“Đức Phật trong ba lô” & hành trang của tuổi trẻ

GN - Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng rất nhiều người trẻ lớn lên trong xã hội chúng ta đang thiếu lý tưởng, hoặc có lý tưởng nhưng xa rời thực tế.

Khi đối phó với áp lực xã hội hiện đại, khi nhu cầu vật chất chi phối suy nghĩ và hành động của số đông, việc người trẻ xây dựng giá trị sống trên tư duy thực dụng là điều không khó hiểu. Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã nêu lên thực trạng “suy dinh dưỡng tâm hồn” của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân đơn giản là bởi các em không hấp thụ được những thứ chúng ta muốn, mà lại “nạp” vào nhiều thứ không phù hợp với thể tạng, cơ địa của mình.

duc-phat-trong-ba-lo.jpg

Daisaku Ikeda là một triết gia, nhà giáo dục, tác giả và người ủng hộ giải trừ hạt nhân của Nhật Bản. Đức Phật trong ba lô là một trong số những tác phẩm khá thú vị của ông. Khác với nhan đề, đây không hoàn toàn là một cuốn sách nói về triết lý nhà Phật mà là cuộc đối thoại nhẹ nhàng về cuộc sống với nhiều vấn đề và những gì có thể xảy ra.


Daisaku Ikeda viết cuốn sách này dành cho người trẻ và ông cũng bộc bạch rằng “bản thân tôi có một niềm tin vô hạn dành cho giới trẻ”. Trong sách, ông đề cập từ chuyện học tập đến công việc, đặc biệt nhấn mạnh đến ước mơ và mục tiêu trong cuộc sống, cũng như sự tự tin, dũng cảm và lòng từ bi. Cái khác biệt đó là Daisaku Ikeda đặt tất cả những điều kể trên dưới góc nhìn của Phật pháp.

Đề cập đến ước mơ và mục tiêu, Daisaku Ikeda nói rằng đôi khi, rất nhiều ước mơ dường như không bao giờ trở thành hiện thực. “Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Thầy Toda từng nói với tôi: Hoàn toàn chính đáng khi giới trẻ ấp ủ những ước mơ có vẻ như quá lớn. Những điều chúng ta có thể đạt được trong một kiếp người luôn chỉ là một phần nhỏ những gì mà chúng ta mong muốn có được. Bởi vậy, nếu bạn bắt đầu với kỳ vọng quá thấp, rất có thể cuối cùng bạn sẽ không đạt được bất cứ điều gì”.

Quan trọng hơn hết, tuổi trẻ phải biết mình muốn làm gì trong tương lai. Dù việc không chắc chắn về tương lai là điều rất tự nhiên, nhưng cần thiết hơn cả là phải hoàn thành được việc gì đó. Việc khám phá ra mục đích và mơ ước của chúng ta bắt đầu với quyết định đi tìm chúng.

Ngoài ra tuổi trẻ phải tìm được sứ mệnh của mình trong cuộc sống, phải ước mơ đóng góp cho việc xây dựng một xã hội phát triển trên cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Đó cũng chính là ước mơ hạnh phúc. Tuổi trẻ phải ý thức được rằng hạnh phúc của chính mình tồn tại khi những người chung quanh cũng hạnh phúc như mình.

Ikeda mong muốn tuổi trẻ ý thức về việc tìm một công việc phù hợp với mình. Về công việc, Ikeda nhắc lại lời Tsunesaburo Makiguchi - Chủ tịch đầu tiên của Soka Gakkai rằng có ba tiêu chuẩn: cái đẹp, lợi ích và cái thiện. Trong thế giới đang vận động, tìm một công việc bạn thích tương ứng với tiêu chuẩn về cái đẹp; để tìm một công việc với tiền lương có thể chu cấp cho cuộc sống hàng ngày của bạn tương ứng với tiêu chuẩn về lợi ích; và tiêu chuẩn về cái thiện nghĩa là tìm một công việc giúp đỡ những người khác và đóng góp cho xã hội.

Hành trang vào đời của tuổi trẻ ngoài lòng can đảm, sự tự tin, đối diện với mọi trở lực, sự chỉ trích hay cả sự thất bại bước đầu còn một phẩm tính quan trọng nữa là lòng từ bi. Trong cuộc sống, một cử chỉ yêu thương hay câu nói đồng cảm có thể để lại ấn tượng không bao giờ phai. Chân thành mong muốn thấy người khác được hạnh phúc, đó là điều mà chúng ta nên nỗ lực hướng tới mỗi ngày.

Cuốn sách Đức Phật trong ba lô mang lại một cách nhìn mới mẻ về cuộc sống cũng như tất cả những điều nhỏ nhặt nhưng quan trọng đối với tuổi trẻ. Mục đích của cuốn sách không phải biến tuổi trẻ thành những Phật tử mà khuyên họ hãy cứ là chúng sinh nhưng là những chúng sinh hạnh phúc, biết trân trọng và tận hưởng hạnh phúc.

Phạm Văn Nga / Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.