Đừng tự chết vì bất cứ lý do gì

GN - Không hẹn mà gặp, những chia sẻ của chư tôn đức và chuyên gia tâm lý đều gửi gắm: gia đình là điểm tựa, mỗi người trẻ cần tự khẳng định giá trị của bản thân. Và khó khăn, thất bại là cơ hội để làm điều đó…

>> Vấn nạn tự tử ở người trẻ (bài 1)

TT Thich Chon Khong.JPG

TT.THÍCH CHƠN KHÔNG, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư: Cha mẹ đừng vô cảm với con cái

Tôi cảm thấy rất trăn trở mỗi khi nghe tin đâu đó có thanh thiếu niên tự tử. Về vấn nạn này thì trong rất nhiều lần họp ban, chúng tôi đã bàn đến. Các em tự tử có nhiều nguyên do, nguyên nhân sâu xa là do bản thân các em thiếu kiến thức cuộc sống, thiếu hiểu biết đạo lý, nghiệp báo luân hồi… Còn nguyên nhân gần, thường bắt nguồn từ bức xúc gia đình, cha mẹ không quan tâm.

Do môi trường cuộc sống địa phương, đó có thể là do sự thay đổi trong nhịp sống quá nhanh mà cha mẹ tất bật với công việc, ít có dịp gần gũi, tiếp xúc con cái. Khi về nhà ít có quan tâm dạy dỗ nên con cái không có môi trường thổ lộ tâm tư; cha mẹ thờ ơ với con nên không nhận ra những biểu hiện khác thường của con mình. Vì không chia sẻ được với gia đình, một số em tìm đến bạn bè đồng cảnh ngộ than thở, cái nguy hiểm nhất là nếu không ai khuyên nhủ, các em rất dễ đi đến tự tử.

Thế nên, quý Tăng Ni phụ trách giáo lý tại các đạo tràng, khóa tu nên có những bài giảng liên quan đến tự tử để cho Phật tử - phụ huynh hiểu, mà gần con hơn, quan tâm đến con nhiều hơn. Vì nếu cha mẹ gần gũi, lắng nghe, quan tâm đúng mực chắc chắn sẽ nhận ra những biểu hiện khác thường của con, từ đó sẽ ngăn chặn được hành động khờ dại của con trẻ.

Tôi muốn nhắn nhủ thêm, hiện nay, có rất nhiều câu lạc bộ Phật pháp, quý thầy, quý sư tổ chức thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Quý thầy, sư cô phụ trách câu lạc bộ thường gần gũi với các em, nếu phát hiện em nào có tư tưởng sai lệch thì phải tìm mọi cách giúp đỡ, tìm hiểu nguyên do, căn cứ tâm tình để có sự giải thích thích hợp nhất. Khi các em chia sẻ nỗi niềm, nên thông báo cho gia đình các em biết, đừng vì lý do gì đó mà bỏ qua cơ hội cứu người. Hãy bên cạnh các em cho đến khi các em sinh hoạt bình thường, còn nếu thấy chưa ổn thì phải kiên trì, tìm mọi cách để giúp các em vượt qua cú sốc tinh thần, để các em hòa nhập cộng đồng, cảm thấy yêu cuộc sống, quý mạng sống mình hơn.

Su co TN Huong Nhu.JPG

SƯ CÔ TN.HƯƠNG NHŨ, Tiến sĩ Phật học, giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM:  Cần giúp các em định hình một hướng đi cho cuộc đời

Giới trẻ luôn cần tình yêu thương, sự quan tâm đúng mực từ người thân, do vậy nhà trường, gia đình và xã hội cần giúp các em định hình một hướng đi cho cuộc đời, hay nói khác hơn là lý tưởng sống. Nếu trong mỗi bước đi, lớp trẻ có được sự giúp đỡ - định hướng của các bậc thiện trí thức, sẵn sàng đến với các em bằng tình yêu thương thì xã hội cũng giảm đi nhiều tệ nạn từ giới trẻ. Đó là định hình cho giới trẻ một hướng đi.

Chúng ta cần tận tình giảng giải cho các em hiểu rằng: “Cái khó nhất trên thế gian là được thân người”, quả báo của những cái chết do tự tử là sự đau khổ vất vưởng của một hồn ma. Do vậy, không thể vì bất cứ lý do nào mà hủy hoại nó. Bằng sự kiên nhẫn lắng nghe với tất cả tình yêu thương với phương pháp giảng dạy theo tinh thần ứng hóa thân của Bồ-tát Quan Âm, chúng ta sẽ giúp các em vượt lên những thử thách của cuộc sống, sự hạn chế của bản thân, thậm chí là sự hiểu lầm và ruồng bỏ của xã hội. Nhờ đó các em sẽ có thể tìm lại chính mình.

Ths Nguyen Hoang Khac Hieu.jpg

ThS.NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU, giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM: Trên đời này không có sự bế tắc

Hãy hiểu rằng, thất bại không có nghĩa là bạn quá tồi tệ, mà là bạn chưa giỏi, chưa hội đủ điều kiện để thực hiện một ước mơ nào đó mà thôi. Gặp sự cố không phải là bạn sẽ cùng đường, mà là bạn cần phải tìm một con đường khác.

Đi tìm đến cái chết vì những lý do không đâu là biểu hiện của sự hèn nhát, là trốn tránh. Cúi đầu trước thất bại là thiếu bản lĩnh. Trong xã hội của chúng ta có những cuộc đời bất hạnh, về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng bằng bản lĩnh dám đối đầu và nghị lực vươn lên, họ đã đứng dậy và sống tốt hơn cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho xã hội. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Hãy biết rằng cuộc sống này có thoải mái hay không là do ở cách nghĩ của chính bạn mà thôi. Đừng vội chết khi bạn chưa kịp sống, đừng vội bó tay khi chưa kịp cố gắng hết mình.

Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp... Bởi thế nên, hãy cảm ơn đời khi mang bão táp đến với ta!

Hạnh Ý ghi

Sống vì nhau: khó, chết vì nhau: quá dễ!

Quả thật, sống vì nhau một cách đúng nghĩa, với những việc làm mang tính nhân văn trong đời sống nhiều bất trắc, đối nghịch, khó khăn này - để vượt qua và đi tới bến bờ an vui hơn là điều khó. Nó đòi hỏi con người ta phải có lý tưởng sống, có tình yêu thương và nghị lực phi thường. Tất cả những điều đó phải được hun đúc từ chính nội lực (tự thân) và trong một nền giáo dục luôn lấy lẽ sống, thực chứng bằng niềm tin từ chính người lớn thông qua cách sống, ứng xử với mọi thứ, trong đó có những khó khăn, thử thách.

Nếu người lớn biết nêu gương trong cách sống luôn vượt lên chính mình trong ý nghĩa vượt lên trên những khó khăn vốn dĩ do nhân-duyên quá khứ tạo thành, với tư thế chấp nhận để thay đổi chứ không phải đầu hàng, buông xuôi thì chắc chắn người trẻ sẽ theo đó mà tiếp nối, kế thừa.

Sống vì nhau vì thế chúng ta phải hiểu là chính người lớn phải vì người nhỏ để vững chãi thay vì dễ duôi. Từ đó, trao cho thế hệ kế thừa kinh nghiệm sống: trên đời này không có con đường cùng, chỉ cần mình chịu sống, chịu tư duy tích cực trong mọi hoàn cảnh, biểu hiện thì sẽ tạo nên những điều kỳ diệu.

Phép mầu của cuộc sống không phải là điều gì đó mang tính thần thông, huyền thoại mà là trong nội tâm luôn đứng vững trong phong ba, để có nếp nghĩ và hành động không theo quy luật thường tình, yếu đuối mà số đông vẫn thường thế. Ví dụ như khổ đau quá thì tìm tới cái chết, chưa gì đã vội than van làm cho mọi việc trở nên trầm trọng, đáng thương, đáng tội nghiệp nhằm tranh thủ sự chăm sóc, chú ý của mọi người một cách lệ thuộc…

Thực ra, chết vì nhau hay tự sát vì những khó khăn, thất bại ngỡ là chấm hết một cái khổ nhưng kỳ thực lại đưa tới những cái khổ lớn hơn, không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình, xã hội. Khi ta sinh ra, chưa báo đền được “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” cùng ơn của vạn loại, của đất trời vay mượn để sống mà đã tự tử - gieo đau thương, ai oán… thì cái nhân vong bội ấy sao có thể có quả lành cho được? Nghĩ thế để chọn cho mình con đường sáng thay vì hở ra là chết, như vậy thì… quá dễ, bởi chỉ cần yếu lòng một chút thì ai cũng làm được. Mà yếu lòng thì chúng ta, đa số thừa “tố chất” ấy, nó nhan nhản trong rất nhiều người…

Hiền Đỗ

_______________

* Bạn đọc có suy nghĩ gì về vấn nạn này? Xin góp góc nhìn, giải pháp hoặc chia sẻ những trăn trở, câu chuyện thật về vấn nạn đau lòng này về Phật giáo-Tuổi trẻ. Vui lòng gửi e-mail tới: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.