Công trình mang tính biểu tượng Phật giáo thời Lý
Truyền thuyết kể lại rằng, chùa Một Cột (Liên Hoa đài, một công trình trong quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu) được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông. Vào năm 1049, nhà vua đã nằm mơ thấy được Đức Bồ tát Quan Âm an tọa trên tòa sen. Sau khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với quần thần và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm tòa sen của Đức Bồ tát tôn trí trên cột như đã thấy trong mộng. Chùa chỉ có một gian trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu nhỏ có trồng hoa sen.
Chùa Một Cột (Liên hoa đài) - viên ngọc kiến trúc giữa lòng thủ đô
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, chùa Phật thời Lý xây dựng rất khác những chùa xây dựng về sau này, thường là biểu tượng, chỉ có tính cách tưởng niệm, giống như Phật giáo Nguyên thủy. Kiến trúc Phật giáo Lý chủ yếu là một ngọn tháp cao, nằm trên núi đồi với ba, bốn lớp nền chồng lên cao dần giống như một Mandala, trong tháp có tượng Phật và có thể xung quanh khu vực có tường bao bọc. Ngôi chùa như vậy hoàn toàn không có Tăng phòng, thiền viện, không phải để ở.
Chùa Diên Hựu nguyên là công trình được dựng lần đầu tiên năm 1049. Kiến trúc còn lưu đến hiện nay của công trình này có niên đại khoảng nửa đầu thế kỷ 18, vào đợt trùng tu năm 1847, phụ vào với chùa Một Cột.
Năm 1954, khi người Pháp rút khỏi Hà Nội, chùa Một Cột đã bị đặt mìn phá hủy. Sau này nhóm CIA Mỹ do Landsdale chỉ huy đã nhìn nhận là họ cố tình phá chùa trong âm mưu gây hoang mang dư luận nhân dân Hà Nội. Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành trùng tu lớn chùa Một Cột (chùa Diên Hựu), xây dựng lại chùa Một Cột theo kiến trúc cũ.
Chùa Một Cột ngày nay cùng chùa Diên Hựu được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962.
Chùa Một Cột ngày nay cùng chùa Diên Hựu được công nhận
là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962.
Công trình đang xuống cấp đến mức nào?
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn thiết kế chùa, kết cấu của chùa Một Cột hiện còn khá bền chắc. Vấn đề mà ngôi chùa đang phải đối mặt là tình trạng thấm dột ở phần giao mái. Di tích gỗ, lợp ngói ta vẫn thường xảy ra tình trạng này. Chỉ cần đảo ngói là có thể hạn chế được dột. Một vấn đề nữa là phải quy hoạch lại nhà Tăng và các phần phụ trợ. Đây là việc làm cần thiết, tạo điều kiện tốt nhất nơi về nơi ăn chốn ở cho nhà chùa, cũng là một cách làm đẹp hơn cảnh quan chung của di tích.
Chính quyền quận Ba Đình thẳng thắn thừa nhận, trong suốt thời gian qua, chùa Một Cột đã chưa được quản lý tốt. Bằng chứng là những lộn xộn trong việc xây dựng. Nhà Tăng xây sát vào hậu đường, nhà mẫu. Hàng quán cũng chưa được quy hoạch có hệ thống. Trong khi chùa Một Cột là di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Gần đây, có tin nói rằng Nhà nước sẽ chi 31 tỷ đồng bảo tồn tôn tạo chùa Một Cột. Thông tin này đã khiến nhiều người giật mình, bởi nếu có 31 tỷ đồng “rót” vào tu bổ, trong khi ngôi chùa bé xíu thế kia thì dễ “hỏng” chùa lắm. “Kinh phí to, trùng tu méo mó” là hiện tượng từng gây tai tiếng từ di sản cố đô Huế đến khu lăng mộ vua Lê ở Lam Kinh (Thanh Hóa), thành cổ Sơn Tây…
Đại diện Ban Quản lý Dự án quận Ba Đình cũng từng đưa ra các phương án trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột, trong đó đề cập tới việc phục chế lại nhà thờ Tổ, xây mới nhà Tăng, trùng tu, tôn tạo quần thể chùa Một Cột - Diên Hựu. Vì quần thể chùa thấp hơn so với các khu vực xung quanh từ 0,5 - 1m nên dự án có đề cập tới việc nâng cốt nền cũng như cải tạo hệ thống thoát nước. Ngoài ra, dự kiến, chiếc cột “độc nhất vô nhị” của chùa Một Cột vốn được làm bằng bê tông, cốt sắt sẽ được thay thế bằng cột đá...
Trước mắt, phường Đội Cấn cần giải tỏa ngay hàng quán, nhà ở không đúng quy hoạch khu di tích. Phải đảm bảo tính tôn nghiêm và vệ sinh trật tự ở di tích quốc gia này.
Các nhà khoa học nói gì…
Các chuyên gia cho rằng: Việc để di tích này bị mưa dột, ngập, lụt gây mất mỹ quan như trong thời gian qua là không đáng có. Chính vì vậy, chùa Một Cột - Diên Hựu cần phải được trùng tu, tôn tạo cho xứng với tầm quan trọng của di tích.
Về di tích chùa Một Cột, đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) cho rằng: “Tường bao quanh chùa Một Cột xây bằng sân gạch, đường bằng xi măng như hiện nay là rất tù túng, không tương xứng là một công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất của thời Lý. Bậc lên chùa cũng không đúng, không khớp với kiến trúc”.
Giáo sư Phan Khanh cho biết, lần nào đến thăm chùa Một Cột ông cũng thấy áy náy, vì theo những gì ông được biết, chùa xưa có quy mô to hơn bây giờ gấp nhiều lần. Cột chùa chắc chắn phải được chạm khắc từ đá, năm 1954, chùa được xây lại, thời điểm đó đất nước còn nhiều khó khăn vì thế mới làm tạm bằng bê tông cốt thép. Trùng tu thì nhất định phải làm lại bằng đá.
Lâu nay, nhà bảo tồn di sản văn hóa nổi tiếng, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính từng cảnh báo về các xu hướng sai lệch xuất hiện thường xuyên hiện nay trong lĩnh vực bảo tồn:
-“Xây dựng di tích”, đó là đơn giản giao trách nhiệm bảo tồn cho ngành xây dựng (thường có hiểu biết rất hạn chế về lĩnh vực này), -“Làm mới di tích”, tôn tạo không đúng phương pháp và quy cách (tự ý thêm thắt, làm mới lung tung).
Và nhất là xu hướng rất đáng báo động hiện nay là:
- “Du lịch hóa” di sản, khai thác vô tội vạ các khu di tích theo hướng kinh doanh vốn cổ.
Ngày nay việc trùng tu di tích cả nước đang có “có vấn đề”: dư luận không ít lần báo động và cả vạch trần các hiện tượng “mới, trẻ, rẻ hóa”, “làm mới di tích”, từng làm méo mó khá nhiều di tích. Phải chăng tất cả đều do hậu quả tai hại “kinh phí to, trùng tu méo mó”!
Chùa cổ Phật giáo hiện nay đa phần là các công trình di tích “sống” đang còn hoạt động. Muốn tiến hành bảo tồn cũng cần gìn giữ đặc điểm gốc, nguyên sơ. Bổ sung tôn tạo không thể thay tính chất công trình cũ, nhất là tránh hiện tượng “xây dựng di tích”, “làm mới”, “khai thác” di tích nói trên.
Mong mỏi của các nhà khoa học là cần sớm tiến hành tham khảo nghiêm túc các chuyên gia khảo cổ và trùng tu để có thể tập hợp được những tư liệu cổ để thấy chùa xưa như thế nào. Và khi làm lại, phải làm sao cho chùa giống với ngày xưa nhất. Phải trùng tu và tôn tạo chùa Một Cột sao cho chùa trở thành một viên ngọc của thủ đô.
Liên hoa đài (Chùa Một Cột) nằm trong quần thể kiến trúc của chùa Diên Hựu
Hướng tích cực bảo tồn và phát huy di tích
Ngày nay bảo tồn di sản văn hóa được quan niệm thoáng hơn cách làm cũ về tính nguyên bản của di sản. Ta phải tính đến các yếu tố phi vật thể, phù hợp với thực tế của thời đại như các yếu tố chức năng và tác dụng, truyền thông và kỹ thuật, tinh thần và tình cảm… Thông lệ quốc tế khuyến khích giữ gìn nguyên trạng di sản nhưng cũng uyển chuyển áp dụng các quy định mới, nhắm biến di sản văn hóa sinh động hơn và không “đóng băng” chúng trong thời kinh tế thị trường.
Tại các nước tiên tiến luôn có cơ quan phụ trách di sản và hoạt động rất tích cực, khá hữu hiệu như lập hồ sơ, quy định công tác quản lý, bảo vệ và tôn tạo công trình. Riêng đối với di sản công trình tôn giáo cổ nếu còn đang sử dụng thì tổ chức tôn giáo tự mình bảo quản, tôn tạo là chính, cơ quan bảo tồn nhà nước chỉ can thiệp để bảo vệ công trình không bị xâm hại, yểm trợ việc trùng tu, phục hồi cho đúng nguyên trạng. Nhiều cơ sở nghiên cứu kiến trúc tôn giáo, khảo cổ, các trường mỹ thuật và kiến trúc, quỹ tài trợ văn hóa cũng tham gia tích cực vào các công tác nêu trên. Nếu các công trình mang tính chất di sản văn hóa tiêu biểu cấp quốc gia thì Nhà nước phải tham dự nhiều hơn vào công tác trùng tu, bảo tồn.
Ở nước ta do tình hình khó khăn chung về nhiều mặt, trước mắt Nhà nước khó mà đảm trách hết mọi việc. Cho nên, việc yểm trợ từ nhiều phía sẽ giúp ích cụ thể cho việc gìn giữ, tôn tạo các di tích chùa chiền.
Tôi nghĩ, một mặt Nhà nước nên chấn chỉnh lại nạn lấn chiếm di sản chùa chiền kéo dài nhiều năm qua. Mặt khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên có bộ phận chuyên trách bảo tồn di tích, kết hợp với các chuyên gia bảo tồn công trình Phật giáo lên phương án trùng tu, bảo quản và tôn tạo lâu dài cho đúng quy cách.
Đây là một việc cần phải làm ngay, vì nếu cứ để tình hình hỗn loạn này kéo dài, thì chúng ta có tội lớn, chẳng những đối với Phật giáo mà cả đối với tiền nhân và lịch sử văn hóa Việt Nam.