Trong thông điệp này, Đức Dalai Lama kêu gọi sự đoàn kết và hợp tác toàn cầu để chung tay bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại.
Nội dung bức thông điệp gửi đến những vị lãnh đạo trên toàn thế giới như sau:
"Tôi rất hoan hỷ khi biết rằng Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26, hướng đến giải quyết những vấn đề cấp bách về khí hậu được tổ chức tại Glasgow, Scotland.
Trái đất nóng lên là một thực tế vô cùng cấp bách. Không ai trong chúng ta có thể thay đổi quá khứ, tuy nhiên tất cả chúng ta đều có trách nhiệm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Thực sự, chúng ta phải chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình và cho hơn 7 tỷ người đang sinh sống trên trái đất này nhằm đảm bảo rằng tất cả chúng ta đều có thể tiếp tục có một cuộc sống bình yên và an toàn. Chúng ta phải chăm sóc cho cuộc sống của bản thân và cả những người xung quanh bằng tất cả hy vọng và quyết tâm của mình.
Tổ tiên chúng ta xem trái đất là nơi rộng rãi và trù phú, nhưng hơn thế nữa, đó chính là ngôi nhà duy nhất của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ trái đất không những cho chính bản thân mình mà còn cho những thế hệ tương lai và vô số loài sinh vật cùng chung sống với chúng ta trên hành tinh này.
Cao nguyên Tây Tạng là bể băng lớn nhất thế giới chỉ đứng sau Bắc Cực và Nam Cực nên thường được gọi là “cực thứ ba” của trái đất. Tây Tạng là thượng lưu của nhiều con sông lớn trên thế giới, chẳng hạn như sông Brahmaputra, sông Hằng, sông Indus, sông Mekong, sông Salween, sông Hoàng Hà và sông Dương Tử.
Những con sông này là cội guồn của sự sống bởi chúng cung cấp nước uống, nước tưới tiêu cho nông nghiệp và thủy điện cho hơn hai tỷ người khắp châu Á. Sự tan chảy của vô số tảng băng ở Tây Tạng, việc dựng đập chắn ngang dòng sông và nạn tàn phá rừng đã minh chứng cho việc lơ là đối với sinh thái ở một khu vực nào đó có ảnh hưởng đến hầu hết tất cả mọi nơi trên toàn thế giới như thế nào.
Ngày nay, chúng ta cần cứu lấy tương lai của trái đất không phải bằng những lời cầu nguyện vì sợ hãi, mà bằng chính những hành động thực tế dựa trên nền tảng hiểu biết về khoa học. Mỗi cá thể sinh sống trên hành tinh này đều phụ thuộc lẫn nhau. Vì vậy, tất cả những gì chúng ta làm đều ảnh hưởng đến nhân loại cũng như vô số loài động thực vật khác.
Con người chúng ta là sinh vật duy nhất có sức mạnh hủy diệt trái đất, nhưng chính chúng ta cũng là loài sở hữu khả năng lớn nhất để bảo vệ trái đất. Chúng ta phải giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu nhằm hướng đến lợi ích chung cho tất cả mọi người.
Để làm được điều đó, chúng ta phải thực hiện những việc nhỏ ở phương diện cá nhân mỗi người. Ngay cả việc hàng ngày như cách chúng ta sử dụng nước và xử lý những gì mà chúng ta không dùng đến nữa cũng tạo nên ảnh hưởng không nhỏ. Chúng ta phải xem việc bảo vệ môi trường thiên nhiên là một phần của cuộc sống hàng ngày và hãy học những gì mà khoa học đã dạy cho chúng ta.
Tôi rất phấn khởi khi nhận thấy rằng các thế hệ trẻ gần đây đang tiến hành các hoạt động thiết thực đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Đây chính là hy vọng của tương lai sau này. Những nỗ lực của các nhà hoạt động trẻ như Greta Thunberg nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải học hỏi và làm theo khoa học rất quan trọng. Cơ sở của họ rất thực tế, vì vậy, chúng ta phải khuyến khích họ.
Tôi thường nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc duy trì ý nghĩa cá nhân của nhân loại, mỗi người trên trái đất này là một phần của chúng ta. Trái đất nóng lên và khí hậu biến đổi là mối đe dọa không biệt phân ranh giới; tác động của nó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.
Bởi vì phải cùng nhau đối mặt cuộc khủng hoảng này, nên chúng ta bắt buộc phải hành động trên tinh thần đoàn kết nhằm hạn chế hậu quả của nó. Tôi hy vọng và nguyện cầu rằng các nhà lãnh đạo sẽ chung sức thực hiện các phương pháp toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng cấp bách này và đặt ra một thời gian biểu cụ thể cho sự thay đổi trong tương lai. Chúng ta phải hành động vì một thế giới xanh an toàn và hạnh phúc hơn".