Du lịch tâm linh: Quán âm Phật Đài hiển linh

Bạc Liêu, quê hương của bản Dạ Cổ Hoài Lang, của giai thoại công tử Bạc Liêu, có nhiều điểm du lịch nức tiếng và một trong đó là điểm du lịch văn hóa tâm linh: Quán Âm Phật Đài, với lễ hội Quán Âm Nam Hải ngay cửa biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu.

quanam 1.jpg
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người nắn nót phím tơ lòng, sáng tạo nên bản Dạ Cổ Hoài Lang trứ danh. Con đường mang tên Ông trải dài 8 km với điểm đầu là trung tâm thành phố trẻ Bạc Liêu, điểm cuối là cửa biển. Trên con đường này gần 100 năm trước, chàng thiếu niên Cao Văn Lầu ngày hai buổi đi bộ ra biển lo kiếm bữa ăn hàng ngày. Còn nay, chỉ mất khoảng 10 phút ngồi trên xe, giữa một vùng bao la những đầm nuôi tôm và mặn mòi gió biển; trong một tổng thể các điểm du lịch vườn chim – vườn nhãn cổ - cửa  biển Nhà Mát Bạc Liêu…, bạn đã đặt chân đến khu Quán Âm Phật Đài; đã có thể tận hưởng một không gian thoáng đãng, không khí trong lành thoang thoảng khói hương; trong rì rầm sóng vỗ, hoặc nghe một tiếng chuông ngân dài rồi nhẹ tan vào cõi hư vô… Trong nhộn nhịp đến rồi đi của phật tử và du khách, trong nhịp sống sôi động của một thành phố trẻ duyên dáng soi mình bên bờ biển Đông ngày đêm sóng vỗ, bạn vẫn tìm thấy ở nơi này một không gian yên tĩnh. Để mà đắm chìm vào những suy nghĩ, chiêm nghiệm. Để mà thanh lọc tâm hồn, tẩy gội bụi trần…Quán Âm Phật Đài. Được xây dựng từ năm 1973, đến năm 1975 thì tượng Bồ tát Quán Thế Âm hoàn thành, thu hút khách thập phương tìm đến và chiêm bái. Tượng cao 11 mét, sừng sững trang nghiêm hướng mặt ra biển, như độ trì cho những ngư dân chân chất xứ này thuận buồm xuôi gió khi ra khơi; thuyền về cá nặng đầy khoang,  cứ nhìn vào tượng Bồ tát mà nhắm hướng cập bờ về bến đỗ yên bình. Bên tượng Bồ tát hiền từ, nhịp sống miền biển vẫn sôi động; cuộc sống cứ nảy nở, sinh sôi. Chân tượng được đặt sát mé biển, thủy triều lên, từng con sóng mấp mé chân tượng. Hơn ba mươi năm đã trôi qua, đến nay, bờ biển đã vươn ra xa, cách chân đế tượng hơn bốn trăm mét. Trong dòng người đến với Quán Âm Phật Đài, có thể thấy rất đông du khách, phật tử là nữ giới. Ngẫu nhiên? Hay có mối tương quan nào gắn với câu hỏi: Tại sao tượng Quán Thế Âm Bồ tát lại mang vóc dáng nữ nhân? Truyền rằng: Quan Thế Âm tức là quan sát tiếng kêu than của chúng sinh trong thế gian để độ cho chúng sinh thoát khổ. Bồ tát Quan Thế Âm là hiện thân của từ bi. Quán Thế Âm không phải là nữ tướng, Ngài thị hiện làm Bồ tát vì muốn cứu khổ, ban vui cho chúng sinh. Trong nhân gian, phụ nữ lại  thường khổ hơn nam giới, nên nữ giới đặc biệt tín ngưỡng về Ngài. Và chúng sinh mới tưởng tượng ra Bồ tát Quán Thế Âm là nữ tướng để tiện hóa độ cho phụ nữ. Còn bởi tình mẹ thương con là tình thương chân thành, tha thiết nhất, không có tình thương nào sánh bằng. Cho nên, Quán Thế Âm Bồ tát hiện thân là một người mẹ hiền.
tamnhin 2.jpg
Quán Thế Âm Bồ tát đứng ven biển độ trì cho chúng sinh, người miền biển gọi là Mẹ Nam Hải. Hàng năm, vào dịp 22 – 23 – 24 tháng Ba âm lịch, tại đây diễn ra lễ hội Quán Âm Nam Hải. Đây là lễ hội mang đặc thù miền biển, được tổ chức trong ba ngày với nhiều phần lễ (Lễ cầu an, cầu siêu, chúc phúc); nhiều phần hội (Diễu hành xe hoa rước Quán Âm Nam Hải; biểu diễn trống hội, múa rồng, múa lân; hát bội; trưng bày hình ảnh đất và người Bạc Liêu xưa và nay; hội chợ bày bán những sản vật miền biển và sản vật địa phương…). Lễ hội Quán Âm Nam Hải năm 2010, được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 5, mỗi ngày đón khoảng 15.000 lượt du khách.Đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, ngày 13 tháng 12 năm 2003, UBND tỉnh Bạc Liêu đã kí Quyết định cho phép Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu xây dựng và vận động tài chính để xây dựng công trình khu Quán Âm Phật Đài trên diện tích 25.000m2 với nhiều hạng mục kiến trúc mĩ quan: Chánh điện, nhà chư tăng, nhà khách, nhà lưu niệm, sân lễ Đức Quán Thế Âm, cảnh quan và Phật tích… Hiện nay, một số hạng mục đã đi vào hoạt động, trong tương lai gần, đây sẽ là một khu chiêm bái trang nghiêm, một khu thắng tích lớn nhất của Phật giáo ở Bạc Liêu.Bạc Liêu không được thiên nhiên ban tặng cảnh thùy dương cát trắng hay đại ngàn hoang sơ; cũng không có những đình, đền, miếu hàng ngàn năm tuổi… Nơi đây cũng không phải miền thánh địa Phật giáo cho du khách hành hương. Nhưng đến với Bạc Liêu để chiêm bái một pho tượng Mẹ Nam Hải bên cửa biển Đông mặn mòi gió biển và rì rầm sóng biển, nơi mà đất đai của Tổ quốc vẫn ngày đêm cần mẫn vươn mình ra biển, thì có lẽ đây cũng là một điều kì thú. Dời gót, sẽ còn những ngôi nhà cổ mang đậm dấu ấn về một Bạc Liêu phì nhiêu vang danh Nam Kì lục tỉnh những năm đầu thế kỉ XX mời bạn dừng chân; những làn điệu, bản đờn ca tài tử níu kéo bước chân của tao nhân, mặc khách; những giai thoại về chàng công tử Bạc Liêu mà nghe rồi cứ muốn nghe lại, nghe thêm…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.