Bảo tồn di tích - Công đầu thuộc về lễ hội
Đến bất cứ một lễ hội truyền thống nào ta cũng có thể chứng kiến một phức hợp các hoạt động nghi lễ, tế rước, các trò diễn dân gian, vui chơi giải trí mang tính phong tục, chủ yếu diễn ra ngay chính trong không gian của di tích. Di tích trở thành “bệ đỡ” vật chất của lễ hội. Ngược lại, các lễ hội cũng góp phần nâng cao giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích, mang đến cho di tích một sức sống trường tồn.
Mỗi lần lễ hội được tiến hành cũng là dịp để người dân hiểu biết, học hỏi thêm về di tích. Từ sự hiểu biết ấy mà họ có ý thức bảo vệ di tích. Các bài học lịch sử liên quan đến di tích được nhắc đi nhắc lại trong các dịp lễ hội sẽ thấm sâu vào mỗi con người, trở thành ý thức xây dựng và bảo vệ di tích được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Các hoạt động trong lễ hội đã lôi kéo đông đảo người dân tham gia. Điều này một mặt tạo nên niềm tự hào cho các gia đình dòng họ, mặt khác tạo nên ý thức thi đua, khuyến khích cá nhân, gia đình, dòng họ trong việc tham gia vào lễ hội mà qua đó là việc bảo tồn di tích, phong tục của làng ngày càng bền vững hơn.
Nhiều lễ hội lớn còn thu hút khách thập phương từ khắp nơi trong vùng. Thu nhập từ nguồn công đức và nguồn chi tiêu của người dân trong lễ hội mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ. Từ nguồn lợi ấy, ngoài việc đời sống của cư dân sở tại được nâng cao thì các công trình phúc lợi của làng cũng được cải tạo và nâng cấp. Mặt khác, một phần tiền công đức này được đưa vào tu bổ làm cho di tích ngày càng khang trang hơn. Thực tế ở rất nhiều di tích trong thời gian qua đã cho thấy điều đó như đền Đô của Đình Bảng, đền Bà chúa Kho của Cổ Mễ (Bắc Ninh) hay chùa Keo, đền Đồng Xâm (Thái Bình), chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)... hầu hết các hạng mục tu bổ, sửa chữa hay xây mới tại các di tích này đều được thực hiện bằng nguồn thu công đức.
Rõ ràng, nếu chúng ta biết khai thác triệt để những di sản phi vật thể trong các di tích, lễ hội truyền thống thì nguồn lợi thu về bao gồm cả giá trị vật chất và tinh thần đều không nhỏ. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di tích.
Lễ hội thường tập trung một lượng lớn người tham dự và đó cũng là nguy cơ cho di tích. |
Lễ hội cũng “tiếp tay” phá hoại di tích
Tuy nhiên, không thể không nói đến yếu tố tiêu cực của các lễ hội truyền thống. Nói cụ thể hơn là các hoạt động của lễ hội diễn ra trong không gian văn hóa phi vật thể của di tích đã có những tác động không nhỏ, góp phần phá hoại di tích.
Đó là mật độ đông đảo của người đến dự hội hay thăm viếng di tích đã làm cho không gian vật chất của di tích trở nên quá tải so với số lượng người đến thăm quá đông, khiến cho cứ mỗi lần tổ chức lễ hội là một lần các di tích lại phải oằn lưng gánh chịu sự xâm hại, đau xót chứng kiến cảnh quan môi trường xung quanh di tích bị phá hủy nặng nề.
Việc thắp hương tại các ban thờ quá nhiều, cộng với hơi người tham dự vào những nơi tôn nghiêm (thường là chật chội) cùng một lúc đã tạo ra sự hủy hoại một cách vô thức các di tích. Không ít tượng phật, lư hương, rường cột trong di tích bị khói hương ám vào quá nhiều, lâu ngày gây xấu, bẩn và mục rỗ.
Nhiều điểm di tích, buồn thay, trở thành "thùng rác di động" của người đi trảy hội. Như chùa Hương, đền Bà Triệu, đền Sóc, đền Hùng, chùa Trầm, đền Và... vào các dịp lễ hội nhìn đâu cũng thấy rác. Vấn đề vệ sinh môi trường trong những ngày này thường xuyên ở trong tình trạng quá tải. Thêm vào đó là ý thức của một số người đi hội thiếu văn hóa, ngang nhiên phá hoại cây xanh, vẽ bậy lên các di tích, sờ nắn bẻ gẫy đồ thờ, tượng phật... đã làm cho không ít di tích rơi vào tình trạng tan hoang, xơ xác sau mùa lễ hội.
Vì vậy, sự kết hợp của các ngành, các cấp trong việc bảo vệ các di tích mùa lễ hội là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân khi tham gia lễ hội thì cũng rất cần có một chế tài thật nghiêm khắc để xử phạt những đối tượng vô ý thức thừa cơ tham gia lễ hội để phá hủy di tích.