Đốt phước!

GN - Tôi gọi những người đã, đang và sẽ đốt giấy tiền vàng mã chính là những người có hành vi đốt phước báo của mình. Không phải vô cớ mà tôi kết luận như vậy mà bởi chính từ phát ngôn chính thống của chư tôn đức trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo Giác Ngộ, Vietnamnet…

vangma_1.jpg

Đốt vàng mã là gián tiếp đốt tiền thật! - Ảnh minh họa

Cụ thể, trên GN số Tân niên 625-626, TT.Thích Trực Giáo (phó trụ trì chùa Giác Nguyên, Q.4, TP.HCM) trong bài “Trước sự bát nháo của lễ hội” đã khẳng định rõ ràng: “Theo sử sách Trung Hoa, tục đốt giấy tiền vàng mã bắt đầu từ thời nhà Hán. Nguyên do vì nhà vua muốn thực hành lời dạy của Khổng Tử: “Sự sanh như sự tử, sự vong như sự tồn” (nghĩa là thờ phụng người đã chết như thờ phụng người sống)…”. Với nguồn gốc như vậy, suy ra, nhà Phật không chủ trương đốt vàng mã hay là đốt vàng mã không phải chủ trương của Phật giáo.

Cũng vậy, TT.Thích Kiến Nguyệt, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cũng khẳng định trên Vietnamnet rằng: “Chuyện đốt vàng mã và đến cửa Phật để cầu xin tiền tài là chuyện hoàn toàn không có trong đạo Phật. Đó là hành động hết sức lãng phí tiền của vào sai chỗ, sai mục đích và không đúng với đạo Phật”. 

Cũng trên bài báo này, TT.Thích Kiến Nguyệt nhấn mạnh: “Tôi nói vậy vì đã là người theo đạo Phật phải tuân theo luật Nhân quả. Gieo nhân gì gặt quả đó. Nhiều người hiểu sai lầm khi đến chùa cầu xin mà quên rằng Phật có dạy: “Ta không ban phước, không giáng họa cho ai hết mà chính các người lãnh cái quả do mình gây ra”.

Không thể khác được, bởi tất cả những lời chia sẻ của hai vị Thượng tọa như trên đều theo tinh thần lời Phật dạy, từ kinh điển mà ra. Do vậy, khuyến cáo chung đối với Phật tử là không nên tin vào tín ngưỡng dân gian vốn có nhiều điểm không phù hợp với Phật giáo, làm cho niềm tin trở nên méo mó (mê tín). Khi đó, việc mình làm sẽ trở nên sai trái, cứ nghĩ là làm có lợi lạc nhưng không ngờ lại tổn phước, bởi theo logic thì đốt vàng mã thực chất là gián tiếp đốt tiền thật một cách vô bổ, không có lợi cho người mất (do họ không thể nhận được) và càng không có lợi cho người sống. 

Do vậy, việc làm thiết thực, tạo công đức là bố thí, cúng dường rồi hồi hướng phước lành cho người thân đã mất là một việc làm thiện lành lợi cho kẻ còn, người mất. Học và hành theo lời Phật dạy sâu sắc như thế chúng ta sẽ không đi vào tà đạo, mê tín và đốt hết phước báo (vốn mỏng manh) của mình!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.