ này bị cuốn bay đi. Bà con chòm xóm cùng với họ hàng đã dựng lại cho ông Bảy một ngôi nhà tạm khác, nhưng cũng chỉ là tranh tre, tôn cũ sót lại của ngôi nhà cũ. Và cho đến hôm qua, gia đình mới thoát khỏi cảnh dùng đèn dầu và thắp nhờ điện của người khác, khi được kéo riêng điện về tận nhà. 

Hiện tại, niềm ao ước lớn nhất của vợ chồng ông Bảy, bà Đây là có một mái nhà đủ che mưa che nắng. Vì mùa mưa sắp tới mà ngôi nhà này thì quá sức tạm bợ, dột nát. Mong ước gần 20 năm rồi nhưng không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

Nhìn lên mái nhà nhiều lỗ sáng chui xuống theo ánh mặt trời chiếu qua, bà Đây nghèn nghẹn: “Chừ tui cũng không biết làm sao. Chồng thì không làm được chi nữa. Một thân một mình tui quần quật làm thuê làm mướn, ráng lắm cũng chỉ đủ cho cả nhà ăn qua bữa với chén mắm, bát canh, chứ ngôi nhà thì có mơ cũng không dám nghĩ đến. Tui sợ tui không còn sức để cho con bé Phúc đi học nữa…”. 

Riêng bé Phúc, bé rất mong sau này sẽ đậu đại học ngành y để phục vụ cho những người bệnh nghèo, nhưng con đường học hành của bé đang hết sức chông gai. Một mình bà Đây với 2,6 sào ruộng và làm thuê ngày được ngày mất, không thể nào lo đủ cho cả nhà và cho con đi học...

Em bảo rằng không biết em còn đi học được hết năm nay hay qua năm 11 hay không. Một phần từ nhà đến trường hơn 10km, lại có bệnh tim nên nhiều hôm em đạp xe đạp xuống tới trường là ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu, nhưng em vẫn cố gắng miệt mài...

Ở lại một trưa với gia đình khốn khó này, tôi cảm nhận được cái nghèo, cái bế tắc đang tràn ngập. Từng ngày, họ phải đối mặt với cái đói, với cảnh màn trời chiếu đất, với sự học dang dở của cô bé Phúc… Hy vọng thì cứ tắt dần, tắt dần. Rất mong mọi người chung một tấm lòng giúp sức để gia đình này vượt qua cơn khốn khó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.