Đừng im lặng

GN - Đừng im lặng, khi chúng ta cần truyền thông và mong ai đó hiểu mình. Sao cứ bắt người khác phải hiểu tất tần tật những điều mình “câm nín” khi chính ta có khi còn chưa hiểu hết bản thân mình?

Đừng im lặng, khi những lời của bạn nói là những lời vàng ý ngọc, khơi gợi cho bản thân và người khác những suy nghĩ thiện lành, những hướng nhìn tích cực.

khong nghe.jpg


Lắng nghe tiếng nói từ bên trong để chuyển hóa - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Đừng im lặng trước cái xấu, cái ác khi bản thân ta có thể đóng góp tiếng nói để đẩy lùi nó, không cho nó biểu hiện. Và ít nhất, dù nó không bị lùi lại ngay lập tức thì việc ta lên tiếng cũng là trách nhiệm của một người muốn đóng góp điều tốt đẹp cần làm.

Đừng im lặng khi ta cần biết bao những tiếng nói kết nối, để bầu không khí giữa hai người, giữa gia đình trở nên ấm áp, trở lại như xưa, đừng để mỗi người cứ mải cắm cúi vào thế giới riêng (trên mạng), huyên thuyên chát chít mà “bỏ quên” những phút giây bên cạnh những người thân thương của mình.

Đừng im lặng... là thông điệp “nóng hổi” trong những ngày qua. Nhưng, nói gì, nói như thế nào - để những điều mình nói không trở thành “thuốc độc” giết chết sự bằng an của những người nghe, người đọc và không gây hoang mang cho số đông?

Nói là điều cần thiết với mỗi người nhưng lời nói ra cần có trách nhiệm (nghĩ tới kết quả/hậu quả) của nó. Cách nói cũng quan trọng không kém, vì có những lúc nội dung ta nói không sai nhưng ta diễn đạt không hết ý - khiến người nghe hiểu lầm hoặc nói sỗ sàng quá - tạo ra phản cảm. Thời điểm để nói cũng là yếu tố quyết định thành công, như là khi nấu một món ăn, chỉ cần chậm hoặc nhanh tắt lửa quá cũng hỏng, dù nguyên liệu đúng và đủ.

Trong nhà Phật, nói là một trong ba con đường tạo tác nghiệp (lành/dữ) nên người học Phật nằm lòng một điều, đó là nói năng có chánh niệm. Muốn vậy phải thực tập tỉnh thức hàng ngày, phát nguyện không nói và truyền đi những nội dung gây ra nỗi khổ niềm đau cho người và đổ vỡ nhân cách của bản thân.

Kinh nghiệm tu học của những vị thầy lớn dặn rằng: đừng nói gì khi mình đang sân, đang giận, vì những lời nói lúc ấy như là khói khiến mắt người cay, là dao cắt lòng mình đau nhói...

Tóm lại, đừng nói gì hay đừng im lặng thì tùy hoàn cảnh, tùy vào khả năng hành văn, diễn đạt của từng người, tâm trạng của mình nữa... Đôi khi cũng cần im lặng. Và đôi khi im lặng cũng là thông điệp dành cho người khác: đừng phiền tôi nữa, tôi không muốn có bất cứ kết nối nào với bạn hết!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.