“Đoàn đắp y trang nghiêm”

GN - 1. Trong cái nắng gắt của trưa Sài Gòn, tôi ghé chùa Linh Ứng, Q.Gò Vấp, TP.HCM như lời hứa với mọi người trong đoàn “đắp y” để tham gia cùng đoàn. Những nụ cười thân quen của mọi người trong lần đầu tiên gặp gỡ làm cho tôi cảm thấy thật gần gũi và an lành đến lạ.

Trò chuyện với tôi về công việc đắp y, cô Đặng Thị Hoa mà mọi người gọi với cái tên thân mật là “Dì Sáu thủ quỹ” của đoàn đã chia sẻ như một chuyên gia về nghề. “Để đắp được một pho tượng, đầu tiên xả nhám, lau tượng… Tùy theo điều kiện hư của từng tượng mà có những khâu như đắp giá, làm lại tay, làm lại cổ, làm lại bông sen, sau đó sơn trắng, sơn lót, rồi dặm màu… Tất cả những công đoạn này làm bằng máy nhưng chỉ làm những chi tiết lớn thôi, còn những chi tiết nhỏ máy không làm được thì các thành viên trong đoàn sẽ làm bằng tay như đi viền, đi móng tay, đi tóc…

Những cái áo nào cần những chi tiết như có vàng, thì sẽ có công đoạn đắp vàng. Những đường nhỏ thì có một người phụ trách đi viền nhỏ. Cuối cùng là giai đoạn phun keo để bảo vệ tượng, giữ tượng không bị tác động nhiều vì môi trường nắng, gió”, chị Hoa nói.

XH (3).jpg
XH (2).jpg

Thành viên của hội đắp y và vẽ mắt cho tượng

Chị kể tiếp: “Khi đến sơn tượng, các thầy cũng hỏi cặn kẽ dữ lắm, từ các khâu làm như thế nào, quy trình ra sao, rồi thầy mới đồng ý. Quan trọng nhất là người vẽ cặp mắt vui hay buồn và màu sắc khi xử lý để không bị khuyết nhiều điểm. Nhiều lúc đến chùa làm, các thầy chưa tin tưởng nên đem ra một số tượng để mình làm thử, sau đó thấy được mới là đem ra gần hết tượng trong chùa”.

Trò chuyện một cách thân mật và hết sức cởi mở khi chia sẻ về việc làm của mình, chị Trâm nói: “Hồi đầu đi làm chỉ với mục đích vui thôi, nhưng càng đi càng thấy có ý nghĩa. Các anh chị coi nhau như gia đình vậy, cùng giúp đỡ nhau nhiều lắm, từ việc đắp tượng cho đến công việc ngoài đời”.

Hay như bạn Tiên đi cùng với mẹ đắp tượng từ khi còn học lớp 9, giờ đã lên năm nhất đại học nhưng vẫn tham gia cùng đoàn. Tiên bảo tham gia cùng mọi người vui lắm, lúc đầu chưa biết thì làm những chi tiết nhỏ, giờ thì biết làm gần như hết các khâu rồi. Tiên nói với nụ cười tươi rói trên môi.

Trong nụ cười hoan hỷ, anh Khoa cho biết: “Đi vất vả nhưng anh em vui vẻ, mọi người thân thiết, đoàn kết lẫn nhau, học hỏi được nhiều lắm, về sự nhẫn nại, đôi khi mình gặp một số trắc trở như máy móc hư, tượng thì mục nát loang lổ nhiều… Nếu không có tính kiên nhẫn thì sẽ không làm được. Công việc này giúp mình ít bị sân, vì phải tỉ mỉ làm việc mà sân thì hư hết việc. Giờ thì tay nghề tôi được nâng lên nhiều lắm”.

2. “Hữu xạ tự nhiên hương”, làm chùa này, các thầy từ chùa khác đến thấy tượng sơn đẹp đã hỏi thăm, thế là tự nhiên không cần quảng cáo mà tiếng lành đồn xa. Đoàn đi nhiều tỉnh như:  Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Lắk… dù vậy, kinh phí xe, tiền mua các thiết bị cho việc đắp tượng và sơn đều do các thành viên trong đoàn tự bỏ tiền ra.

“Đoàn đi tỉnh nhiều, nhiều chỗ tượng bị vỡ ra, thì mình phải đắp lại. Huynh đệ ai có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu để mua màu nước, thiết bị, còn tiền xe thì mọi người cùng hùn lại, ai có tiền nhiều thì hùn nhiều, còn ai có tiền ít thì hùn ít, không có thì góp công”, chị Hoa chia sẻ.

Đoàn có tên là “đắp y trang nghiêm”. Cái tên này do quý thầy chùa Quảng Sơn, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đặt cho. Thấy đoàn đi lại xa, làm thì bỏ tiền ra, mà khi về quý thầy muốn cảm ơn, hay tri ân gì đó cũng không nhận. Thế là, từ đó đoàn có sổ nhật ký và có tên là “Đoàn đắp y trang nghiêm”.

Quý thầy cô chia sẻ trong nhật ký lưu niệm: “Biết được đoàn nhờ sự giới thiệu của quý chư huynh đệ ở các tỉnh nên thầy đã liên hệ. Trong một buổi sáng mà các thành viên trong đoàn làm việc rất tích cực, nỗ lực nhanh chóng. Họ làm việc với trọn tấm lòng và sự tín tâm”. Thầy Thích Như Tại, trụ trì chùa Linh Ứng, Q.Gò Vấp, TP.HCM viết.

“Đoàn đã đắp y mới lại các tượng Phật, Bồ-tát, Thánh chúng thờ tại chùa. Đoàn rất vui vẻ hòa hợp, đặc biệt làm việc rất nhiệt tình, cẩn thận, nhờ vậy các Thánh tượng đều thể hiện tính trang nghiêm, từ bi, thanh tịnh.” Thầy Thích Đông Nghĩa, chùa Quảng Sơn, huyện Đức Linh, Bình Thuận ghi.

NS.Thích nữ Như Nghiêm, chùa Nguyên Hương, Q.4, TP.HCM viết: “Quý vị chẳng những đã đem lại những nét đẹp thuần túy trên các tôn tượng mà còn đem lại niềm tin đến với những người vào đạo. Phải nói đó là một “hạnh nguyện” trong những hạnh nguyện của Bồ-tát mà thời nay khó có ai có thể làm được.”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.