Doanh nhân, sự giàu có và nể trọng!

GNO - Người xưa dạy “Phi thương bất phú”. Quả đúng như vậy, giới thương gia, doanh nhân trong mọi thời đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội. Tuy vẫn còn đó những sự giàu có của doanh nghiệp không mang tính nhân văn, phát triển không bền vững nhưng cơ bản doanh nhân là những người biết làm giàu, giúp cho nhiều người có công ăn việc làm và tạo ra sản phẩm dịch vụ - tiêu dùng tiện ích cho số đông…

1. Nhìn ở góc tích cực ấy thì ai cũng sẽ tán thán doanh nhân, doanh nghiệp - những người có phước lớn đã có được sự giàu có và giúp ích cho cộng đồng. Giúp nhau sinh kế là một việc lành. Và càng lành hơn nếu đó là công việc tốt, nghề hay, sản phẩm giúp con người sống tốt hơn, lành mạnh hơn. 

Trong kinh Phước Đức, Đức Phật dạy về một trong những điều phước đức lớn của con người là “Có học có nghề hay/ Biết hành trì giới luật/ Biết nói lời ái ngữ/ Là phước đức lớn nhất”.

doanh-nhan-viet-nam.jpeg

Chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam, 13-10

Trong bài pháp Bát chánh đạo, Đức Phật cũng dạy về chánh nghiệp, nghĩa là chọn công việc chân chánh để làm. Chọn một việc hay, có ý nghĩa có nghĩa là chọn công việc mà khi thực hiện nó mình có thể tạo ra giá trị cho mình và người. Ở khía cạnh việc hay, nghề tốt, công việc thiện thì phải được xét ở hai hiệu ứng: lợi mình, lợi người. Nếu việc kinh doanh của doanh nhân là lợi mình mà hại người (hoặc hại môi trường) thì cũng không được xem là doanh nhân tốt, nghề hay được.

Do đó, sự giàu có của một doanh nhân, sự phát triển của một doanh nghiệp để cho lâu bền và được xem là thiện lành thì phải được đo đạc bằng chỉ số “lợi mình, lợi người”. Một doanh nghiệp sản xuất, bán ra thị trường mà người sử dụng sản phẩm trở nên hung dữ hơn, có lối sống tha hóa đi, bỏ hết mọi thứ chỉ chăm chăm vào sử dụng sản phẩm của mình, gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần (như game online có tính bạo lực chẳng hạn) thì đó chưa phải là một doanh nghiệp tốt, một doanh nhân tốt.

Từ ví dụ này ta có thể lấy tiếp các ví dụ khác như vụ nhà máy sản xuất bột ngọt xả chất thải vào sông suối gây ô nhiễm môi trường, làm hại người dân sống nhờ vào sông ấy phải điêu đứng thì không thể là nghề hay, không phải là doanh nhân tốt.

Tất nhiên, cũng có những cái lợi và hại tương đương nhau, thì chúng ta phải cân nhắc lựa chọn và tìm phương án tối ưu nhất để hạn chế cái hại với môi trường, đồng thời phát huy tính tích cực của công việc. Nói như thế để thấy, có những nhà máy buộc lòng phải thải ra môi trường khói, carbonic, nhưng doanh nghiệp ấy ý thức và có xúc tiến hỗ trợ trồng rừng ở nơi nào đó, hoặc ứng dụng kỹ thuật để hạn chế tối đa chất thải độc hại…thì cái tâm ấy của người chủ doanh nghiệp đáng được tán thán. 

2. Sự giàu có của một người có thể mang lại sự ngưỡng mộ, thần tượng của nhiều người. Cái đẹp và sự giàu sang tất nhiên không phải tự nhiên mà là lẽ đương nhiên theo luật nhân quả. Bạn là doanh nhân, bạn có nhiều tiền đương nhiên bạn có phước, phước ấy do bạn tạo nhưng nếu bạn không biết nó là hữu lậu (có hạn) mà xài phung phí hoặc tự đắc thì cái phước ấy sẽ cạn và cũng sẽ làm bạn khổ. 

Hiểu về điều đó, chúng ta sẽ hiểu về sự trọng vọng của người khác dành cho mình đôi khi thông qua “phương tiện” là sự giàu có, đẹp, sang. Nhưng, những thứ đó thực ra là “trang sức” nên đến một lúc nó cũng mất đi theo quy luật sanh-trụ-dị-diệt; nên quan trọng nhất và là cái tâm, được biểu hiện thành cách sống, lối sống. Giống như Steve Jobs, người vừa ra đi và để lại nhiều tiếc thương cho cả thế giới, ông không chỉ là doanh nhân mà còn là một nhân cách lớn bởi sự kinh doanh, sáng tạo của ông là với ý niệm làm cho thế giới con người, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nếu chỉ chăm chăm làm giàu mà thiếu ý niệm làm giàu tâm hồn mình từ ý thức kinh doanh chân chánh và cả sự chia sẻ, biết ơn đối với cộng đồng thì sự nể trọng của mọi người chắc chắn sẽ không dành cho người đó. Bởi, mình chưa bao giờ ý thức “sống cho muôn người” nên muôn người làm sao nghĩ, nhớ tới mình được? Đó cũng là nhân quả thôi, nên quý vị là doanh nhân, quý vị đừng chỉ khoát một số “trang sức” mà quên làm giàu có tấm lòng, làm cho cội rễ tâm hồn mình thăng hoa. 

Để được vậy, xin đừng chỉ nghĩ lợi mình mà quên mất lợi người và môi trường sống, đất mẹ, hành tinh… Và được vậy, thì tự khắc người ta sẽ kính trọng và nhớ ơn mình, kính trọng như nhớ về một ân trong đời vậy!

Chánh nghiệp (Sammakammata): Làm đúng

Chánh nghiệp là có nghề nghiệp chánh đáng, không làm tổn hại sinh vật như từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục nhiểm. Nếu không sống đúng với những điều căn bản trên đây là tà nghiệp tức trái với chánh nghiệp. Nghiệp là hành động có tác ý. Như vậy, chánh nghiệp là những hành động đúng đắn được hướng dẫn bởi chánh tư duy. 

Nói một cách cụ thể, đó là những hành động không phạm vào sát sanh, trộm cắp và tà dâm mà trái lại, luôn luôn thể hiện lòng từ ái và bi mẫn đối với mọi loài, tức những hành động bảo vệ sự sống, bố thí và trung chính. Không sát, đạo, dâm là những giới luật căn bản đặt trên nền tảng từ bi mà Đức Phật chế ra để người Phật tử dùng nó để xây dựng một đời sống an lành và tốt đẹp cho mình từ phạm vi cá nhân cho đến gia đình và xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.