Đưa mẹ chiêm bái Phật đài

GN - Hơn năm năm rồi gần như Mẹ không đi chùa.

Tuổi đã trên chín mươi, vai gầy vóc hạc, tuy vẫn còn minh mẫn hàng ngày an vui với pháp Phật, bầu bạn với thi ca, nhưng hai chân Mẹ đã yếu đi rất nhiều, Mẹ chỉ luẩn quẩn trong căn phòng nhỏ, ra vào với những bước ngắn trong phạm vi ngôi từ đường rêu phong cổ kính…

chiem bai (5).jpg


Với dáng ngồi bình yên đó, mẹ chiêm ngưỡng tôn tượng Đức Phật A Di Đà uy nghiêm

Nói là “gần như” vì cách đây khoảng hai năm, trong dịp Tết Nguyên đán, Mẹ nhớ chùa quá chừng quá đỗi, nên lệnh cho em gái tôi, nhà thơ T.N.Thanh Yên, người gần gũi hầu hạ chăm sóc Mẹ từ hơn ba mươi năm qua, kêu taxi chở hai mẹ con xuất hành đầu xuân đến các tự viện để lễ Phật và chúc thọ chư tôn đức Hòa thượng, rồi về lại khoảng không gian bé nhỏ và yên tĩnh của mình. Thêm một lần khác, hay tin Hòa thượng trú trì chùa Long Sơn viên tịch, dù đang rất yếu, Mẹ vẫn cố gắng có mặt trong buổi lễ cung tiễn kim quan của Hòa thượng nhập bảo tháp. Không thể chen vào đám đông, càng không thể lên đồi băng núi, Mẹ đành tìm một góc lặng lẽ trong khuôn viên chùa, để đứng đó dõi mắt trông theo với nước mắt ràn rụa…

Chắc chắn rằng Mẹ nhớ chùa lắm. Nhớ da diết. Nhớ rất nhiều tự viện, nhớ bao chốn già-lam thánh chúng mà trong suốt quãng đời dốc lòng theo tu học và phụng sự Chánh pháp dài bảy mươi năm thăng trầm, Mẹ đã có nhiều kỷ niệm gắn bó sâu sắc, chừng như đó là những hơi thở thiết yếu đầy mầu nhiệm mà Mẹ không thể thiếu vắng đi được cho đời kiếp này của mình.

Hè rồi, nhân có chị Năm và chị Tám của tôi ở Sài Gòn về Nha Trang thăm Mẹ, du lịch nghỉ mát, Mẹ đưa ý cho các con gái: muốn được chiêm bái Phật đài ở “chùa Đá Lố”.

Chùa Đá Lố, là tên gọi dân dã, chính danh là “Tòng lâm Lô Sơn Tịnh Độ tự”, thuộc thôn Như Xuân, xã Vĩnh Phương, ngoại thành cách Nha Trang chừng 4km về hướng Tây bắc. Nơi đây có tượng “Đại Phật Từ phụ A Di Đà” lộ thiên rất nổi tiếng, đã được xác lập kỷ lục là “Tượng Phật cao nhất Việt Nam”, với chiều cao 48m (thân tượng 37m, tượng trưng cho 37 phẩm trợ đạo, liên hoa đài cao 11m với đường kính 20m).

Số là vào năm 2012, trong buổi sáng ngày lễ khánh tạ tôn tượng A Di Đà vĩ đại này, tôi có được phước duyên tham dự, và chụp được một album ảnh mang về trình lên để Mẹ ngắm xem. Mẹ xuýt xoa trầm trồ, cứ cầm album trên tay mà ngắm đi ngắm lại hoài suốt ngày, với nét mặt đầy ưu tư khắc khoải. Một số hình ảnh trong album này đã được Mẹ chọn lọc rồi gửi ra chùa Hồng Ân ở Huế, trình lên Sư trưởng Viên Minh (Ni trưởng vừa viên tịch hôm 30-6-Giáp Ngọ, thọ 101 tuổi - GN) xem để biết một công trình mới đồ sộ và quý báu của Phật giáo tỉnh Khánh Hòa nói riêng, và cả nước nói chung, vì Sư trưởng đã rời Ni viện Diệu Quang, trở về tổ đình trên đất cố đô cũng đã lâu rồi nên có thể không hay được. Tôi nhớ, do hôm đó trời mưa lâm râm, mây mù, nắng yếu ớt lóe lên rồi chợt tắt, nên những tấm ảnh không được rõ đẹp, nên tôi có định bụng sẽ đi chọn một ngày đẹp trời đi chụp lại để Mẹ ngắm xem cho thỏa thích, mãn nhãn. Không ngờ, khi dự định của tôi chưa được thuận duyên thực hiện, thì Mẹ đã đưa ý muốn được đến tận nơi chiêm bái Phật đài. Lành thay, lành thay!

Sáng hôm sau, đến giờ tập trung tại nhà từ đường, tôi chưng hửng khi thấy vẻ mặt hai người chị của mình ỉu xìu. Hỏi mới hay, Mẹ đổi ý… không đi nữa. Mô Phật! Lý do? Mẹ cảm thấy không khỏe, đang mệt trong người, sợ rằng không đi nổi một chặng đường dài trên taxi, nên hẹn khi khác, khi nào thấy thật sự mạnh khỏe. Tôi phải vào phòng ngồi hầu chuyện, trấn an Mẹ hết lời. Mẹ nói: “Thôi, Mẹ ngắm tượng Ngài trong album hình của con chụp là được rồi, đầy đủ rồi!”. Tôi phải cố gắng thuyết phục: “Ngắm xem qua hình ảnh thì Mẹ đâu có thể hình dung và cảm nhận được sự vĩ đại của tôn tượng Đức A Di Đà một cách trung thực? Mẹ phải đích thân đến tận dưới chân tượng của Ngài, tay chạm sờ vào đài sen, rồi bước qua đứng ngay phía bên dưới tay trái phóng quang của Ngài để nhất tâm nhất niệm mà đón nhận nguồn sáng nhiệm mầu được rọi chiếu từ lòng bàn tay của Ngài xuống bể khổ sông mê. Một lần trong đời thôi, Mẹ ơi!”. Mẹ ngẫm nghĩ, ngần ngừ, rồi nguýt mắt một cái như mắng yêu tôi, dõng dạc: “Ừ, thì đi!”. Mẹ đứng dậy với bộ dạng khỏe khoắn, bước lại bên tủ đứng, lấy ra chiếc áo dài màu lam giản dị và quen thuộc. Tôi bước ra khỏi phòng, hai chị và em gái tôi đang hồi hộp chờ tin giờ chót. Tôi cười, hô lên: “Đi nào. Cùng nhau đưa Mẹ chiêm bái Phật đài!”.

Suốt chặng đường ngồi trên xe đi về hướng Bắc thành phố, qua cửa kính, Mẹ trầm ngâm nhìn ngắm cảnh vật bên đường đã thay đổi nhiều, mà đã lâu năm rồi Mẹ chưa ngang qua đi lại.

… Chiếc taxi đã chạy qua con dốc, dẫn lên đến khuôn viên chùa Tòng Lâm Lô Sơn, chỉ được phép giới hạn đậu ở điểm đã quy định. Chúng tôi dìu Mẹ xuống xe. Đôi chân gầy yếu của Mẹ chính thức đặt chân lên thánh địa. Sau khi được đến gần dưới chân tôn tượng Đức A Di Đà khổng lồ để lễ bái, bốn cô con gái dìu Mẹ thong dong tham quan một lượt mấy công trình phụ ven đồi đầy màu sắc trang nghiêm thanh tịnh và thi vị, chụp ảnh lưu niệm, ghi lại những khoảnh khắc, những phút giây quý hiếm trong quãng đời còn lại ngắn ngủi của Mẹ với kiếp nhân sinh trăm năm nhấp nhô bào ảnh.

Nắng đã chói chang. Đến lúc mỏi mệt, Mẹ tìm đến một tảng đá dưới bóng mát cây xanh để ngồi nghỉ chân. Chúng tôi hầu quanh. Mẹ khẽ bảo: “Mấy chị em con hãy thay mặt Mẹ lên chánh điện lễ Phật, cúng dường Tam bảo, chứ Mẹ không đủ sức để đi lên trên đó. Để thằng Hữu ở lại với Mẹ là được rồi. Các con hãy bạch với thầy trú trì, rằng Mẹ rất tiếc là đã đến được đây mà không lên được tận trên để đảnh lễ, hầu chuyện thầy”…

chiem bai (2).jpg


Chân dung từ mẫu - Ảnh: Tâm Không Vĩnh Hữu

Mẹ ngồi đó, trên tảng đá tròn nhẵn dưới bóng mát của những cây dương, ngồi lặng thinh, hướng mắt nhìn ra phía trời xanh mây trắng, nơi đang hiển hiện hình bóng uy nghiêm và vĩ đại của Đức “Tây phương Cực lạc Thế giới Đại từ Đại bi Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật”. Khoảnh khắc lặng thinh, im lìm đầy thiêng liêng của Mẹ, đã được ghi lại vào chiếc máy ảnh kỹ thuật số, và khi xem qua trên máy, tôi thật sự rúng động.

Một lát, không rõ Mẹ đã khỏe lại chưa, mà lại bảo tôi dìu đi thêm một lượt nữa, chụp ảnh lưu niệm bên các tảng đá cảnh có khắc chữ thư pháp, rồi vào đến vườn Lộc Uyển để bái Phật, bái Thánh chúng, như muốn được lắng nghe lại bài thuyết pháp đầu tiên về “Tứ diệu đế” của Đức Bổn sư Thích Ca truyền đạt cho năm anh em ngài Kiều Trần Như…

Vừa rời khỏi vườn Lộc Uyển thì thấy em gái tôi đang vội vội vàng vàng xuống đến nơi, thưa với Mẹ: “Thầy trú trì mời Mẹ lên ạ!”. Hỏi ra mới hay, thầy Trừng Thi khi hay tin Mẹ chúng tôi chính là nữ sĩ Tâm Tấn, đang có mặt bên dưới chùa nhưng vì sức khỏe nên không lên chánh điện lạy Phật và yết kiến chư Tăng được, thầy liền gọi xuống báo cho trạm bảo vệ… phá lệ. Vậy là Mẹ được chúng tôi dìu lên xe. Chiếc taxi được ưu tiên chạy thẳng lên đến tận thềm hiên của ngôi đại hùng bảo điện. Thầy trú trì đón tiếp Mẹ thật niềm nở, chu đáo. Mẹ thật sự xúc động và mừng vui khi được hầu chuyện với thầy, vì mới vừa rồi Mẹ cứ nghĩ mình không được phước duyên đó.

… Như vừa được hồi sinh, Mẹ tươi vui và không chút mệt nhọc trong suốt quãng đường ngồi trên xe trở về lại nhà.

Ngay chiều hôm đó, tôi đã mang đi rọi một album ảnh để trình Mẹ ngắm xem. Xem xong, Mẹ nói khẽ với tôi: “Để khi nào Mẹ thấy khỏe thiệt khỏe, rồi coi ngày nào trời trong nắng đẹp, Mẹ muốn quay lại chiêm bái Phật đài, thăm chùa một lần nữa!”.

Lành thay, lành thay!

Đó là ước muốn của Mẹ. Và riêng cá nhân tôi nghĩ, đó là cơ hội, là ân huệ dành cho các anh chị em xa gần của tôi, con cháu xa gần của tôi, những người chưa được thuận duyên đưa Mẹ chiêm bái Phật đài trong chuyến đi đáng nhớ đó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.