Đừng để di chứng xấu cho thế hệ sau

GN - Từ tháng 1 cho đến tháng 7-2013, có 5 vụ tự tử vì buồn chuyện gia đình  ở Bình Định, con ruột giết mẹ ở Bắc Giang, con trai giết cha mẹ ở Hà Nội, em giết anh ruột ở An Giang và những vụ cưỡng hiếp con ruột, bạo hành phụ nữ trong gia đình…

Bức tranh không mấy sáng sủa trên từ những thảm kịch trong gia đình tăng lên trong thời gian gần đây xuất phát từ những nguyên nhân khi con người hiện nay bị khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng về giá trị sống cũng như mất định hướng cuộc đời.

gia dinh hanh phuc.jpg

Hạnh phúc gia đình - nền tảng cho nhân cách đẹp của thế hệ mai sau - Minh họa từ internet

Những suy thoái về đạo đức trên là do thiếu sự giáo dục nền tảng từ gia đình đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Chúng ta biết rằng gia đình là một chiếc nôi, là môi trường đầu tiên mà đứa trẻ ra đời được tiếp xúc và bị ảnh hưởng rất nhiều. Mất niềm tin ở cha mẹ, cha mẹ mất niềm tin ở con cái, mọi thành viên mất chỗ dựa lẫn nhau trong gia đình thì nhân cách sẽ bị tổn thất trầm trọng. Trong cuộc sống mà thế giới phẳng đang ngự trị ngày nay, sự đe dọa về những ràng buộc đạo đức đã và đang có nguy cơ rạn vỡ mà không thể chế ngự được.

Vì vậy, dù cho gia đình là một thành tố quan trọng nhất, những sự tác động của xã hội, của những mối quan hệ xấu, những yếu tố và môi trường phản văn hóa từ sự thay đổi bên ngoài đã góp phần hủy hoại một bộ phận thanh niên, kể cả một bộ phận người lớn.

Trong nhịp sống đô thị hiện nay, có từ 30-40% các gia đình rơi vào cảnh cơm hàng cháo chợ. Người ta thậm chí không quan tâm đến bữa cơm gia đình mà không biết rằng, bữa cơm gia đình là sự sum họp, đoàn kết, chia sẻ cảm thông và nó chính là chiếc gương soi hạnh phúc.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã nêu rõ “… giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ, coi trọng việc xây dựng gia đình văn hóa, văn minh. Xây dựng khắng khít mối quan hệ tốt đẹp giữa gia đình, xã hội và nhà trường”.

Vừa rồi, giải báo chí TP lần thứ 31 đã trao giải nhất về phóng sự ảnh đề cập về hình ảnh một người em vừa học vừa nuôi người anh ruột bệnh tâm thần suốt thời gian từ bé đến khi vào đại học. Đó là một trong vô số những câu chuyện xúc động về đạo lý làm người đang sống quanh ta. Điều đó đã mang đến một niềm hy vọng khác về tính tích cực trong cuộc sống, là ý chí vươn lên của thế hệ trẻ với những khao khát cháy bỏng cho tương lai. Đó đây bàng bạc về những gia đình mẫu mực nề nếp, nuôi con khỏe, giáo dục con ngoan, đoàn kết tương trợ với xóm giềng. Và chúng ta còn vô số hy vọng và đặt những niềm tin rạch ròi về một nhân cách sống của dân tộc Việt Nam luôn tiêu biểu và lấy đạo lý làm đầu.

Trong Phật giáo, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt - Đức Phật đã dạy 5 điều đối với vợ và làm vợ, 5 điều đối với chồng. Bổn phận làm cha mẹ có 5 điều với con cái và con cái cũng có 5 điều với cha mẹ. Đức Phật dạy trong gia đình, quan hệ vợ chồng là điểm xuất phát, làm cơ sở cho các mối quan hệ khác, vì thế nó rất quan trọng. Nhìn lại để thấy rõ thực tế không ít trường hợp gia đình hạnh phúc, hoặc bất hạnh và tất cả điều đó đều để lại di chứng cho thế hệ sau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.