Đôi nét về lịch sử phát triển Phật giáo tại Ý

GN - Phật giáo được giới thiệu đến nước Ý theo cách tương tự như ở các quốc gia phương Tây khác, với nhịp điệu tương đối chậm vì nước này không có hiện tượng nhập cư vào đầu thế kỷ XX và cũng không có chế độ thuộc địa ở các quốc gia châu Á như Anh, Pháp.

3b.jpg

Viện Phật giáo Soka Gakkai tại Ý

Theo tiến sĩ Phật học Martin Baumann (Đại học Hanover, Đức), sự quan tâm đến triết học Phật giáo bắt đầu trong cộng đồng trí thức Ý vào cuối thế kỷ XIX, “từ những làn sóng đối thoại cá nhân đầu tiên trước ngưỡng thế kỷ mới bởi sự bóp méo về hình ảnh Phật giáo của hội người theo thuyết Thần trí” tại Ý. Sau đó, các cộng đồng Phật giáo được thiết lập vững chắc bởi sự hướng dẫn của những vị thầy Phật giáo người châu Á và phương Tây từ những năm 1920.

Đến thập niên 1950, nhiều học giả, trí thức người Ý tìm hiểu, thực hành và thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo tại đây.

Từ những học giả, trí thức có niềm đam mê với Phật giáo

Một trong những nhân vật nổi tiếng đó là Salvatore Cioffi (1897-1966), người có sự hứng thú và quan tâm đặc biệt đến triết học Phật giáo sau khi đọc bản kinh Pháp cú (Dhammapada).

Sau đó, Cioffi đã đến Ấn Độ, Sri Lanka rồi Myanmar để học Phật. Ông chính thức gia nhập Tăng đoàn Myanmar vào cuối những năm 1920 với pháp danh Lokanatha và là một trong những Phật tử đầu tiên tổ chức hành hương đến các thánh tích tại Bồ Đề Đạo Tràng những năm 1930.

Sau Thế chiến thứ 2 và độc lập của Myanmar, sư Lokanatha dành toàn bộ thời gian và sức lực của mình để kêu gọi, gây quỹ cho các hoạt động Phật giáo: giúp đỡ và bảo trợ việc hoằng pháp, tu học của chư Tăng Myanmar, phát hành sách và các ấn phẩm về Phật giáo Nguyên thủy, xây dựng tháp thờ vì hòa bình thế giới tại Rangoon (nay là Yangon) và các công trình Phật giáo khác.

Sư Lokanatha đại diện Phật giáo Myanmar tham gia các hội nghị quốc tế do Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới tổ chức những năm 1950.

3a.jpg
Vị sư người Ý, Lokanatha (1897-1966) có nhiều đóng góp cho Phật giáo tại Myanmar

Một người Ý khác, Giuseppe Tucci (1894-1984), nhà khám phá và nghiên cứu Tây Tạng này khởi niềm yêu thích Phật giáo và văn hóa Tây Tạng sau thời gian lưu trú khá dài tại Tây Tạng, Ấn Độ, Afghanistan và Iran.

Ông quay trở lại Ý, xuất bản các tác phẩm về hành trình của mình và thành lập Viện Trung - Viễn Đông vào năm 1933.

Đến năm 1995, ông kiến nghị hợp nhất Viện Ý - Phi ở Rome thành Viện châu Phi và phương Đông nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa giữ Ý và các quốc gia châu Á.

Theo đó, nhiều ấn phẩm dịch thuật và công trình Phật giáo của viện được hiệu chỉnh bởi các vị thầy Phật giáo Tây Tạng, trong đó có thầy Geshe Jampel Senghe - lần đầu tiên đến Ý để hoàn thiện các công trình học thuật cho viện này và sau đó là các chuyến hoằng pháp của những vị Lạt-ma Tây Tạng ở châu Âu. Một thời gian sau, thầy Jampel Senghe thành lập Viện Phật giáo Samantabhadra, vẫn còn hoạt động cho đến nay.

Kể từ đó, nhiều vị Lạt-ma đến làm việc, giảng dạy ngôn ngữ và văn chương Tây Tạng tại Viện Đông phương học Naples; mở trung tâm tu học ở Arcidosso, gần Grosseto (Tuscany).

Từ thập niên 1960, các trung tâm Phật giáo có mặt khắp nơi ở Ý.

Đầu những năm 1980, Hiệp hội Phật giáo Ý chính thức được thành lập. Là thành viên của Liên minh Phật giáo châu Âu (EBU), Hiệp hội tổng hòa hoạt động của tất cả các trường phái Phật giáo có mặt tại Ý và được chính phủ công nhận vào năm 2007.

Năm 2015, hội này được công nhận trong hệ thống tôn giáo quốc gia, bên cạnh 11 nhóm tôn giáo khác tại Ý và được chính phủ tham vấn trong các hoạt động tôn giáo, văn hóa.

Đăng Minh

(theo Tricycle, The Buddhist Door)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.