Đổi mới nhân sự cấp cao,củng cố tăng trưởng và chủ quyền quốc gia

Giác Ngộ - Ngay trong những ngày đầu tiên của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII (từ ngày 22-7), nhân sự cấp cao nhất của hành pháp và lập pháp đã được toàn thể 500 đại biểu Quốc hội quyết định: Chủ tịch Quốc hội khóa XIII là ông Nguyễn Sinh Hùng (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ); Chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang (nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng).

111ong-truong-tan-sang.jpg

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã bầu lại nội các bao gồm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cũng như nhân sự lãnh đạo ngành tư pháp là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, nêu rõ bên cạnh các thành tựu về chỉ tiêu kinh tế; còn phải đương đầu với những thách thức mới về lạm phát, về những biến động giá cả thị trường và chính sách tiền lương. Trong những phiên họp thảo luận, các đại biểu vẫn còn băn khoăn về chỉ số phát triển kinh tế không tương thích với biểu đồ biến động về giá cả thị trường (chỉ tiêu tăng trưởng không theo kịp biến động thị trường tăng gấp 5 lần). 

Đơn cử vấn đề chính sách tiền lương của giáo viên theo như cam kết của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (từ năm 2005 đến 2010), lương giáo viên sẽ đủ sống (từ 2,5 triệu/tháng), song thực tế hiện nay, khi mức lương đã đạt được như trên thì mức độ trượt giá đã tăng gấp 5 lần. 

11270711030528.jpg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) tặng hoa chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử

Ai cũng biết, công nhân viên chức Nhà nước sống dựa vào đồng lương, lương cũng là yếu tố quyết định trong việc kích thích đầu tư, sản xuất trong lao động, thế nhưng đa số đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần này đã tỏ ra ưu tư về chính sách lao động, tiền lương của công nhân viên chức cả nước không theo kịp với biến động giá cả thị trường. Một điều đáng lo ngại mà ai cũng biết, lạm phát kéo theo sự mất giá của đồng tiền; mà một khi đồng tiền mất giá, nó khó có thể trở về giá trị như cũ.

Vấn đề chủ quyền quốc gia, biển đảo cũng là đề tài nóng tại kỳ họp lần này. Chính vì vậy, tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định về chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm - trong phát biểu nhận nhiệm vụ. Ngoài ra, những lĩnh vực phòng chống tham nhũng, cơ chế chính sách trong quản lý đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ thái độ kiên quyết là điều chỉnh và hành động quyết liệt hơn.

nguyen-sinh-hung.jpg

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Như đã cam kết trước các cử tri trong các chương trình hành động khi ứng cử đại biểu Quốc hội, 500 đại biểu dự kỳ họp đầu tiên đã thể hiện lời hứa của mình, dù không hoàn toàn đầy đủ vì kỳ họp chỉ kéo dài nửa tháng (đến 14-8), song tại các phiên họp thảo luận, góp ý, các đại biểu đã chuyển tải được những gút mắc, tâm tư, tình cảm của cử tri cả nước lên các cấp lãnh đạo cao nhất về những vấn đề nóng bỏng của xã hội, liên quan đến tăng trưởng kinh tế, an sinh, an ninh trật tự an toàn xã hội, và nhất là thể hiện rõ tình cảm nhân dân trong vấn đề biên giới biển đảo.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội quyết định không thể chế hóa hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước vì thể chế không rõ ràng và chưa được sự đồng thuận cao.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.