Du lịch văn hóa tâm linh và hành hương thăm chùa Huế

Sử quan thế giới hôm nay có cách nhìn đổi mới, các quốc gia Âu Mỹ và tiếp nối là các châu Á, châu Phi và châu Đại Dương đã gọi thời phong kiến là trung đại. Vua chúa ngày xưa lo xây dựng cung điện, lăng tẩm, đền đài, chùa tháp , nhà thờ, chiến lũy, lâu đài… để bảo vệ vương quyền , tính kế dài lâu ngôi báu trị vì.

Không vị vua chúa nào nghĩ đến chuyện hậu duệ sau này lại kinh doanh những di sản này, thậm chí cho những nhà đầu tư kinh doanh và phát huy ngành công nghiệp không khói với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch tôn giáo và dịch vụ liên quan khác. Các nước có nền du lịch tâm linh thu hút du khách đông đảo nhất phải nói đến các nước nằm trên dãy Hymalaya, Ấn Độ, Thái Lan, Myanma, Tây Tạng.

WDL.jpg

Vào thời đổi mới, Việt Nam đã nhanh chóng mở cửa và phát huy ngành du lịch và kịp thời đường lối phát triển bền vững đem lại hiệu quả đem lại ngày một lớn hơn. Những hiểm họa về mặt đạo lý và những mặt tiêu cực trong du lịch là điều phải cảnh giác và cảnh báo và kịp thời có giải pháp để ngăn chặn. Bằng không thì lợi bất cập hại không những cho đời nay và còn cho cả con cháu đời sau.

Chưa bao giờ ngành du lịch văn hóa tâm linh được đề cập và bước đầu phát huy như hôm nay. Việt Nam mở rộng dịch vụ du lịch, thu hút du khách không những phát triển du lịch thuần túy mà cả du lịch văn hóa tâm linh. Đầu thế kỷ XX và kể từ khi UNESCO công nhận Huế là di sản văn hóa thế giới, thì ngành du lịch tâm linh ở cố đô Huế đã bắt đầu chớm nụ.

Nay đọc hồi ký của nhà thơ Thanh Tịnh, xuất thân từ một hướng dẫn viên du lịch, đã đưa các du khách có tầm cở vừa trí tuệ vừa đại gia đi thăm các lăng tẩm, các Quốc tự như Thiên Mụ, Thánh Duyên ở cửa biển Tư Hiền bằng ô tô chạy dọc theo miền duyên hải từ cửa Thuận An cho đến núi Linh Thái, núi Thúy Vân để điểm đến cuối là Thánh Duyên Quốc tự. Du khách đã hợp đồng, có chương trình làm việc cụ thể với phòng du lịch Huế đặt trụ sở và văn phòng ở Tòa Khâm với khách sạn Morin và cả với hướng dẫn viên Thanh Tịnh. Đương nhiên nhà văn Thanh Tịnh phải giàu vốn cổ, sành sỏi tiếng nước ngoài đã đành mà còn phải học tập, điều nghiên về nếp sống chốn thiền môn. Nhà thơ Thanh Tịnh đã đi tiền trạm giao ước với nhà chùa như là “một cách xin phép” và nói rõ chương trình làm việc để nhà chùa có thì giờ chuẩn bị cách tiếp đoàn mà cả nhiều phía đều hoan hỷ.

Xưa nay theo đạo phong thì nhà chùa, nhất là chùa Huế, chưa bao giờ nghĩ đến việc tổ chức du lịch, cách thức làm du lịch. Nhưng việc du khách có thiện tâm đến xin viếng cảnh, nghiên cứu văn hóa lịch sử đúng cách thức thì các vị trú trì ở các Quốc tự xưa mà nay là di tích văn hóa – lịch sử khó lòng mà từ chối. Vì sao thế? Cửa chùa luôn luôn rộng mở.

Ở tại hội thảo khoa học do Phân viện Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Nam tại Huế tổ chức vào ngày 7.5.2010, về Di Sản Văn Hóa Phật Giáo, tham quan chùa Huế, du lịch tâm linh, du lịch tôn giáo, để thỏa hiệp giữa nhà chùa và du lịch. Ngẫm nghĩ cũng hay, nhưng giải pháp thì thật khó, liệu làm sao du khách đến để thỏa mãn tham quan và cả vấn đề tâm linh, nhưng liệu du khách có đến lại lần thứ hai hay không là điều cần bàn hơn.

Một khi chưa có hội thảo và các thỏa thuận giữa chùa chiền và du lịch nhưng ở chốn u tịch thiền môn đó cây gió vẫn đưa hương, khói trầm thanh tịnh, thanh tịnh an lành hằng ngày vẫn đón khách thập phương đến chiêm bái và tu học Phật pháp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.