Đức Phật và loãng xương

Nhân tháng Vu lan báo hiếu, nhắc lại kiến thức của Phật về xương, về người mẹ và căn bệnh âm thầm có tên là loãng xương. Loãng xương là vấn đề đáng quan tâm vì bệnh liên quan đến nhiều hệ quả.

Sau độ tuổi 60, mật độ xương ở nữ giới thấp hơn nam đến 17% - Ảnh: ezyhealth.com
Sau độ tuổi 60, mật độ xương ở nữ giới thấp hơn nam đến 17% - Ảnh: ezyhealth.com

Lần đầu tiên tôi tiếp cận kiến thức của Phật về xương hình như là hơn 15 năm trước. Dạo đó, tôi chở bà nhạc đi chùa, và cũng tham gia với các phật tử khác tụng Kinh báo hiếu. Có lẽ hơi khác với các phật tử đang thả hồn vào lời kinh, tôi chú ý đến đoạn Đức Phật giảng về xương, mà theo kiến thức của y học hiện đại ngày nay là chính xác.

Đức Phật lý giải về xương

Theo Kinh báo hiếu, trong một chuyến đi hoằng pháp của Đức Phật, Ngài và đoàn tùy tùng đi ngang qua một đống xương khô cao như núi. Đức Phật quỳ xuống lạy đống xương. Vị tôn giả tên là A Nan ngạc nhiên hỏi sao Phật làm như thế, và Ngài giải thích rằng Ngài lạy ông, bà, cha, mẹ, hay nói chung là những bậc tiền nhân. Đức Phật bèn bảo A Nan nên sắp xếp đống xương cho thứ tự, nam nữ để riêng ra, chứ hỗn độn như thế thì rất không phải.

Tôn giả A Nan hỏi làm sao biết xương nào của nam giới và xương nào của nữ giới. Đức Phật giải thích rằng việc phân biệt cũng không khó vì trọng lượng xương của nam cao hơn nữ. Ngài còn suy luận rằng sở dĩ trọng lượng xương của nữ thấp hơn nam là vì người nữ phải mang nặng đẻ đau, mất máu và mất sữa cho con bú. Nguyên văn những câu kinh liên quan là như sau:

Nhân ngày lễ Vu lan, đọc lại những lời Kinh báo hiếu để thấy sự thông tuệ của Đức Phật, và để nhắc nhở chúng ta về sự mang nặng đẻ đau và hi sinh của những bà mẹ. Nhìn nhận những sự thật này cũng là một cách để chúng ta hiểu rằng chính chúng ta - những người con - mang hình hài của mẹ là một phần của nguyên nhân dẫn đến loãng xương cho mẹ.

Phật mới bảo: A Nan nên biết
Xương nữ nam phân biệt rõ ràng
Ðàn ông xương trắng nặng hoằng
Ðàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn.

Ngươi có biết cớ chi đen nhẹ?
Bởi đàn bà sanh đẻ mà ra
Sanh con ba đấu huyết ra
Tám hộc, bốn đấu sữa hòa nuôi con.

Nên nhớ rằng những suy luận này (chẳng biết tôi dùng từ “suy luận” có đúng không nữa) đã được phát biểu từ hơn 2.500 năm trước. Ở thời điểm đó thì chắc chắn không có thiết bị y khoa để đo lường xương mà so sánh nặng hay nhẹ. Vậy chúng ta thử “kiểm định” xem những gì Đức Phật suy luận có đúng với thực tế hay không.

Mật độ xương

Ngày nay, với phương tiện vật lý (như máy hấp thu hai tia năng lượng - dual energy X ray absorptiometry hay DXA), chúng ta có thể đo lường được lượng chất khoáng trong xương (bone mineral content). Lượng này thường được tính bằng gam. Nhưng để so sánh hai nhóm một cách khách quan, chúng ta cần phải tính lượng chất khoáng trên diện tích xương (hoặc thể tích xương).

Diện tích vùng xương được đo thường được mô tả bằng centimet vuông (cm2). Lấy lượng chất khoáng trong xương chia cho diện tích xương, chúng ta có chỉ số có tên là “bone mineral density” (mật độ chất khoáng trong xương, nhưng quen gọi tắt là mật độ xương) với đơn vị đo lường là gam/cm2. Những xương quan trọng thường là xương cột sống và xương đùi, vì đây là những nơi xương hay bị gãy.

Gần đây, chúng tôi đã đo mật độ xương trên 1.200 nam và nữ ở TP.HCM. Kết quả cho thấy nữ có mật độ xương thấp hơn nam. Nhưng sự khác biệt còn tùy thuộc độ tuổi. Ở độ tuổi 20-30, tính trung bình, mật độ xương đùi ở nữ giới thấp hơn nam giới khoảng 5%. Nhưng sau độ tuổi 60, mật độ xương ở nữ giới thấp hơn nam đến 17%. So với độ tuổi 20-30, mật độ xương ở nữ tuổi 60 trở lên mất gần 40%. Như vậy, bằng tuệ giác của mình, Đức Phật đã suy đoán đúng rằng nữ có trọng lượng xương thấp hơn nam.

Vai trò của estrogen

Tại sao ở độ tuổi 60 trở lên nữ có mật độ xương thấp hơn nam? Có nhiều nguyên nhân cho sự suy giảm mật độ xương ở nữ. Một trong những lý giải được nhiều người chấp nhận nhất và có chứng cứ khoa học nhất là do suy giảm hormone giới tính estrogen.

Estrogen là một hormone đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết quy trình chuyển hóa xương. Quy trình này rất phức tạp, với sự “tham gia” của hai nhóm tế bào tạo xương và hủy xương. Khi các tế bào tạo xương hoạt động tích cực hơn các tế bào hủy xương, chất khoáng trong xương được tạo ra; ngược lại, khi các tế bào hủy xương hoạt động tích cực hơn tế bào tạo xương thì chất khoáng trong xương bị suy giảm. Nồng độ estrogen trong cơ thể có chức năng ức chế các tế bào hủy xương bằng cách ngăn chặn một enzyme có tên là caspase-3. Do đó, ở nữ giới, người có nồng độ estrogen cao thường là những người có mật độ xương tốt.

Có ba loại estrogen chính là estradiol, estrone và estriol. Nhưng estradiol có ý nghĩa lâm sàng hơn hai loại kia. Ở nữ, estradiol chủ yếu được sản sinh từ buồng trứng; ở nam, estradiol được chuyển hóa từ testosterone (chú ý rằng testosterone là hormone nam tính). Do đó, nồng độ estrogen có thể đo từ máu, và từ kết quả xét nghiệm có thể biết được một cá nhân thiếu hay đủ estrogen.

Nồng độ estradiol trong máu ở nam và nữ có xu hướng biến chuyển rất khác nhau. Ở nam, nồng độ estradiol chỉ dao động trong khoảng 20 pg/mL và hầu như không suy giảm theo độ tuổi. Tuy nhiên, ở nữ Việt Nam, nồng độ estradiol trong độ tuổi xuân thì khoảng 90 pg/mL, nhưng đến tuổi sau mãn kinh (tức sau 50 tuổi) thì giảm xuống chỉ còn 12 pg/mL, đến tuổi 60 trở lên chỉ còn 7,5 pg/mL.

Sự suy giảm estradiol ở nữ giới sau thời kỳ mãn kinh (hay sau độ tuổi sinh sản) cũng có nghĩa là sự trỗi dậy của các tế bào hủy xương, dẫn đến sự suy giảm mật độ xương ở nữ giới.

Ngoài estrogen, còn có vài yếu tố khác liên quan đến quá trình sinh sản cũng làm cho xương của phụ nữ suy giảm. Sự suy giảm xương của người mẹ xảy ra ngay trong thời gian mang thai. Trong thời gian này, nhất là ba tháng đầu thai kỳ, bào thai cần calcium để phát triển bộ xương, và nguồn calcium phải đến từ người mẹ. Mặc dù trong thời gian mang thai, nồng độ estradiol tăng cao nhưng mật độ xương của người mẹ vẫn bị suy giảm, một phần là do chuyển calcium từ mẹ sang con.

Trong thời gian bà mẹ cho con bú (sữa mẹ) mật độ xương cũng suy giảm. Một số nghiên cứu trên những bà mẹ ở nước ngoài cho thấy trong thời kỳ này, mật độ xương của người mẹ giảm khoảng 3-9%, đặc biệt là xương cột sống và xương đùi. Cho con bú sữa mẹ cũng có nghĩa là chia sẻ calcium (một chất khoáng quan trọng trong xương) cho đứa con. Tuy nhiên, sau đó mật độ xương có vẻ “khôi phục” bình thường lại. Do đó, thường thường (không phải tất cả) những bà mẹ có nhiều con cũng là những người có mật độ xương suy giảm.

Điểm qua những sự thật trên, chúng ta thấy nữ giới có mật độ xương thấp (hay nói theo ngôn ngữ của Phật là trọng lượng xương thấp) hơn nam là do ba yếu tố chính: suy giảm estradiol trong máu, chuyển calcium cho bào thai trong lúc mang thai, và chuyển calcium cho con sau khi sinh con. Như vậy, suy luận của Đức Phật về sự mất máu và sinh sản dẫn đến suy giảm trọng lượng xương ở nữ cũng hoàn toàn đúng.

Hệ quả giảm mật độ xương

Suy giảm mật độ xương có ý nghĩa quan trọng đến sức khỏe của xương. Mật độ xương càng thấp, nguy cơ bị gãy xương càng cao. Do đó, mật độ xương đo bằng máy DXA được dùng để chẩn đoán loãng xương. Mật độ xương ở những người trên 50 tuổi được so sánh với mật độ xương lúc 20-30 tuổi, và thể hiện bằng một chỉ số có tên là “chỉ số T” (thuật ngữ tiếng Anh là T-score). Trong thực tế, chỉ số T được tính toán bằng cách lấy mật độ xương của một cá nhân trừ cho mật độ xương lúc 20-30 tuổi và chia kết quả cho độ lệch chuẩn. Khi chỉ số T của một cá nhân (trên 50 tuổi) bằng hoặc thấp hơn -2.5 thì được chẩn đoán là “loãng xương”.

Dùng tiêu chuẩn chẩn đoán trên, chúng tôi có thể đánh giá quy mô loãng xương ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của chúng tôi tại TP.HCM và Hà Nội, ở những người trên 50 tuổi, cứ 10 người nữ thì khoảng 3 người bị loãng xương; ở nam, cứ 10 người thì 1 người bị loãng xương. Dùng số liệu dân số của Việt Nam năm 2010, chúng tôi ước tính hiện nay có khoảng 2 triệu nữ và nửa triệu nam trên 50 tuổi đang trong tình trạng loãng xương.

Những người loãng xương có nguy cơ bị gãy xương tăng gấp 2-3 lần so với người có mật độ xương bình thường. Gãy xương, nhất là gãy cổ xương đùi, là một biến cố quan trọng trong một đời người. Bị gãy xương một lần làm tăng nguy cơ gãy xương lần thứ hai, và nguy cơ tử vong. Khoảng 15-20% bệnh nhân gãy cổ xương đùi tử vong trong vòng 12 tháng. Ở nữ, nguy cơ gãy cổ xương đùi tương đương với nguy cơ ung thư vú. Rất ít người biết rằng nguy cơ tử vong vì gãy cổ xương đùi cũng bằng hoặc cao hơn nguy cơ tử vong vì ung thư vú. Hiện nay, có một số thuốc có thể sử dụng để điều trị loãng xương, giảm nguy cơ gãy xương, và một vài thuốc còn giảm nguy cơ tử vong vì gãy xương.

Nói tóm lại, loãng xương ở nữ giới cao hơn nam giới, do mật độ xương ở nữ thấp hơn nam. Loãng xương ở nữ giới là một hệ quả của suy giảm estrogen khi về già, chuyển giao calcium cho người con trong khi mang thai và sau khi sinh con. Những khía cạnh này đã được Đức Phật đề cập đến hơn 2.500 năm trước!

Nguyễn Văn Tuấn (TTCT)

____________

Số liệu trong bài này có thể tham khảo từ hai công trình chính sau đây:

(1) Hồ Phạm Thục Lan và đồng nghiệp, “Reference ranges for bone mineral density and prevalence of osteoporosis in Vietnamese men and women” công bố trên tập san BMC Musculoskeletal Disorders 2011.
(2) Nguyễn Thị Thanh Hương, “Peak bone mineral density in Vietnamese women”, công bố trên tập san Archives of Osteoporosis 2009.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.