GN - Sinh được 4 người con thì có tới 3 người con bị mắc bệnh tâm thần, suốt hơn 5 năm qua, hai vợ chồng già phải gắng gượng hết sức mới có thể duy trì được cuộc sống cho một gia đình có 5 miệng ăn và lo cho đứa con út có tiền ăn học. Tuổi đã cao nhưng chưa một ngày ông bà có cuộc sống thanh thản, vui vầy bên con cháu như những người khác.
Ước mơ nhỏ nhoi ấy bây giờ dường như quá xa xỉ với đôi vợ chồng nghèo gần cả cuộc đời chìm trong cơ cực. Đó là hoàn cảnh của bà Trần Thị Hiền (66 tuổi) và ông Phan Tường (67 tuổi), trú xóm Chùa, thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế).
Nỗi đau chồng chất
Con đường vào nhà hai vợ chồng bà Hiền chỉ rộng chừng 30cm, nhầy nhụa bùn đất, cỏ mọc um tùm. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, dột nát, đập vào mắt chúng tôi là một thanh niên đẹp trai, nhưng đôi mắt lại vô hồn, cúi gằm mặt xuống đất, chân bị xích lại ở góc tường. Đang lúi cúi hái mấy cọng rau khoai sau hè, bà Hiền chạy vào chào khách rồi chép miệng: “Con trai tui đó, nó tên Phan Văn Toản, 25 tuổi rồi. Nó bị điên nên 5 năm nay phải xích lại kẻo nó đi quậy phá. Khổ thân lắm chú ơi”, bà Hiền ứa nước mắt dẫn chúng tôi vào nhà.
Anh Toản bị xích lại mỗi khi lên cơn điên dại
Rót ly nước lá rừng mời khách, bà Hiền nhìn Toản với ánh mắt đau đớn, sụt sùi cho biết, vợ chồng bà Hiền có 4 người con thì hết 3 người bị điên. Người con đầu là Phan Văn Mãi (42 tuổi), trước đây có 1 thời gian Mãi đang khỏe mạnh bình thường thì tự dưng phát điên mất một thời gian dài. Cách đây 5 năm thì bệnh tình mới dứt và nay may mắn lấy được vợ và đã ra riêng. Còn người con thứ 4 là đứa con duy nhất không mắc bệnh, hiện tại đang học nghề ở Đà Nẵng.
Lại nói về Toản, bà Hiền cho biết, hồi nhỏ Toản rất ngoan hiền. Nhà nghèo nên học hết lớp 4, Toản phải nghỉ học, ít năm sau thì vào miền Nam bươn chải nhiều nghề nuôi thân. Đến năm 20 tuổi, Toản trở về quê đi phụ thợ hồ, rồi không hiểu vì sao lại phát điên cho đến bây giờ. “Bình thường thì nó ngồi thế, chứ khi nổi cơn lên, nó đập đầu vô tường, la hét. Ông Tường cha nó mà nhiều lần bị nó đánh cho thâm mặt tím mày. Khi tỉnh táo thì nó bảo ‘mở cho tui ra tí ba ơi, mỏi chân lắm’.
Thương con, vợ chồng tui tháo xích cho nó, rồi lại bị đánh. Tôi vẫn nhớ là khoảng tháng 8 năm ngoái, thằng Toản kêu đói bụng. Tui nấu vội miếng cơm đem vào cho nó ăn. Ăn xong, khi tôi tới lấy bát đi rửa thì bất ngờ nó túm lấy đầu chồng tui đang ngồi bên cạnh dúi vào tường nhà rồi đấm ông ấy lia lịa. May lúc có hàng xóm ở gần đó chạy tới kéo nó ra chứ không thì chồng tui cũng bị nó đánh chết rồi. Cũng đã có lần, vợ chồng tui đưa con lên Bệnh viện Tâm thần Kim Long, thuốc men thì được miễn phí nhưng phần vì tiền phòng, tiền ăn không có, ở lâu ngày thì làm sao trụ được nên đành ngậm ngùi đem về nhà chăm nom”, bà Hiền tâm sự.
Trước đó, chị gái của Toản là Phan Thị Lành (36 tuổi) cũng phát điên sau khi sinh con. Năm 20 tuổi, chị Lành tình cờ quen biết rồi nên duyên chồng vợ với anh Nguyễn Kim Luyến (36 tuổi, quê ở Hà Tĩnh). Hạnh phúc như được nhân đôi khi chị Lành sinh hạ bé gái tên Phan Thị Mơ (SN 1998). Nhưng khi đứa con gái mới chập chững tập đi thì bỗng dưng anh Luyến bỏ nhà vào Nam mãi không về.
“Lúc đi, thằng Luyến nói là vào Nam làm ăn để nuôi vợ con. Nhưng nó đi mãi rồi không thấy liên lạc gì luôn. Từ lúc chồng nó bỏ đi bặt vô âm tín, đêm nào nó cũng khóc đến nỗi hai con mắt sưng vù, đỏ hoe. Chờ thằng Luyến mãi không thấy, nó ngày càng tiều tụy dần và phát điên cho đến nay. Đã vậy, sau khi mắc bệnh, nó còn hay bồng con ra đường để ngóng chồng nữa. Lúc lên cơn thậm chí nó đòi bồng con thả giếng. Vợ chồng tôi sợ con và cháu gặp nguy hiểm nhưng thân già không thể cản nó nên phải nhờ mấy người hàng xóm can ngăn”, bà Hiền chua xót kể.
Cũng chính vì sợ chị Lành bồng con thả giếng nên từ ngày chị phát điên, vợ chồng bà Hiền đành bịt kín miệng giếng cho tới bây giờ. Trước đây, lúc chị Lành mới phát bệnh, chị thường đi lung tung khắp làng, khắp xóm, còn bây giờ thì chỉ ở nhà. Nhưng, chị Lành không mặc quần áo mà chỉ trùm chăn nằm trên giường, ít khi ăn uống, lúc la hét, lúc khóc lóc van xin. Mỗi lần nhìn hai đứa con lên cơn, vợ chồng bà Hiền đau đứt ruột đứt gan nhưng không biết phải làm thế nào.
Hy vọng nhỏ nhoi
Điều mà hai vợ chồng bà Hiền lo sợ nhất là mỗi khi mùa mưa bão đến, với hai đứa con điên dại trong mái nhà cấp bốn lợp tôn, không đủ vững chắc thì hai vợ chồng già cả không biết phải chống chọi như thế nào. “Những năm trước, nghe bão vô là vợ chồng tui phải đào đất, chặt cây nẹp tôn, bịt cửa từ trước. Còn hai đứa con thì phải xích lại, khi cần đi là sẽ nhờ thêm nhiều người để đưa đi chứ không nó vùng chạy thì vợ chồng già này khốn khổ. Những lúc gió bão rít, cây gãy chúng nó hoảng sợ, la hét và khóc nhiều lắm. Vào mùa mưa bão, vợ chồng tui cứ như người chết đi sống lại. Tuổi càng ngày càng cao, không biết liệu có trụ nổi được không nữa”, bà Hiền nói.
Chị Lành thường trùm chăn lúc la hét, lúc khóc lóc van xin
Hàng tháng, hai đứa con điên dại của bà Hiền nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhưng cũng chỉ đủ để thuốc thang. Đôi vợ chồng già nua đành phải thay nhau, người giữ con, người đi trèo cây bứt lá tràm bán kiếm tiền trang trải qua ngày. Số tiền hai vợ chông kiếm được 1 ngày chỉ vài chục ngàn nhưng ngoài việc này ra thì ở đây họ cũng không biết làm gì khác.
Những ngày mưa rét, cả làng ở nhà đốt lửa sưởi ấm thì vợ chồng bà Hiền vẫn phải lam lũ trèo lên những cây tràm cao, bứt từng nắm lá tràm để lo cho các con và cháu nhỏ từng bữa ăn. “Nếu mình không đi làm thì lấy gì cho con nó ăn. Trời mưa rét, cây tràm trơn trượt, mà chúng tôi thì đã già, chân tay bủn rủn, nhiều lần trèo lên bị ngã dúi dụi khiến chân tay, mặt mày thâm tím nhưng biết kêu ai. Nhà nước hỗ trợ thì cũng có hạn mà chú”, bà Hiền cho biết.
Trong nhà, ngoài hai ông bà Hiền ra thì chỉ còn có 1 người tỉnh táo là em Phan Thị Mơ (con gái chị Lành). Mơ được vợ chồng bà Hiền chăm bẵm từ khi mới lọt lòng, em rất chăm học, và học giỏi, lại rất hiếu thảo với ông bà. Thương ông bà vất vả nên lúc mới học lớp 5, Mơ bắt đầu đi bứt lá tràm đem bán cho những người nấu dầu tràm kiếm tiền phụ giúp ông bà, rồi tự tích cóp cho việc học hành.
Hiện nay, Mơ đang học lớp 11. 10 năm học Mơ đều đạt học sinh giỏi. Khi chúng tôi hỏi điều ước của em là gì, Mơ òa khóc: “Em ước mẹ tỉnh lại để yêu thương em, ôm em và gọi em là con. Em sẽ cố gắng bứt thật nhiều lá tràm để bán kiếm tiền giúp đỡ ông bà, rồi sau này em sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ em, cậu em tỉnh lại, chữa cho ông bà hết bệnh đau khớp nữa” - Ánh mắt Mơ sáng hẳn khi nói về mơ ước của mình.
Đứa con trai út của vợ chồng bà Hiền là Phan Văn Cẩn (21 tuổi), đang học trung cấp điện tại Đà Nẵng. Quệt ngang những dòng nước mắt lăn dài trên gò má rám nắng, bà Hiền chia sẻ: “Thằng Cẩn thi đậu trường cao đẳng ở Đà Nẵng nhưng mà tôi không có tiền cho nó học nên đành ở nhà. Đi làm ở Sài Gòn mấy năm, nó lại xin đi học nghề để có việc làm sau này. Thương con, tôi ráng vay mượn, nó cũng đi làm thêm để học hành. Trước đây, tui nghèo, không được đi học nên giờ nửa chữ bẻ đôi cũng không biết. Giờ có cực mấy, tui cũng phải ráng cho chúng nó đi học kiếm cái chữ, cái nghề. Sau này cả nhà chỉ trông cậy vào con Mơ với thằng Cẩn mà thôi”.
Ông Dương Quang Nghĩa, Phó Chủ tịch xã Lộc Tiến cho biết: “Gia đình bà Hiền thuộc diện hộ nghèo, khó khăn trong xã. Hiện anh Toản và chị Lành đang hưởng trợ cấp xã hội khuyết tật, nhưng cuộc sống quá khó khăn, có khi thiếu đói. Thay mặt gia đình bà Hiền, tôi tha thiết những tấm lòng hảo tâm hãy chung tay giúp đỡ gia đình bà Hiền”. |