Đụng hàng

Giác Ngộ - Đụng là từ dân gian được sử dụng rất nhiều, và ngoài nghĩa va chạm, còn có ý nghĩa xa hơn. Thường ta hay nói đến đụng xe (tông xe), đụng đầu (đầu đụng vào một vật nào đó, còn có nghĩa bóng thông dụng hơn: gặp phải vấn đề phức tạp), đụng độ (xung đột trực tiếp giữa hai thế lực),… 

Từ khi cơ chế thị trường mở ra cơ hội làm ăn cho các thành phần kinh tế, đồng thời với tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt, người dân có nhiều tiền và cơ hội để mua sắm, thì từ “đụng hàng” được phổ biến trong dân gian và trên báo chí.

wdung hang(41)[9].jpg

Ảnh minh họa

Hàng, trước hết là hàng hóa, là sản phẩm mua bán trên thị trường. Hàng hóa phần nhiều được sản xuất hàng loạt, từ quy trình công nghệ, theo mẫu mã định sẵn, có thương hiệu, sản phẩm hàng loạt thì nhất định phải giống nhau, ít nhất là trong loạt đó, hoặc trong một thời gian nào đó. Những hàng nhiều tiền như chiếc xe, tủ lạnh, tivi, … cho đến những thứ thường dùng như chiếc áo, đôi giày, hạt nút,… nếu cùng hiệu, cùng loại, hoặc cùng kích cỡ, cùng chất liệu thì sản phẩm của mỗi thứ đó đều y chang. Như vậy, đụng hàng là chuyện đương nhiên. 

Đối với người bình thường thì chuyện đụng hàng không thành vấn đề. Tivi... giá rẻ bất ngờ, mua được là quý, tôi càng vui khi biết anh hàng xóm và nhiều người khác đã mua và đã khen sản phẩm. Nhưng khi con người càng muốn hưởng thụ nhiều hơn, muốn có sản phẩm vật chất và dịch vụ đẹp hơn, sang trọng hơn, hợp thời hơn, khi xã hội càng phân hóa giàu nghèo sâu sắc hơn, thì xuất hiện một loại nhà giàu muốn dùng thứ không đụng hàng, hoặc ít ra là thứ ít người đụng hàng.

Ý tưởng đó trước hết là do cái “tôi”, phải độc đáo để “tôi” khác mọi người, để mọi người phải trầm trồ. Như vậy, tôi ở trong đẳng cấp khác, tôi đã tạo sự khác biệt với mọi người. Không chỉ thỏa mãn cái “tôi”, sự khác biệt này củng cố thêm chỗ đứng trong làm ăn, trong bảo đảm thương hiệu. Tôi là sếp thì bộ mã phải vừa theo cái sang chung của y phục thời đại nhưng phải có nét phá cách để không “đụng” với ai; tôi là “sao” ca nhạc thị trường giải trí thì y phục phải có người thiết kế mẫu mã để không có người thứ hai ăn mặc như tôi… 

Tôi thuộc tầng lớp thượng lưu thì tôi chỉ đến những quán ăn, quán giải khát, nơi thư giãn mà người bình thường ít đụng tới; tôi muốn vườn của tôi hoành tráng bằng cách đem cây cổ thụ trên rừng, gỗ quý càng tốt, đem về trồng như cây cảnh, để khó ai đụng hàng được.

Thật ra, trong quan hệ giữa cá nhân và xã hội, con người vừa có ý thức phải hòa hợp để sống chung với mọi người, nhưng đồng thời cũng muốn thể hiện những sở thích rất cá nhân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Đó là điều bình thường, mỗi người mỗi vẻ, góp phần làm cho xã hội vui lên. Ngoài ra, trong các lãnh vực liên quan đến biểu diễn (như thời trang, văn nghệ…), chuyện sáng tạo để không đụng hàng là một đòi hỏi cần thiết. Nhưng thị trường càng ngày càng đẻ ra lắm thứ nhu cầu, khiến cho con người vừa có thêm niềm vui và nỗi khổ, vui là vì có thêm cái mới, hiện đại, độc đáo hơn, khổ vì người ta có mà mình không có, làm mình bứt rứt muốn có. 

Chính cái tham dục của con người là mảnh đất phì nhiêu để những đầu óc siêu việt về kinh doanh thị trường khai thác. Chưa có nhu cầu thì đẻ ra nhu cầu, có nhu cầu rồi thì tạo ra nhu cầu mới, hoặc nâng cấp sản phẩm để cái mới thay cái cũ. Không những nhu cầu cho người sống, mà cả nhu cầu cho… người chết, không đụng hàng, chẳng hạn như nội dung quảng cáo: “cung ứng thời trang đám ma, khóc đám ma mướn, đặc biệt tổ chức đám tang theo nghi lễ hoàng tộc, vua chúa băng hà thời xưa (1).” Rốt cuộc, con người quay cuồng trong thế giới vật chất, nếu không có chút tự tại.

“Không đụng hàng” là cách chơi, là tiêu chuẩn của những người sành chơi trong thế giới vật chất, thế còn trong lãnh vực văn hóa, văn nghệ, giáo dục,… thì tiêu chuẩn “không đụng hàng” có cần hay không? Nếu có nhiều sản phẩm văn hóa không đụng hàng thì tốt cho đời biết mấy?

Ai có bằng tiến sĩ thì nhất định là không đụng hàng tiến sĩ với người khác rồi, vì tuy văn bằng tiến sĩ nhiều người có, nhưng văn bằng của người nào là cái riêng của chính người đó, nó là biểu hiện của công trình cá nhân, ít nhiều phải có cái mới, - dầu tất nhiên công trình đó dựa trên nền tảng của tri thức nhân loại và tham khảo những công trình đi trước - và chủ nhân của nó hứa hẹn một cuộc đời học tập và nghiên cứu về sau. Cái không đụng hàng chính là trí tuệ và tài năng của con người tiến sĩ. Nhưng thực tế không hoàn toàn diễn ra như đòi hỏi nhất thiết phải có.

Báo chí và dư luận xã hội đã thông tin không biết bao nhiêu là bằng giả, bằng dỏm, từ các chứng chỉ tin học, Anh văn, chứng chỉ nghề… cho đến bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp đại học, các luận văn sao chép… Không ai nói đến bằng tiến sĩ giả, nhưng phương tiện để đạt được loại văn bằng cao nhất này cũng có lắm nghi vấn như sao chép luận án, thuê người làm, nhờ thế lực… làm cho văn bằng bị hạ thấp, bị tầm thường hóa.  Nếu không làm sạch môi trường giáo dục ở cấp cao nhất thì những vị khoa bảng đúng thực chất của thời đại lại phải đụng với những kẻ âm mưu đứng vào hàng ngũ với mình, và con người mất niềm tin vào những người ở thượng tầng kiến trúc của xã hội.

Nếu môi trường giáo dục mà vẫn có những vàng thau lẫn lộn như thế thì ngoài xã hội, chuyện thực giả xảy ra tràn lan. Khi hàng là cái gì đang được giá, đang được thị trường ưa chuộng, thì tức khắc sẽ có người muốn đụng, nhưng đụng ỡm ờ, để khỏi bị tiếng là đụng. Khi có nhà hàng thành công với thương hiệu “Ngon”, thực khách vô ra tấp nập, thì có nơi cũng bày ra bảng hiệu có chữ “Ngon”.

Lãnh vực văn hóa văn nghệ cũng xảy ra nhiều chuyện đụng hàng. Bài nghiên cứu này xem ra có vẻ quen quen, thì ra tác giả “cầm nhầm” bài của người khác, hoặc chế biến một chút bài của người khác. Bài hát này cũng được đấy chứ! Thế nhưng tác giả “vô tình” đụng của ai đó bên Thái Lan, Hàn Quốc hay Tây, Tàu bằng cách sao chép có sửa chữa để thành của mình. Bức tranh này được chấm giải, nhưng sau một thời gian, có người phát hiện giống một bức tranh của ai đó, làm cho tác giả phải xin trả lui huy chương và giải thưởng (2).

Những chuyện đụng hàng trong các lãnh vực văn hóa, văn nghệ, giáo dục nói lên thực trạng: tính tự trọng của một số người có học, thậm chí học cao, đã trở nên xa vắng. Người tự trọng không làm việc “đụng hàng” như thế, nếu có ai lỡ đụng mà bị phát giác thì thẹn cả đời. Nhưng trước những cám dỗ đầy hấp dẫn của danh vọng và tiền tài, thì tự trọng, tàm quý của nhiều người bị bốc hơi. 

Tất nhiên dư luận chính trực đòi hỏi: Luật pháp phải nghiêm minh. Đòi hỏi đó đúng, nhưng nếu cái gốc đạo đức của xã hội không chấn chỉnh, không tô bồi, thì cái gian vẫn cứ lẩn quẩn, nhiều người vẫn cứ lách luật pháp. Vì vậy giáo dục đạo đức trong nhà trường luôn luôn là đòi hỏi cấp thiết. Một học sinh tiểu học biết tự trọng thì đó là điều kiện cần để sau này trở thành ông bà trí thức khoa bảng biết tự trọng.

Nhưng đâu phải chỉ một mình ngành giáo dục đơn độc trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức? Còn gia đình, xã hội. Chuyện tự trọng, liêm sỉ đâu có xa lạ trong xã hội quá khứ, trong đạo đức cổ truyền. Biết bao người thể hiện trong đời sống: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Riêng người Phật tử không cần đại ngôn, chỉ giữ năm giới là đã không màng đến chuyện ăn cắp, dầu là ăn cắp vật chất hay là ăn cắp của cải tinh thần như mô phỏng luận văn, bài hát, công trình, họa phẩm...

Ai cảm nhận được luật vô thường đều không đặt nặng danh vọng, huống hồ là công danh, sự nghiệp xây dựng trên nền tảng bất chính. Ai đã ngộ được lòng tham dục là liều thuốc độc khiến con người bị cuốn theo phù hoa vật chất thì sẽ không bị trúng kế những chiêu quyến dụ của thị trường quảng cáo, của thế giới ảo, của tranh đua chiếm đoạt.

Nếu may mắn được hưởng một cuộc sống vật chất đủ cho thân tâm phát triển, thì không có gì vinh quang hơn là cuộc sống tự lập, ngày càng tô bồi trí tuệ, thanh thản giữa đời và cùng chan hòa trách nhiệm, niềm vui, nỗi buồn với người thân thuộc, với bè bạn, với đất nước của mình, với nhân loại và thiên nhiên. Khi đó cá tính mỗi người đều tự nhiên nẩy nở như hoa, như cỏ, mình không đụng “hàng” ai, không ai đụng “hàng” mình, và tự ngã, ích kỷ, thu vén cá nhân sẽ loãng đi.

Trong cuộc sống xã hội đầy biến động và suy thoái đạo đức, đạo Phật như suối nguồn tươi mát cho nhân gian. Người theo đạo Phật sống vững chãi vì biết nương tựa vào Chánh pháp như nương vào ngọn đuốc soi đường, và nương tựa vào chính mình vì chính mình tự chủ đi, từ đó biết sống tự do và sống trong tương quan mật thiết với chúng sinh. 

Đó là hai mặt của cuộc sống, tưởng là đối lập nhau nhưng thật ra là hòa hợp với nhau. Có tập sống một mình, như lời dạy của Đức Phật: “Hãy là nơi nương tựa vững chắc cho chính mình”, mới không vọng ngoại, không đi tìm hạnh phúc đâu xa, mà sống an lạc với chính mình, là tự khám phá sự kỳ diệu của cuộc sống trong từng giây phút hiện tại. Sống một mình, không có nghĩa là phải tách biệt với cuộc sống xã hội, phải đến nơi vắng vẻ, phải sống lẻ loi, mà cứ là mình trong cuộc sống hiện đại, là công dân đàng hoàng. 

Có tập sống một mình mới tạo quan hệ tốt đẹp với mọi người, vì mình ung dung tự tại, không mưu cầu ai, không so đo với ai, không lợi dụng ai, “tranh thủ” ai, không chạy theo hào quang của ai, không ai phải e dè, xem chừng mình, không chơi trội, không tự phụ vì cho mình không đụng hàng, sống thật thà như sương sớm, như hoa nở, trong khi đó mình ý thức rằng, cái “tôi” này không tồn tại độc lập, may thay nhờ nhân quả và duyên sinh mà có mặt trong thế giới này để cùng chan hòa tình thương và trách nhiệm với mọi người một cách vô tư, trong sáng. 

Cao Huy Hóa

________

(1) Tuổi Trẻ online, ngày 29-3-2010, Đám tang không “đụng hàng”

(2) www.tuoitre.vn ngày 22-12-2005, Tự rút giải vì sao chép tranh?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.